Thương hiệu nông sản: Bài học xương máu từ vụ việc gạo Việt ngon nhất thế giới

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam cho rằng, vụ việc gạo ST25 bị đơn vị nước ngoài đăng ký bảo hộ độc quyền, doanh nghiệp phải tự đi xử lý để bảo vệ mình, đó là bài học xương máu cho xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Chia sẻ trên được Thứ trưởng NN&PTNT - Trần Thanh Nam đưa ra tại Hội thảo tham vấn hoàn thiện chính sách, pháp luật xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam, diễn ra ngày 18/3, tại Cần Thơ.

Khóa học bảo vệ ST25 gian nan và tốn kém

Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 cho biết, sau khi gạo ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới năm 2019, suốt 4 năm vừa qua, doanh nghiệp (DNTN Hồ Quang Trí) liên tục phải ứng phó với tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên khắp thế giới, cũng như trong nước. “Chúng tôi lao vào cuộc chiến đấu, phải gồng mình lắm mới vượt qua được”, ông Cua nói.

Thương hiệu nông sản: Bài học xương máu từ vụ việc gạo Việt ngon nhất thế giới ảnh 1

Ông Hồ Quang Cua kể lại "cuộc chiến" bảo hộ nhãn hiệu gạo ST25. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Ông Cua nhớ lại, sau nửa năm ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới, một công ty ở Mỹ đăng ký độc quyền thương hiệu ST25. Nếu không chặn được động thái đó, có nghĩa từ Mỹ họ sẽ bảo hộ lan ra các nước khác, xem như ST25 của Việt Nam khó có cơ hội xuất hiện trên thương trường gạo thế giới.

“Dưới sự hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, phải đến tháng 9/2022 - tức 28 tháng từ khi họ đăng ký đến khi bị khóa hồ sơ, đó là khoảng thời gian chúng tôi phải kiên nhẫn, làm việc với luật sư quốc tế, các bên liên quan... Có tổng cộng 35 đơn đăng ký bảo hộ độc quyền từ khóa ST25, trong đó Mỹ có 11 đơn, Úc 7 đơn, Việt Nam 17 đơn. Họ không phải làm thương hiệu gạo mà họ muốn bảo hộ độc quyền chữ ST25 để bán lại”, ông Cua nói.

Cuối tháng 12/2023, “cuộc chiến” mới khép lại khi nhãn hiệu ST25 chính thức được công nhận ở Mỹ (trước đó được công nhận ở Anh, EU, Hongkong, Trung Quốc, Úc, Việt Nam…). Giờ đây, bất kỳ doanh nghiệp nào của Việt Nam đăng ký sản phẩm gạo ST25 dưới tên của doanh nghiệp mình đều được bảo hộ ở Mỹ.

"Đó là khóa học 4 năm đầy gian nan và tốn kém", ông Cua đúc kết.

Thương hiệu nông sản: Bài học xương máu từ vụ việc gạo Việt ngon nhất thế giới ảnh 2

Nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp cùng bàn về xây dựng chính sách cho thương hiệu nông sản Việt. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Liên hệ sang Thái Lan, ông Hồ Quang Cua cho biết, nước bạn xây dựng thương hiệu gạo quốc gia năm 1998, đến nay đã nâng cấp đến phiên bản lần thứ 6, 7. Qua mỗi phiên bản, quy chuẩn lại được nâng lên khắt khe, chặt chẽ hơn, doanh nghiệp nào làm đúng chuẩn mới được sử dụng thương hiệu quốc gia.

“Xây dựng thương hiệu gạo quốc gia cần nhà nước làm, không nên giao cho hiệp hội, bởi hiệp hội thì mỗi ông một giống, rồi lại dàn hàng ngang nữa. Xây dựng thương hiệu cần có trọng tâm, trọng điểm”, ông Cua đề xuất.

“Bài học xương máu”

Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam cho biết, làm thương hiệu rất gian nan, có rất nhiều kẽ hở cần phải khắc phục để hoàn thiện.

“Lúc đó ông Cua đề nghị làm (đăng ký thương hiệu gạo ST25 - PV), chúng tôi cũng rất muốn làm, nhưng vướng chưa làm được. Buộc phải để doanh nghiệp đi làm, nên rất gian nan. Hiện logo gạo Việt Nam được 22 nước công nhận, nhưng áp vào thương hiệu của doanh nghiệp thì vẫn vướng, đây là vấn đề cần tháo gỡ”, ông Nam nói.

Thương hiệu nông sản: Bài học xương máu từ vụ việc gạo Việt ngon nhất thế giới ảnh 3

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Cảnh Kỳ.

Dẫn câu chuyện khi sang Trung Quốc mới đây, ông Nam cho biết, tại chợ đầu mối Giang Nam (tỉnh Quảng Đông), lãnh đạo một doanh nghiệp ở đây cho biết, đã nhập nhiều sầu riêng của Việt Nam, nhưng phải bán lỗ. Bởi khi phân phối đến các doanh nghiệp và điểm bán lẻ, đều bị trả lại do sầu riêng bị sượng, non, chưa chín, kém chất lượng.

“Ông ấy cảnh báo, nếu không chấn chỉnh chuyện này, chỉ 1, 2 năm nữa sầu riêng Việt Nam sẽ mất thị phần, thay bằng sầu riêng của Malaysia vì nước này cũng sắp được Trung Quốc mở cửa cho loại quả này. Đây là chuyện nhức nhối, chúng tôi rất băn khoăn”, ông Nam nói thêm.

Trở lại với câu chuyện thương hiệu gạo ST25, ông Nam cho rằng, bản thân đã nhận được bài học xương máu. Logo thương hiệu gạo Việt Nam xây dựng năm 2018, đến năm 2020 được công nhận bảo hộ. Rất muốn áp dụng cho gạo ST25 để ra thế giới, nhưng vướng nhiều thứ, nên tới nay vẫn chưa làm được.

"Đó là một sự đau xót, bỏ phí thương hiệu, trong khi các doanh nghiệp chạy tới chạy lui để quảng bá thương hiệu của mình” , lãnh đạo Bộ NN&PTNT nói thêm.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, nông sản Việt Nam có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD (rau quả, gạo, hạt điều, cà phê, tôm, gỗ và sản phẩm gỗ); có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới (Mỹ, EU, Nhật Bản)…

Tuy nhiên, 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương hiệu nông sản Việt bị xâm phạm ở nước ngoài (gạo ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột…).

Vấn đề xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản được đề cập nhiều, nhưng vẫn chung chung, chưa cụ thể phát triển như thế nào. Sản phẩm nằm rải rác ở các quyết định, chương trình; chưa có chiến lược, chương trình tổng thể đặc thù cho nông sản. Chưa có sự kết nối, điều phối giữa các bên liên quan (các bộ, ngành; giữa trung ương và địa phương)…

MỚI - NÓNG