Hình tượng những con ma và yêu quái trong văn hóa dân gian người Việt như ma dai, ma trành, ma đói… đã được “đánh thức” trong dự án “Ma quỷ dân gian ký” của Văn Công Duy (29 tuổi).
Niềm say mê với những câu chuyện ma dưới hình thức truyền miệng là động lực để Duy hình thành dự án “Ma quỷ dân gian ký” vào năm 2020. Anh chia sẻ: “Hình tượng ma quỷ trong tiểu thuyết, phim ảnh phương Tây như quỷ Satan, ma cà rồng đã không còn xa lạ. Nhiều trang tin điện tử đều có một góc cho các chuyên mục kỳ bí viết về các truyền thuyết đô thị nổi tiếng ở Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… chính vì vậy, tôi cũng muốn khai thác mảng đề tài này”.
Theo Duy, vì mang tính chất dân gian nên “vũ trụ” nhân vật ma quái vốn không được ghi chép một cách hệ thống, ngoại trừ sự xuất hiện trong một vài tác phẩm văn học kỳ ảo như Lĩnh Nam chích quái, Truyền kỳ mạn lục... “Tôi muốn làm sống lại những câu chuyện dân gian truyền miệng đang dần bị lãng quên để mọi người biết nước ta cũng có kho tàng kiến thức đồ sộ về ma quỷ”, Duy cho biết.
Dự án "Ma quỷ dân gian ký" nhằm minh hoạ cho những điều người Việt kiêng kị với quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành". |
Dự án dài hơi của Duy được thể hiện dưới dạng các “đêm trăng”, trong đó, anh đóng vai một ông lão bán tò he kể cho đám trẻ trong làng nghe những giai thoại về các loài sinh vật huyền bí mà người đời đồn đại, song song là kinh nghiệm ông cha ta đối phó với chúng và cả những phong tục có liên quan. Anh chọn dòng tranh dân gian Đông Hồ kết hợp với phong cách vẽ 'line art', 'doodle' để tác phẩm của mình vẫn nhuốm màu kì quái mà không mất đi tính “thuần Việt”.
Tác phẩm nói về giai thoại "Chó đội nón mê" trong tín ngưỡng dân gian miền Bắc. Đây cũng là giai thoại Duy cho rằng nhiều người hiểu sai. |
Về phần nội dung, Duy tham khảo những truyện xưa tích cũ từ các diễn đàn trên Internet; hiểu biết của bạn bè, người thân và cả những người nghiên cứu. Sau khi thu thập đầy đủ thông tin, anh biên soạn lại và tiến hành vẽ hình minh họa. Duy thổ lộ: “Càng sợ, tôi càng khao khát tìm hiểu về thế giới huyền bí. Do đó, thời gian trung bình để hoàn thành một tác phẩm là 1 - 2 ngày nhưng nếu có cảm hứng thì chỉ mất 5 tiếng cho phần nội dung lẫn hình ảnh”.
Theo Duy, khó khăn của dự án nằm ở chỗ tìm kiếm tư liệu vì những loài sinh vật quái dị trong dân gian hầu hết chỉ có ở những tích truyện truyền miệng nên có nhiều dị bản.
Ông lão bán tò he là nhân vật đóng vai trò kể lại toàn bộ câu chuyện ma trong "Ma quỷ dân gian ký". |
Đồng thời, Duy khẳng định tái hiện hình tượng ma quỷ nhưng không truyền bá mê tín là tôn chỉ sáng tạo của mình. “Nếu chỉ dừng ở việc đưa thông tin mà không lý giải thì vô tình sẽ gieo nỗi sợ vào mọi người và thậm chí khiến họ tìm đến một ông thầy bói, pháp sư nào đó. Vì vậy, tôi cố gắng truyền tải những nét văn hóa tốt đẹp ẩn sau mỗi câu chuyện”, anh nói. Chẳng hạn, khi đề cập đến trò cầu cơ, anh đã trích dẫn hiệu ứng vô thức (ideomotor effect) để đưa ra lý giải phù hợp cho trò chơi này.
Duy cho biết, dự án của anh chỉ mang tính chất tài liệu tham khảo cho những ai đam mê nghiên cứu văn hóa chứ không cổ xuý mê tín dị đoan. |
Từ đó, Duy nêu quan điểm: “Những câu chuyện ma quỷ sau cùng là để khuyên răn con người sống theo lẽ phải, biết tôn ti trật tự”.
Vì dự án thuộc đề tài nhạy cảm, Duy cho biết bản thân còn đang cân nhắc đến tính khả thi của đề tài nên chưa có ý định ra mắt bất kỳ ấn phẩm nào cho “Ma quỷ dân gian ký”. Mặt khác, anh vẫn trong quá trình tìm hiểu thêm những tư liệu văn hóa để hoàn thiện nội dung sao cho phù hợp với quy tắc cộng đồng. “Mình mong muốn có thể cho ra đời một cuốn bách khoa toàn thư về ma quỷ trong văn hóa dân gian Việt Nam, song song là mở một triển lãm nhỏ”, Duy bộc bạch.