Năm nay 26 tuổi, Thúy đang là họa sĩ thiết kế đồ họa tự do và là sáng lập Wind Bay Studio. Từ nhỏ, Thúy đã có sở thích với các phim hoạt hình tĩnh vật (stop motion), là kỹ thuật làm phim, trong đó các nhân vật được dựng lên theo từng động tác, sau đó được chụp hình lại và ghép thành một bộ phim. Mỗi khung ảnh là một động tác riêng và khi ráp lại một cách liên tục sẽ tạo ra chuyển động chân thực của nhân vật.
Hoạt hình tĩnh vật dù “tuổi đời cao” nhưng vẫn luôn hấp dẫn người xem đến tận hôm nay bất chấp sự lên ngôi của kỹ thuật 3D, 4D. Khi xem các tác phẩm kinh điển của hãng Laika, Thúy càng ngưỡng mộ các họa sĩ tạo hình về sự công phu, dụng công và sáng tạo cao độ.
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Kiến trúc, Thúy trở thành họa sĩ tự do nhưng khát khao “làm gì đó” với nghệ thuật mô hình thu nhỏ vẫn luôn thôi thúc. Đầu năm 2016, Thúy bắt đầu mày mò với mô hình đầu tiên là một ngôi nhà bằng gạch. Cô lục tung các nguồn và kinh nghiệm từ người đi trước để học hỏi kỹ thuật tạo dựng mô hình...
“Đó là một ngôi nhà đơn giản bằng gạch nhưng mình mất đến hơn 20 tiếng để hoàn thành", Thúy kể. Điều thu lượm quan trọng từ mô hình đầu tiên này là Thúy nhận ra mình có nhiều kỹ năng phù hợp, nhất là cách phân tích bề mặt vật liệu, bóc tách kết cấu và mô phỏng màu sắc. Cộng thêm kiến thức về đồ họa, Thúy mạnh dạn bước chân vào lĩnh vực "miniature".
Wind Bay (Vịnh Gió) Studio của Thúy ra đời để thỏa mãn nhu cầu giải thoát về tư tưởng và đối thoại trào phúng với cuộc sống. Ở đó, Thúy nhận mình là “thợ hồ”, xây những ngôi nhà mang yếu tố ẩn dụ và cách tạo hình thể hiện thế giới quan. Vịnh Gió là nơi thuận hòa giữa tâm thế tự do và con người.
“Ban đầu, chỉ làm những mô hình có kết cấu đơn giản, mình không cần phác thảo mà chỉ hình dung trong đầu. Dần dần, độ khó tăng lên, mô hình đòi hỏi nhiều chi tiết phức tạp, tinh xảo mình phải phác thảo khoảng 5 - 10 phút. Tuy nhiên, mất thời gian nhiều nhất là giai đoạn lên ý tưởng. Có khi vài ngày, có khi cả tháng để ra một ý tưởng tốt và hoàn thiện mô hình”, Thúy nói.
Công đoạn hoàn thiện mô hình cũng là giai đoạn đòi hỏi sự công phu. Với một mô hình, Thúy sẽ bắt đầu bằng chọn vật liệu, dựng khung thô với độ dày, kết cấu khác nhau từ gỗ, kim loại, đất sét hoặc nhựa. Tùy vào ý tưởng, Thúy sẽ dùng màu tạo hiệu ứng kim loại hay độ nhám cho bề mặt vật liệu. Phần trang trí các chi tiết nhỏ đến li ti đòi hỏi ở người nghệ sĩ khả năng sử dụng công cụ điêu luyện, khả năng phối màu và cả sự nhẫn nại. Đôi khi chỉ với ô cửa trong ngôi nhà, cũng ngốn cả ngày công tỉ mẩn, nín thở để không rung tay.
Trong các tác phẩm của Thúy, người xem nhận thấy rõ phong cách và văn hóa Á Đông, các yếu tố đời sống thường nhật được đưa vào một cách tinh tế. Đó có thể là một bảng hiệu, một kệ sách, châu cây... Đây cũng là phong cách rất riêng của Thúy so với nhiều tác phẩm na ná nhau của cộng đồng yêu thích nghệ thuật “miniature” tại Việt Nam. Điển hình là bộ “Wind Bay NO.1” và “Dream of sloth”, với những ngôi nhà tí hon có biển hiệu “Xem bói” và “Cầm đồ”. Đời sống phố thị và tâm linh được thể hiện sinh động.
“Xem bói và cầm đồ là hoạt động thường thấy trong đời sống. Nó đan xen ẩn nấp, đối lập giữa che dấu và khoe lộ, dù cùng đích đến cuối cùng trong đời sống là khỏa lấp thiếu thốn tinh thần và vật chất. Người ta âm thầm đi xem bói, nhưng lại kể lể, than phiền vì phải đi cầm cố đồ đạc", Thúy nói. Từ những mô hình đất sét ban đầu học theo cách tạo hình của các nghệ sĩ châu Âu làm nhà đồng quê, dần dần Thúy bỏ thời gian đi khắp các ngõ hẻm, tìm các ngôi nhà có kiến trúc kỳ lạ, ghi lại bằng ảnh và thực hiện mô hình phong cách Sài Gòn.
Các tác phẩm của Thúy có kết cấu, tương tác về không gian và ánh sáng rõ rệt, gợi nhiều cảm xúc về màu sắc. Thúy cũng tạo sự khác lạ khi thoát khỏi cách tạo hình thường thấy của những người yêu thích nghệ thuật mô hình thu nhỏ là gò bó theo kết cấu khuôn khổ. Cách này tuy hoàn hảo về kỹ thuật nhưng lại không tạo ra cảm xúc. Thay vào đó, ở một vài chỗ, Thúy sẽ “biến tấu” tạo ra các điểm nhỏ đặc biệt. Yếu tố Việt cũng được Thúy chú trọng trong cách tạo hình: Chậu quýt, bông vạn thọ, trái mướp, giàn trầu... để tạo sự gần gũi và quen thuộc. Mày mò ý tưởng cho mỗi tác phẩm giúp cô trân quý hơn các yếu tố của đời sống thường nhật.
“Có rất nhiều thứ đáng yêu bị che dấu trong đời sống thường nhật. Mình phải để tâm và chủ động tìm kiếm thì mới phá được sự ẩn nấp đó. Theo mình, trong nghệ thuật “miniature” này, những rung động cảm xúc cho người xem đôi khi bắt đầu từ những điều rất giản dị, đơn sơ và nhỏ bé, chứ không phải choáng ngợp, lộng lẫy về hình thức”.
Thúy và các cộng sự tại Wind Bay Studio đang bắt đầu những kế hoạch mới, đa dạng hơn về chủ đề và vật liệu, dựa trên thế mạnh chuyên môn về cấu trúc và tạo hình các loại thực vật, sinh vật.