Thuốc điều trị COVID-19: ' Chạy đua' để cuộc sống trở lại bình thường!

0:00 / 0:00
0:00
Thuốc điều trị COVID-19: ' Chạy đua' để cuộc sống trở lại bình thường!
TPO - Chỉ trong vòng một ngày kể từ khi mắc COVID-19, tình trạng của Miranda Kelly đã trở nên vô cùng nghiêm trọng phải cấp cứu. Kelly là một điều dưỡng 44 tuổi, cô mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Trong khi chồng cô là Joe, 46 tuổi, cũng bị nhiễm virus SARS-CoV-2, Miranda đã rất lo lắng, nhất là về 5 đứa con của họ: “Tôi đã nghĩ tôi còn con cái. Ai sẽ chăm lo cho chúng?”

Hy vọng đang đến gần

Vợ chồng Kelly sống tại Seattle, Mỹ đã đồng ý tham gia vào thử nghiệm lâm sàng sau khi được chẩn đoán và sàng lọc tại trung tâm nghiên cứu ung thư Fred Hutch gần đó. Đây là một phần trong nỗ lực quốc tế nhằm thử nghiệm một phương pháp điều trị có thể ngăn chặn sự phát triển của virus SARS-CoV-2 từ khi phát hiện.

Vào ngày tiếp theo, họ đã dùng 4 viên thuốc, 2 lần/ngày. Vợ chồng Kelly cho biết những triệu chứng đã được cải thiện trong vòng một tuần, mặc dù họ không biết thuốc sử dụng là thuốc có hoạt tính hay giả dược. Trong vòng 2 tuần, Kelly và chồng cô đã bình phục mặc dù tôi có bệnh lý nền.

Vợ chồng Kelly đã đóng góp vào sự phát triển một loại thuốc molnupiravir có thể trở thành lựa chọn mới cho cả thể giới để chống lại COVID-19: phác đồ dùng thuốc mỗi ngày trong thời gian ngắn giúp diệt virus ở giai đoạn sớm ngay sau khi chẩn đoán, và có thể ngăn ngừa các triệu chứng tiến triển sau khi phơi nhiễm.

Theo Timothy Sheahan, nhà virus học tại Đại học North Carolina-Chapel Hill, thuốc kháng virus đường uống không chỉ có thể làm giảm thời gian mắc COVID-19, mà còn có khả năng ngăn chặn sự lây nhiễm của virus cho các thành viên trong gia đình nếu một người bị nhiễm.

Các thuốc này hoạt động bằng cách can thiệp vào chức năng sao chép của virus trong tế bào người. Trong trường hợp của molnupiravir, thuốc khiến cho enzyme sao chép vật liệu di truyền của vi rút tạo ra nhiều lỗi sai và vi rút không thể nhân lên được. Kết quả là thuốc làm giảm tải lượng virus trong cơ thể bệnh nhân, rút ngắn thời gian lây nhiễm và ngăn chặn phản ứng miễn dịch nguy hiểm có thể gây bệnh diễn tiến nặng hoặc tử vong.

Robert Davis, Giám đốc điều hành của Merck, cho biết, công ty đang mong đợi dữ liệu từ các thử nghiệm giai đoạn 3 với quy mô lớn hơn trong những tuần tới của tháng 10 này, cùng với khả năng xin cấp phép sử dụng khẩn cấp từ Cơ quan Quản lý Thuốc và Thực phẩm FDA trong năm nay.

Cho đến nay, remdesivir là loại thuốc kháng virus duy nhất được phê duyệt để điều trị COVID-19. Nhưng thuốc được dùng đường tiêm tĩnh mạch cho những bệnh nhân nặng phải nhập viện và không được sử dụng rộng rãi khi vừa mới mắc bệnh. Ngược lại, những loại thuốc đang được nghiên cứu đề cập như: molnupiravir, PF-07321332, và AT-527 lại có ưu điểm là dùng đường uống và được dùng trong điều trị giai đoạn mới mắc bệnh.

Sheahan, người cũng đã thực hiện nghiên cứu tiền lâm sàng về remdesivir, đứng đầu trong một nghiên cứu ban đầu trên chuột cho thấy Molnupiravir có thể ngăn ngừa từ giai đoạn sớm của bệnh do SARS-CoV-2, loại virus gây ra bệnh COVID. Công thức này được phát hiện tại Đại học Emory và sau đó được Ridgeback và Merck mua lại.

Cuộc đua từ 2 loại thuốc trị COVID-19 khác

Pfizer đã khởi động thử nghiệm kết hợp giai đoạn 2 và 3 đối với sản phẩm của hãng vào 1/9 và các lãnh đạo hi vọng cuối năm nay sẽ có được kết quả từ thử nghiệm giai đoạn 2 và 3.

“Nếu kết quả khả quan và có bất cứ một thuốc nào được phê duyệt khẩn cấp, chúng tôi sẽ khẩn trương tiến hành phân phối”, Carl Dieffenbach, giám đốc Phòng AIDS tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ cho biết. Điều đó có nghĩa rằng hàng triệu người Mỹ sẽ sớm có thể tiếp cận với một loại thuốc, lý tưởng là mỗi lần uống 1 viên, dùng trong 5-10 ngày kể từ khi có xác nhận nhiễm COVID-19.

Bác sĩ Daniel Griffin, chuyên gia bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học tại Đại học Columbia phát biểu: “Tôi có ý nghĩ rằng khi chúng ta đạt được mục tiêu đưa loại thuốc này phủ rộng khắp đất nước, khi người được chẩn đoán nhiễm bệnh thì họ có thể uống loại thuốc này trong cùng ngày hôm đó.”

Các loại thuốc kháng virus hiện thử nghiệm sẽ kết hợp cùng với các liệu pháp kháng thể đơn dòng vốn đã được sử dụng để điều trị và ngăn ngừa những trường hợp nghiêm trọng nhập viện do COVID-19.

"Tuy nhiên, giống như các kháng thể đơn dòng, thuốc kháng virus sẽ không thể thay thế cho việc tiêm phòng", Griffin cho biết. Các thuốc này sẽ là một phương án khác để chống lại COVID-19. “Thật tuyệt vời khi chúng ta còn có một lựa chọn khác”.

Các lãnh đạo Merck dự đoán công ty có thể sản xuất hơn 10 triệu liệu trình vào cuối năm nay. Hai hãng khác là Atea và Pfizer chưa đưa ra các ước tính tương tự.

Tiến sĩ Elizabeth Duke, giám sát thử nghiệm lâm sàng Molnupiravir tại Fred Hutch, cho biết một khó khăn trong việc phát triển thuốc kháng virus nhanh chóng là tuyển đủ hàng trăm người tham gia cho mỗi thử nghiệm.

Những người tham gia phải chưa được tiêm chủng và đăng ký tham gia thử nghiệm trong vòng năm ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Carl Dieffenbach, giám đốc Phòng AIDS tại Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Hoa Kỳ, là người giám sát phát triển thuốc kháng virus cho biết có ít nhất ba loại thuốc kháng virus đầy hứa hẹn đang được thử nghiệm lâm sàng, kết quả được kì vọng có trong quý 4

Trong khi đó, tại Việt Nam, thuốc kháng virus Molnupiravir được một đơn vị nhận chuyển giao công nghệ từ Merck & Co. và Ridgeback Biotherapeutics và sản xuất, đang được thử nghiệm giai đoạn 3 cho trên 100 nghìn F0 thể nhẹ và trung bình ở TPHCM, Bình Dương và Đồng Nai với đánh giá bệnh nhân âm tính sau 5 ngày dùng thuốc.

MỚI - NÓNG
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
Tước hơn 3.400 giấy phép lái xe trong ngày 30/4
TPO - Chiều 30/4, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia cho biết, trong ngày 30/4, toàn quốc xảy ra 61 vụ tai nạn giao thông, làm chết 27 người, bị thương 45 người. Lực lượng chức năng tước hơn 3.400 giấy phép lái xe các loại do vi phạm an toàn giao thông.