Thực hư máy đo an toàn thực phẩm

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
Thực phẩm bẩn đang tung hoành trên thị trường, nhiều bà nội trợ mách nhau mua thiết bị đo an toàn thực phẩm, đã tạo nên cơn sốt loại máy này. Để sở hữu một thiết bị trên, nhiều người phải bỏ tiền triệu, tuy nhiên hiệu quả còn rất mơ hồ.

“Mắt thần”?

Xuất hiện từ vài năm trước, nhưng thị trường đang “sốt” loại máy được quảng cáo có thể đo tồn dư hóa chất trên thực phẩm. Chúng được quảng cáo có thể phát hiện ra hoa quả “tẩm” thuốc, thịt ướp hóa chất…với các chỉ số chính xác(?).

Từ lâu, chị Thùy Dương (ở ngõ 72 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) chọn mua thực phẩm ở siêu thị. Tuy nhiên, khi nghe thấy quảng cáo về thiết bị đo hàm lượng nitrat (NO3) chị Dương đã không ngần ngại bỏ ra 6 triệu đồng để sở hữu một chiếc.

“Mình không dám mua rau hay thịt ở ngoài chợ truyền thống, chỉ dùng đồ trong siêu thị. Nhưng cảm giác vẫn thấy bất an trước những thông tin về thực phẩm bẩn bị phát hiện dồn dập. Nào là thịt lợn tạo nạc, rau tưới nước dầu thải… Tôi đã mua loại thiết bị đo này về sử dụng. Máy này được giới thiệt có thể kiểm tra dư lượng nitrat trên thực phẩm, rau, củ, quả, thịt tươi chỉ trong vòng 20 giây”, chị Thùy Dương nói. Tuy nhiên, điều chị Dương băn khoăn là không biết thiết bị này có sàng lọc được tối đa các độc tố hay không.

Trong khi đó, bà Hồ Thị Thu (ở K11 Tập thể Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cũng đã bỏ ra số tiền trên 4,5 triệu đồng để mua một thiết bị đo an toàn thực phẩm. Bà Thu cho biết, thiết bị bà đang sở hữu là hàng nhập khẩu, nhưng bà đã gặp khó khi mang “bảo bối” này ra chợ.

Bà Thu nói: “Không một chủ hàng thịt hàng tôm cá, hàng hoa quả nào cho mình cắm đầu máy vào. Hàng hoa quả bảo sợ hỏng. Hàng thịt thì không nói lý do nhưng mình nghĩ, họ sợ nếu lỡ sản phẩm có chất tồn dư vượt ngưỡng an toàn thì không những mình không mua mà khách khác thấy thế cũng không mua. Do vậy, mình phải đi chợ về mới thử. Nếu chỉ số báo vượt ngưỡng thì không dùng, đành mất tiền oan”.

Ma trận quảng cáo

Tìm hiểu về loại máy “mắt thần” được các bà nội trợ truyền tai nhau: Chỉ cần lên mạng Internet, gõ từ “máy đo an toàn thực phẩm”, trong tích tắc đã cho tới hơn 160.000 kết quả với đủ loại quảng cáo về các loại máy, nhà phân phối, với đủ loại ưu đãi.

Tại thị trường Hà Nội, có hai loại máy phát hiện dư lượng nitrat có trong rau, củ, quả, thịt tươi, đều có xuất xứ từ Nga với mã là SOEKS NUC-019-1 (giá 4,5 triệu đồng) và Ecotester (giá 6,5 triệu đồng). Hai loại máy đều được cài phiên bản tiếng Việt, trong đó có dữ liệu chỉ số hàm lượng nitrat chuẩn của hơn 60 loại thực phẩm theo quy định cho phép của Tổ chức Y tế thế giới. Ngoài hàng nhập khẩu do công ty phân phối, còn có hàng xách tay với giá thường thấp hơn 1 triệu đồng.

Trên thị trường cũng có nhiều bộ sản phẩm giúp phát hiện các độc tố trên thực phẩm. Nhiều bộ kit thử độc tố thực phẩm với giá từ 10.000 - 70.000 đồng, nhưng những sản phẩm này chỉ sử dụng được một lần nên tính ra giá thành cho mỗi lần sử dụng đối với bữa ăn thông thường cho các hộ gia đình là khá đắt.

Chúng tôi điện thoại đến các số hotline mua bán qua mạng Internet để hỏi công năng của các thiết bị này thì đa số nhân viên thừa nhận, máy chỉ đo được lượng nitrat tồn dư trong thực phẩm. Các tiêu chí khác máy không đo được. Giá bán giao động từ 4 - 6 triệu đồng/sản phẩm. Tùy vào giá tiền nhiều hay ít của sản phẩm mà các máy có thang đo nhiều hơn hay ít hơn. Loại máy có giá 4,5 triệu đồng chỉ đo được hơn 30 loại thực phẩm khác nhau. Trong khi đó, loại máy có giá 5 triệu đồng có thể đo được hơn 100 loại thực phẩm khác nhau.

Có thể thấy, với những công dụng rất mơ hồ và chỉ kiểm tra được một số loại thực phẩm, chưa có sản phẩm nào phát hiện được nhiều loại độc tố cùng một lúc. Trong khi đó, chất bảo vệ thực vật gây hại đến sức khỏe con người có tới hàng nghìn chất, chưa kể các tác nhân khác, vì vậy không có loại máy nào giúp bà nội trợ có thể lựa chọn thực phẩm an toàn một cách tuyệt đối. Việc mua máy thử nitrat chỉ như một liệu pháp tinh thần là chính chứ không phải “mắt thần” phát hiện được tất cả thực phẩn bẩn tràn lan như hiện nay.

Theo Viện Sinh học - Công nghệ thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội), phải gọi chiếc máy này là máy đo dư lượng nitrat trong thực phẩm chứ không nên gọi là máy đo an toàn thực phẩm, để tránh người tiêu dùng hiểu lầm về công năng của nó. Hơn nữa, việc đo nitrat bằng máy này sẽ khó có độ chính xác vì các nguyên nhân như việc bảo quản máy, đầu cắm… Bên cạnh đó, chiếc máy này chỉ đo được những thực phẩm có thể cắm đầu test vào nên các loại thực phẩm như rau, sản phẩm dạng nước sẽ không đo được.

Theo Theo Giadinh.net
MỚI - NÓNG