Thực hư chuyện ‘không xem được ngai vàng’, du khách Thái Lan chụp ảnh trước Ngọ môn Huế rồi ra về

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Liên quan phản ánh du khách Thái Lan khi đến Huế không mua vé vào tham quan di tích Đại nội mà chỉ chụp ảnh trước Ngọ môn do “không xem được ngai vàng”, Sở Du lịch TT-Huế và Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa có ý kiến phản hồi.

Theo đó, vấn đề du khách Thái Lan không mua vé tham quan Đại nội Huế chỉ là bộ phận nhỏ, không phản ánh toàn cảnh và đúng bản chất về tình hình du khách khi đến TT-Huế và khu Di sản Huế.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Du lịch TT-Huế, qua trao đổi với một số các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, hiện nay việc bán sản phẩm tour du lịch đưa khách Thái Lan đến miền Trung có tăng khá nhiều chi phí. Đồng thời, lại có sự cạnh tranh về giá giữa các đơn vị tổ chức tour này, nên một số doanh nghiệp phải cắt giảm chi phí tổ chức để bán được tour đến miền Trung cũng như đến TT-Huế nói riêng.

Thực hư chuyện ‘không xem được ngai vàng’, du khách Thái Lan chụp ảnh trước Ngọ môn Huế rồi ra về ảnh 1

Du khách nước ngoài đội mưa tham quan Đại nội Huế.

Bên cạnh đó, qua thông tin trao đổi với một số du khách Thái Lan và hướng dẫn viên, theo suy nghĩ của nhiều khách du lịch Thái Lan, khi đến thăm Cố đô Huế, họ phải được xem tận mắt ngai vàng của triều Nguyễn, đây là một trong những yếu tố khá quan trọng để một số khách Thái Lan quyết định vào thăm Đại nội Huế.

Tuy nhiên, hiện nay điện Thái Hòa đóng cửa để bảo tồn trùng tu, không phục vụ tham quan, nên khách du lịch Thái Lan chỉ chụp ảnh công trình Ngọ môn - Kỳ đài và dành thời gian cho những trải nghiệm sản phẩm khác của Huế để có dấu ấn kỷ niệm lưu lại chuyến thăm Hoàng cung Huế, rồi rời đi chứ không mua vé vào tham quan.

Lý do khác, một số đơn vị lữ hành và du khách Thái Lan không nắm rõ thông tin về việc khi mua vé vào Đại Nội không chỉ có tham quan mỗi Ngọ môn - điện Thái Hòa mà còn có các công trình cung điện, đền miếu cũng như dịch vụ bổ trợ tham quan khác.

Thực hư chuyện ‘không xem được ngai vàng’, du khách Thái Lan chụp ảnh trước Ngọ môn Huế rồi ra về ảnh 2

Ngai vàng đặt tại điện Thái Hòa - Đại nội Huế thời điểm ngôi điện chưa bị hạ giải phục vụ bảo tồn, trùng tu. Ảnh: N.V

Từ trước đến nay, việc đón khách tham quan di tích vẫn diễn ra song song với công tác trùng tu, bảo tồn. Điện Thái Hòa là một điểm đến quan trọng và đã xuống cấp trầm trọng nhiều năm, vừa qua Trung ương đặc biệt quan tâm nên đã hỗ trợ nguồn lực để trùng tu khẩn cấp. Việc điện Thái Hòa, cũng như một số công trình khác trong tương lai được trùng tu để tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị bền vững và phục vụ du khách tốt hơn, là điều cần thiết.

Trước khi hạ giải điện Thái Hòa, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã có thông báo trước. Bên cạnh đó, đơn vị đã có nhiều giải pháp, nỗ lực để nâng cao chất lượng phục vụ du khách...

Thực hư chuyện ‘không xem được ngai vàng’, du khách Thái Lan chụp ảnh trước Ngọ môn Huế rồi ra về ảnh 3

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ phục chế ngai vàng theo bản gốc, dự kiến vài tháng nữa sẽ hoàn thành và cho đặt ở lầu Ngũ Phụng - Ngọ môn để phục vụ du khách trong thời gian điện Thái Hòa đang trùng tu.

Ông Hoàng Việt Trung - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho biết, liên quan đáp ứng nhu cầu tận mắt xem ngai vàng (từng được đặt tại điện Thái Hòa) của du khách, đơn vị quyết định phục chế ngai vàng theo bản gốc, dự kiến vài tháng nữa sẽ hoàn thành và cho đặt ở lầu Ngũ Phụng - Ngọ môn để phục vụ du khách.

Theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Du lịch TT-Huế, mặc dù điện Thái Hòa trong thời gian trùng tu, không phục vụ tham quan, nhưng giá vé vẫn không thể giảm do quy định mức thu phí tham quan được xây dựng đầu năm 2020 và áp dụng đến nay vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế, phù hợp với giá trị, tầm vóc, quy mô của một Quần thể di sản văn hóa được UNESCO công nhận, đồng thời, cũng mong muốn du khách, các doanh nghiệp du lịch có sự chia sẻ, góp phần vào nguồn thu cho công tác bảo tồn trùng tu Di sản văn hóa Huế...

Thực hư chuyện ‘không xem được ngai vàng’, du khách Thái Lan chụp ảnh trước Ngọ môn Huế rồi ra về ảnh 4

Nhiều du khách vẫn qua cửa kiểm soát vé tại Ngọ môn để vào tham quan Đại nội Huế.

Ngoài ra, mức phí tham quan được xây dựng trên cơ sở đảm bảo tương đồng với mức phí tại các khu di sản thế giới được UNESCO công nhận ở trong nước và trong khu vực Đông Nam Á (áp dụng mức thu phí tham quan theo Nghị quyết 14/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định 57/2019/QĐ-UBND của UBND tỉnh).

Cũng theo Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Sở Du lịch TT-Huế, thông tin về du khách Thái Lan như nêu ở trên chỉ là một bộ phận nhỏ chứ không phải là bức tranh toàn cảnh về du khách khi đến TT-Huế nói chung và khu Di sản Huế nói riêng. Trên thực tế cũng có nhiều đoàn khách Thái Lan vào bên trong Đại Nội không phải toàn bộ đứng ngoài như phản ánh...

Theo Sở Du lịch TT-Huế, khách Thái Lan đến du lịch Huế vẫn đang đứng đầu, chiếm tỷ lệ khoảng 13,2%; các thị trường khác trong tốp 10 của cả 3 tháng lần lượt là Pháp, Mỹ, Malaysia, Anh, Đức, Hàn Quốc, Australia, Tây Ban Nha và Canada. Khách Hàn Quốc (thị trường khách quốc tế đứng đầu trước đây) bắt đầu quay lại, nhưng chưa có tăng trưởng nhiều hàng tháng (khoảng trên dưới 1.000 khách/tháng). Riêng khách Anh, Đức tăng mạnh từ tháng 10 và tháng 11. Sở Du lịch TT-Huế đánh giá, lượng khách quốc tế đến Huế có sự tăng trưởng đều đặn. Dự kiến tháng 12, địa phương này sẽ đón khoảng 70.000 khách quốc tế.

MỚI - NÓNG
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
Xe thồ hỏa tuyến xứ Thanh
TP - Tận dụng ánh sáng pháo của quân giặc thả, xé áo quấn lốp, luồng làm nan hoa... đoàn quân xe thồ từ Thanh Hóa vượt núi băng rừng, vận chuyển lương thực hướng về chiến trường Điện Biên Phủ.