Tiệm tạp hóa 'xanh' ở Đà Nẵng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ở Đà Nẵng có một tiệm tạp hóa đặc biệt nơi “nói không” với các loại bao bì ni lông. Khách muốn mua hàng phải mang theo các loại chai, lọ, hộp… để refill (làm đầy) hoặc đựng các sản phẩm.
Tiệm tạp hóa 'xanh' ở Đà Nẵng ảnh 1

Khách đến tiệm đều giữ thói quen mang theo chai, lọ đã qua sử dụng đến để đựng các sản phẩm mang về

Căn tiệm nhỏ với khoảng sân phủ đầy cây xanh ở phường Mỹ An (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng). Khách đến tiệm đa phần là khách quen, đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp, quốc tịch. Dòng chữ “No Waste To Go” (không rác thải) nhỏ nhắn như lời chỉ dẫn khách mua tìm đến. Trong tiệm, những kệ gỗ được bố trí dọc các bức tường, phía trên xếp ngay ngắn các loại hũ thủy tinh lớn đựng đa dạng các loại hàng hóa.

Sau khi cẩn thận lựa qua các loại hạt, Đỗ Thị Phước Tiến (22 tuổi, ở Hội An) lấy từ trong balo 2 chiếc lọ thủy tinh nhỏ để chủ tiệm đổ đầy các sản phẩm cần mua, sau đó đem cân rồi thanh toán. Tiến trở thành khách quen của cửa hàng nhiều tháng nay. “Ở Hội An, em cũng thường mang theo các loại chai lọ, túi đi để mua hàng và từ chối các loại túi ni lông. Khi ra Đà Nẵng làm việc, em vẫn giữ thói quen đó. Sau khi tình cờ biết đến No Waste To Go, em “ghiền” luôn cửa hàng này và thường xuyên mua sắm ở đây”, Tiến kể.

Tiệm tạp hóa xanh này là tâm huyết của chị Hồ Hoàng Oanh (SN 1985, đến từ TP Hồ Chí Minh). Chị Oanh vốn là một người tích cực với các hoạt động về môi trường trước khi về Đà Nẵng sinh sống. Đến năm 2019, chị quyết định khởi nghiệp với No Waste To Go, mong muốn góp phần nhỏ để hình thành thói quen tiêu dùng xanh trong cộng đồng.

Chị Oanh cho biết những cửa hàng như vậy ở trên thế giới xuất hiện cũng 6-7 năm nay. Ở Việt Nam cũng bắt đầu có một vài cửa hàng ở TP Hồ Chí Minh, Hà Nội. Vì vậy, chị quyết định bắt đầu với mô hình này ở Đà Nẵng với mục tiêu đầu tiên là cắt giảm rác thải nhựa trong thói quen mua sắm hằng ngày.

“Lúc đầu, những người dân trong khu dân cư cũng ít ghé tiệm vì thấy phiền khi phải lỉnh kỉnh xách theo chai lọ đựng hàng. Họ quen với việc tới cửa hàng, bỏ bao xách về hơn. Nhưng lâu dần, các bà nội trợ cũng tò mò tìm hiểu, nhiều người thấy được sự hữu ích nên cũng thay đổi thói quen mua sắm”, chị Oanh kể.

“Xanh hóa” thói quen mua sắm

Tiệm bán hơn 400 mặt hàng đều là các sản phẩm sạch, có nguồn gốc từ tự nhiên, đầy đủ từ các mặt hàng thực phẩm (thực phẩm khô, thực phẩm chế biến sẵn, gia vị) đến hóa mỹ phẩm gia đình (nước rửa chén, nước lau sàn, nước giặt…), đồ dùng gia đình (cọ, bàn chải đánh răng, đồ đựng…), các loại hương liệu… Nếu muốn mua gì, khách hàng sẽ tự mang theo túi, chai, lọ… cũ đến để đổ đầy. Những khách hàng đến tiệm lần đầu hoặc quên mang theo đồ đựng, chủ tiệm sẽ vui vẻ tặng khách một chiếc hũ đựng với lời nhắc “lần sau nhớ mang theo”.

Ở tiệm tạp hóa đặc biệt này, khách hàng muốn mua bao nhiêu, chủ tiệm cũng bán, đôi khi chỉ là 1g bột nghệ, 1 thìa cà ri, 10g tiêu… “Chúng tôi khuyến khích khách hàng mua vừa đủ dùng, phù hợp với nhu cầu. Đôi khi chỉ cần một thìa bột nghệ, nhưng ở chỗ khác phải mua cả gói, phần thừa còn lại không biết bao giờ mới dùng đến. Tôi mong muốn mọi người hình thành thói quen tiêu dùng vừa đủ, để giảm gánh nặng với môi trường”, chị Oanh nói.

Trong năm đầu tiên hoạt động, No Waste To Go cắt giảm được 4.322 các loại bao bì nhựa, đến năm thứ 2, tiệm cắt giảm được 10.800 các loại bao bì nhựa.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.