Thực thi CPTPP: Cần bắt đúng bệnh để doanh nghiệp Việt bứt phá

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam tranh luận cùng lãnh đạo Bộ Công thương về các rào cản với ngành dệt may khi tham gia CPTPP
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam tranh luận cùng lãnh đạo Bộ Công thương về các rào cản với ngành dệt may khi tham gia CPTPP
TPO - Đại diện các Hiệp hội Dệt may, bông sợi, thép, da giày Việt Nam cho rằng, chưa có sự nhất quán trong chủ trương đầu tư của Chính phủ và sự tiếp nhận của các địa phương. Trong khi đại diện các bộ ngành phân tích, ngoài nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp cần phải chủ động đổi mới, cạnh tranh tích cực khi tham gia CPTPP.

Tại phiên hiến kế Chủ đề doanh nghiệp và CPTPP sáng 2/5 trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, Việt Nam vừa trải qua 3 tháng đầu tiên thực thi CPTPP - hiệp định thương mại tự do thế hệ mới lớn nhất, tiêu chuẩn cao, tự do. Đây là một hiệp định nhận được sự quan tâm, ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. CPTPP mang lại lợi ích cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Cơ hội thuế quan giảm (loại bỏ 65% thuế hàng hóa), tạo lợi thế cho Việt Nam khi cạnh tranh với các nước khác. 8.000 - 9.000 sản phẩm dệt may, da dày, sản xuất khác... hưởng lợi từ việc không bị (được giảm) thuế.

Chủ tịch VCCI đề cập hai câu chuyện nổi cộm đang cản trở các doanh nghiệp. Một là khả năng đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn; hai là vượt qua các rào cản về kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm. Ông Lộc kỳ vọng chuyên đề hôm nay sẽ bắt đúng bệnh để các doanh nghiệp có đà bứt phát với Hiệp định CPTPP.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết,10 ngày sau Hiệp định CPTPP có hiệu lực với Việt Nam, Chính phủ đã phân công cụ thể công việc để việc thực thi được rõ ràng.

Theo ông Khánh, sức ép cạnh tranh là có nhưng chưa phải thách thức lớn, lớn nhất là các doanh nghiệp phải tự đổi mới chính mình, tư duy, coi cạnh tranh là lẽ đương nhiên của nền kinh tế thị trường, sau đó, trong cạnh tranh cần chuyển từ bị động, phòng ngự, kêu họi hỗ trợ chuyển sang tích cực, chủ động. 

Ông Khánh cũng chia sẻ, Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng sự chủ động của doanh nghiệp là cần thiết, yếu tố quyết định sự thành bại của doanh nghiệp trong Hiệp định CPTPP.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam khẳng định, CPTPP là xương sống của ngành dệt may Việt Nam nhưng xương sống không lôi được cả cơ thể vì cần có nền tảng.

Theo ông Giango, định hướng của Nhà nước trong chiến lược phát triển nguồn lực rất cần thiết. Đặc biệt, ngành dệt may đang thiếu trầm trọng lực lượng kỹ sư ngành hoá nhuộm. Đây là vấn đề sống còn, nếu không có đội ngũ kỹ sư ngành hoá nhuộm thì ngành dệt may nói chung không có điều kiện phát triển. Vì vậy, ông Giang đề xuất vướng mắc về giải pháp chuỗi cung ứng trong toàn ngành. "Phải có những định hướng của Chính phủ, Bộ Công thương để tạo dựng nền tảng", ông Giang chia sẻ.

Trên cơ sở đó, ông Giang đưa ra 3 kiến nghị. Một là, xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Thứ hai, Bộ Công thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may da giày. 

Thứ ba, cần sự minh bạch để tạo ra nền tảng pháp lý nhưng khi triển khai hiệp định các cơ quan quản lý, địa phương cần thực sự thấm nhuần để ngành phát triển bền vững. 

"Nếu chỉ nói đến lợi ích, không nói đến tồn tại và đưa ra giải pháp thì ngành không có điều kiện bứt phá", ông Giang khẳng định. 

Ngành dệt may cần đầu tư cơ sở đầu nguồn để tạo được thị trường lớn
Ông Trần Quốc Khánh cho biết, chúng ta cần thị trường lớn để các nhà đầu tư nhìn ra tiềm năng. Cần có mối liên hệ với những người mua hàng ở nước ngoài để họ chỉ định mua hàng của chúng ta.

Đại diện Bộ Công thương cho biết, thị trường lớn sắp tới của ngành dệt may là Liên minh châu Âu. Nếu có được hiệp định từ Liên minh châu Âu, không cần Nhà nước khuyến khích, ngành dệt may vẫn sẽ nhận được những sự đầu tư lớn.

Trao đổi trong phiên hiến kế, ông Nguyễn Nam Hải, Vụ trưởng Vụ Đánh giá thẩm định và Giám định Công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, đề xuất quy định Pháp luật của Việt Nam cần nhất quán từ trên xuống dưới để tránh làm ảnh hưởng đến sự tiếp nhận đầu tư của các địa phương.

“Cần tư duy dài thay đổi vị trí của chuỗi cung ứng. Để hướng đến sản xuất vải, để tạo sự hấp dẫn thì năng lực thiết kế, marketing và sáng tạo là thiết yếu. cần quan tâm đến công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, để tránh bị thua thiệt. Trong chiều ngược lại, nếu yếu về điều này cần hấp thụ từ nước ngoài, tránh vi phạm trong quy định sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ thông tin sẽ tránh được những rắc rối về hành chính, hình sự...”, ông Hải chia sẻ.

TS Cấn Văn Lực,  Cố vấn cấp cao Chủ tịch HĐQT (Hàm Phó TGĐ) Ngân hàng BIDV kiêm Giám đốc Trường Đào tạo BIDV - Điều phối viên đặt câu hỏi cho lãnh đạo các bộ: Các cơ quan xây dựng nghị định, ý kiến như thế nào để tối ưu hoá lợi ích của xuất nhập khẩu để doanh nghiệp hưởng ưu đãi từ CPTPP, tránh phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp nước ngoài và Việt Nam?

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết, ngành thép vướng vấn đề công nghiệp phụ trợ như ngành dệt may và da giày. Trước 2018, doanh nghiệp Việt Nam không sản xuất được thép nóng, mà phải nhập từ nước ngoài sau đó về gia công và bán. Do đó, doanh nghiệp bị đánh thuế phòng vệ thương mại nhiều. Tuy nhiên, gần đây, một số sản phẩm thép cán nóng đã sản xuất được trong nước, mở ra cơ hội mới cho ngành thép.

Ông cũng đưa ra cây chuyện, Mỹ thay đổi quy tắc xuất xứ, cấm nhập khẩu thép. Theo ông Khánh, câu chuyện này báo hiệu trào lưu mới, đưa ngành thép đứng trước bài toán khó. "Chúng ta muốn xuất khẩu nhưng các nước bắt buộc chúng ta phải có thượng nguồn lớn. Ví dụ với ngành thép, để xuất khẩu được thép cán nóng, chúng ta phải có điều kiện về môi trường, như thế phải tính đến các yếu tố khác như về địa phương, chính sách... Nếu không phát triển thép cán nóng thì ngành thép nước nhà không có cơ hội xuất khẩu, thị trường chỉ là 100 triệu dân", ông Khánh chia sẻ. 

Về hàng rào trong xuất khẩu, ông Khánh cho biết, Việt Nam chủ yếu gặp rào cản về vệ sinh ATTP. "Chúng ta xuất khẩu rau quả mà như đem rau ra chợ huyện, cách coi thị trường thế giới là chợ huyện cần phải xem lại. Nhưng thế giới đặt ra các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, cần tem phiếu... Đây không phải là rào cản mà là nhu cầu của người tiêu dùng. Chúng ta cần phải thay đổi để nắm bắt được cơ hội", thứ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

MỚI - NÓNG