Thúc đẩy đổi mới Giáo dục: Quyết tâm đưa Việt Nam vươn tầm thế giới

SVVN - Ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo, nhấn mạnh quyết tâm cải cách toàn diện để xây dựng nền giáo dục hiện đại, hội nhập. Phiên họp tập trung vào các giải pháp nâng cao chất lượng giáo viên, tăng cường tự chủ địa phương và phát triển xã hội học tập, tạo nền tảng cho giáo dục Việt Nam vươn tầm quốc tế.

Ngày 2/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo - đã chủ trì phiên họp của Ủy ban để thảo luận về định hướng và giải pháp cho việc đổi mới giáo dục và đào tạo, theo chỉ đạo từ Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị, nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về cải cách toàn diện lĩnh vực giáo dục.

Hội nghị có sự tham gia của: Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Ủy ban; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Kim Sơn; Bộ trưởng Bộ KH - CN Huỳnh Thành Đạt; cùng nhiều lãnh đạo từ các bộ, ngành và các thành viên khác của Ủy ban.

Thúc đẩy đổi mới Giáo dục: Quyết tâm đưa Việt Nam vươn tầm thế giới ảnh 1

Thủ tướng chỉ rõ 5 yếu tố về thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập, cùng 3 nội dung cần đặc biệt lưu ý để tiếp tục đổi mới giáo dục và đào tạo theo chủ trương của Đảng - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo báo cáo của Bộ GD - ĐT, ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận 91 nhằm tiếp tục thực hiện các nội dung đã đề ra trong Nghị quyết 29. Để thực hiện Kết luận này, Chính phủ đã giao cho Bộ GD - ĐT nhiệm vụ xây dựng Chương trình hành động cụ thể. Đáp lại yêu cầu, Bộ GD - ĐT đã phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương, và cơ quan liên quan để soạn thảo dự thảo Chương trình hành động. Nội dung của dự thảo tập trung vào các nhiệm vụ và giải pháp mà Chính phủ chỉ đạo, nhằm triển khai nhất quán các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Kết luận 91 và Nghị quyết 29, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể đến từng đơn vị, bộ ngành và địa phương.

Tại phiên họp, các đại biểu đã ghi nhận những nỗ lực của Bộ GD - ĐT trong việc xây dựng Chương trình hành động của Chính phủ. Dự thảo này được đánh giá là đã bám sát các quan điểm và mục tiêu của Kết luận 91, đồng thời làm nổi bật một số chủ trương mới về chế độ, chính sách cho đội ngũ nhà giáo, và các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, đảm bảo chất lượng giáo dục.

Trong phần kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đánh giá cao báo cáo và ý kiến đóng góp từ các đại biểu, đồng thời giao Bộ GD - ĐT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Chương trình hành động, với thời hạn phải trình Chính phủ trong nửa đầu tháng 11/2024. Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là một nhiệm vụ quan trọng trong phát triển đất nước. Trong nhiều năm qua, lĩnh vực giáo dục - đào tạo của Việt Nam đã đạt nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ để thích ứng với thời đại và đưa đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Thúc đẩy đổi mới Giáo dục: Quyết tâm đưa Việt Nam vươn tầm thế giới ảnh 2

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải có đột phá để đưa nền giáo dục và đào tạo nước ta theo kịp, ngang tầm các nước phát triển càng sớm càng tốt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đưa ra những phương châm quan trọng trong việc đổi mới giáo dục, bao gồm năm yếu tố cốt lõi: Thời gian, trí tuệ, khát vọng, tự lực và hội nhập. Thủ tướng chỉ rõ, thời gian là yếu tố quan trọng, bởi nếu chậm trễ sẽ khiến giáo dục tụt hậu và bỏ lỡ những cơ hội phát triển quan trọng. Vì vậy, các chính sách cần được thực thi nhanh chóng, khả thi, kịp thời và hiệu quả. Thủ tướng yêu cầu, đổi mới giáo dục phải dựa trên tri thức và sáng tạo, hướng tới một hệ thống giáo dục có thể giúp Việt Nam nhanh chóng tiệm cận các quốc gia phát triển, và cần thực hiện trước các mục tiêu quốc gia đặt ra cho năm 2030 và 2045.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng nhấn mạnh tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, và tự hào dân tộc, xem đây là nguồn lực chiến lược quan trọng. Việt Nam sẽ phát huy nguồn lực bên trong và xem nguồn lực bên ngoài là yếu tố hỗ trợ và đột phá. Hội nhập là yếu tố cần thiết, trong đó cần kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và xu hướng phát triển thời đại để nền giáo dục Việt Nam phát triển bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý ba nội dung chính cần được chú trọng trong dự thảo Chương trình hành động. Thứ nhất là cần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho các địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo, nhằm tạo điều kiện cho sáng tạo và tinh thần tự chủ trong từng địa phương, với phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm". Thứ hai là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, gắn việc dạy học phù hợp với lứa tuổi, đồng thời lấy học sinh làm trung tâm và giáo viên là động lực. Thứ ba là xây dựng cơ chế khuyến khích học tập suốt đời, nhằm phát triển xã hội học tập ở mọi lứa tuổi và tầng lớp.

Để hoàn thiện hồ sơ dự thảo Chương trình hành động, Thủ tướng yêu cầu Bộ GD - ĐT tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, bám sát các chủ trương của Đảng theo Nghị quyết Đại hội XIII, đồng thời cụ thể hóa các nhiệm vụ theo Kết luận 9, với nội dung rõ ràng, ngắn gọn, dễ kiểm tra, đánh giá và bảo đảm tiến độ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GD - ĐT phối hợp cùng các bộ, ngành để giải quyết một số vấn đề trọng tâm. Về quy hoạch mạng lưới giáo dục, cần chú trọng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non và tiểu học. Đồng thời, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế số, và kinh tế xanh. Thủ tướng cũng yêu cầu bảo đảm ngân sách đầu tư cho giáo dục chiếm tối thiểu 20% tổng chi ngân sách Nhà nước, và từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai, cùng với đào tạo các ngoại ngữ khác theo nhu cầu xã hội.

Thúc đẩy đổi mới Giáo dục: Quyết tâm đưa Việt Nam vươn tầm thế giới ảnh 3Thúc đẩy đổi mới Giáo dục: Quyết tâm đưa Việt Nam vươn tầm thế giới ảnh 4Thúc đẩy đổi mới Giáo dục: Quyết tâm đưa Việt Nam vươn tầm thế giới ảnh 5

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Cuối cùng, Thủ tướng đề nghị Bộ GD - ĐT tiếp thu tối đa ý kiến đóng góp của các đại biểu và xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, hoàn thành chậm nhất trong quý I/2025. Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho Bộ LĐ - TB - XH phối hợp cùng Bộ GD - ĐT để rà soát và đánh giá tổng thể hệ thống giáo dục và đào tạo hiện tại, nhằm tháo gỡ các bất cập, khó khăn và đưa ra giải pháp tối ưu.

Tin liên quan