Tiền Phong ­­của chúng tôi

0:00 / 0:00
0:00
TP - Dịp kỷ niệm 70 năm ngày báo in số đầu tiên (16/11/1953-16/11/2023), đại gia đình Tiền Phong sẽ tụ hội về “đất võ trời văn” Quy Nhơn, Bình Định. Nghe các bạn trẻ tổ chức giải chạy nội bộ và bàn tán việc chọn cự ly của giải, tôi mới góp ý, rằng “cứ mỗi năm một cây số, ai ở Tiền Phong bao nhiêu năm sẽ chạy bấy nhiêu cây số”...

Tất nhiên là nói đùa, nhưng chợt nghĩ, nếu vậy tôi sẽ phải chạy 28 cây số. 28 “cây” dằng dặc chiếm hết thời sung sức nhất của một đời người.

Ai sống với nghề báo, sẽ cảm thấy một năm hay chỉ một ngày, thậm chí một tích tắc đôi khi còn dài hơn cả một đời. Với tôi, 28 “cây số” đời người kiên trì, kiên gan, nhiều lúc độc hành chỉ trên một cung đường mang tên Tiền Phong, ngẫm lại đâu còn thiếu cung bậc cảm xúc nào nữa! Hết bị thu hồi thẻ nhà báo, lại bị triệu tập điều tra vì những vụ việc độc quyền gai góc dẫu bản chất hoàn toàn trong sáng nhưng còn chưa và không lường hết được những ngóc ngách phức tạp sâu xa phía sau.

Được đặt chân đến những điểm nóng nhất như thực địa giàn khoan Hải Dương 981 ở Hoàng Sa, hai lần ra Trường Sa cách nhau 24 năm, chạy xe máy vượt đường mòn Trường Sơn mắc võng ngủ rừng suốt cả tháng trời cái thời mọi thứ còn hoang sơ, là những chuyến vượt đỉnh lũ lịch sử bằng trực thăng, bằng manh thuyền gỗ mà mỗi khi nhớ lại vẫn thót tim…

Kiên gan tới mức, suốt 15 năm trời kể từ tháng 1/2009, tôi lầm lụi một mình “ôm” chuyên mục Chuyện cuối tuần trên Tiền Phong Chủ nhật lấy tên con trai út Trí Quân làm bút danh, và suốt thời gian ấy chỉ chịu 2 lần “nhường sân” cho người khác! Sắp tới giao diện Tiền Phong Chủ nhật sẽ phải thay đổi, và chuyên mục có thể không còn như cũ, nhưng với tôi đó đúng nghĩa là một chặng marathon thách thức độ bền và sức chịu đựng của não bộ. Đó cũng thực sự là hạnh phúc.

Hơn 30 năm làm báo (có 5 năm đầu mới ra trường làm cho một tờ báo ở Đà Nẵng), gia tài của tôi hiện còn lưu giữ là gần 100 cuốn sổ tay ghi chép, hàng trăm cuộn phim đã sang và đang được chống ẩm cẩn thận. Giờ mà đem scan ra thì cũng được khối bức ảnh tư liệu quý hóa.

Cũng không thể không nhắc tới hàng tạ hồ sơ, đơn từ của những vụ án nổi cộm người dân khắp dải miền Trung gửi gắm niềm tin vào Tiền Phong mà tôi đứng ra thụ lý, hiện đang xếp chật một cái tủ. Cả những bộ hồ sơ về di sản, di tích, thiên nhiên thắng cảnh bị xâm lấn, cưỡng đoạt…

Tiền Phong ­­của chúng tôi ảnh 1

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa (thứ 3 trái sang) và các đại biểu tham quan gian trưng bày báo Xuân Tiền Phong năm 2023. Ảnh: Như Ý

Bấy nhiêu thời gian, mồ hôi nước mắt, nén lại là dăm, bảy ngàn bài báo các loại, một số đã cắt gọn để lưu. “Lãi” là đã in ra được mấy cuốn sách. Và bút ký “Cà Mau quê xứ” được đưa vào sách giáo khoa Ngữ Văn lớp 11.

Nhiều khi mở ra xem lại, hơi ẩm từ những cuốn sổ tay thấm bao mồ hôi mưa bão, những trang báo cũ cứ nồng sực lên trong những buổi chiều trống trải… Lúc ấy từng phận đời, từng vùng đất oan khiên lại hiện lên mồn một. Giúp được nhiều, mà bất lực cũng không ít…

Về tuổi tác, tôi giờ đã thuộc tốp đầu của Tiền Phong. Ra tòa soạn giờ thấy lạ, vì đa phần các em các cháu còn quá trẻ, có đứa chỉ bằng tuổi con mình.

Tiền Phong đã và đang chuẩn bị chia tay thêm một thế hệ. Không dám nói là “vàng”, nhưng đó thực sự là những người Tiền Phong thẫm đẫm hồn cốt Tiền Phong. Của một thời đại làm báo mà kỹ thuật giờ đã gần như “lỗi thời” sắp đi vào xa vắng. Là các anh chị Dương Xuân Nam, Lương Ngọc Bộ, Nguyễn Văn Minh, Trần Quang, Ngọc Báu, Nguyễn Hoàng Sơn, Xuân Ba, Mạnh Việt, Trung Hiền, Phạm Yên, Đại Phượng, Phương Đông, Trương Thu Bình, Quốc Dũng, Hồ Thu, Đinh Anh Tuấn, Sáu Nghệ, Nguyễn Đình Quân, Nguyễn Việt Hùng, Dương Phương Vinh, Hoàng Thiên Nga… trước đó, sắp tới là Lê Xuân Sơn, Vũ Tiến, Lê Minh Toản,... và chỉ mấy năm nữa sẽ đến tôi cùng một số người khác.

Tiền Phong đang thay đổi, và sẽ buộc phải thay đổi nhiều nữa để phù hợp với thời đại. Không thể mãi “ăn bóng những ngày qua”. Nhưng có quyền yêu có quyền nhớ có quyền không thể nguôi quên...

Tiền Phong ­­của chúng tôi ảnh 2

Bí thư thứ Nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy chúc mừng báo Tiền Phong nhân ngày báo chí Cách Mạng Việt Nam 21/6/2022. Ảnh: Như Ý

Nhà báo Dương Xuân Nam đến nay vẫn giữ kỷ lục hiếm hoi trong làng báo cả nước khi 21 năm liền làm Tổng biên tập báo Tiền Phong. Sau vụ “Cả làng ăn xương rồng” ở Thăng Bình, Quảng Nam năm 2000, tôi nhớ mãi câu nói hồi đó của ông “25 năm làm Tiền Phong với 13 năm làm TBT cho đến nay, cậu là người đầu tiên khiến tớ bị kỷ luật đấy!”.

Trước đó, dưới thời TBT Dương Xuân Nam, Tiền Phong từng đã 3 lần bị khởi tố vì chạm vào những vụ việc đình đám và gai góc, nhưng cuối cùng đều hóa giải ổn thỏa. Đều xuất phát từ cái tâm trong sáng, hăng say chống tham nhũng, tiêu cực, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân, cho tuổi trẻ mà mắc những lỗi không thuộc về bản chất hay động cơ viết bài, đăng bài. Nhưng tất nhiên cả Ban biên tập, tòa soạn lẫn phóng viên ai nấy “lên bờ xuống ruộng” chịu căng thẳng, mệt mỏi suốt thời gian dài.

Nhưng đâu đã hết. Chỉ 2 năm sau, cuối năm 2002, tôi bị thu hồi thẻ nhà báo vì một bản tin liên quan vụ TNGT chết người xảy ra tại Đà Nẵng (hơn 1 năm sau được cấp lại thẻ). Đến năm 2004 tôi lại bị công an triệu tập vì bài báo chống sai phạm tiêu cực xảy ra tại Đắk Lắk. Vụ việc sau đó được khép lại, còn người sai phạm phải 10 năm sau mới bị kỷ luật. “Làm khổ” Ban biên tập đến thế, nhưng mỗi lần vào Đà Nẵng công tác, thi sĩ Dương Kỳ Anh (tức TBT Dương Xuân Nam) lại lôi tôi lên khách sạn, và dù ông không biết uống nhưng cứ liên tục mở bia ra mời để “ép” tôi phải…đọc thơ!

Tiền Phong ­­của chúng tôi ảnh 3

Nhà báo Trần Tuấn đọc thơ giữa Hoàng Sa trong sự kiện giàn khoan HD981 năm 2014. Ảnh: Đức Hạnh

Sẽ có nhiều người cũng như tôi không hiểu bằng cách gì mà Tiền Phong tổ chức được nhiều sự kiện xã hội, văn hóa, thể thao đẳng cấp đến vậy. Nhiều thời điểm bình quân mỗi tháng một sự kiện tầm quốc gia, có ngày tới 2 sự kiện đình đám cách nhau chỉ vài tiếng, mà toàn do người Tiền Phong tự xoay trần ra làm chứ hầu như không thuê đơn vị tổ chức sự kiện chuyên nghiệp nào.

Nhà báo Lê Xuân Sơn với tôi là mẫu Tổng biên tập quá hiếm thời nay. Chưa thấy sếp báo nào mà tác nghiệp năng động, hăng say đến thế. Không chỉ trong chuyến đi Trường Sa cùng nhau hồi tháng 7 năm ngoái, mà mấy chục năm qua bao lần tôi đã chứng kiến điều đó. Mỗi khi Tổng biên tập tháp tùng đoàn VIP nào đó ra nước ngoài công tác, ngoài những bài viết thời sự thì hóng chờ nhất với tôi là những loạt ký sự nóng hổi viết tại chỗ về những vùng đất, con người, di sản với vô số chi tiết độc lạ mà nếu không giỏi quan sát và liên tưởng sẽ không thể nào có được.

Như cuộc thi Hoa hậu Việt Nam đầu tiên của đất nước thống nhất, diễn ra đúng ngày này 35 năm về trước, đến nay vẫn đĩnh đạc là cuộc thi nhan sắc cấp quốc gia quy mô và uy tín nhất.

Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong tổ chức lần đầu năm 1958, với tuổi đời 65 năm liên tục trở thành giải thể thao có lịch sử dài nhất Việt Nam.

Giờ đây đã phát triển trở thành giải điền kinh đỉnh cao của đất nước, mang tên Giải Vô địch Quốc gia Marathon và Cự ly dài. Thật kỳ thú những bước chạy giữa biển trời Côn Đảo, Lý Sơn, vượt đại ngàn Tây Nguyên tới cực Tây Bắc Lai Châu,…

Rồi hàng loạt sự kiện thể thao mà Tiền Phong chủ trì, như Siêu Cúp Bóng đá Quốc gia suốt 24 năm qua, Giải Golf Vì Tài năng trẻ Việt Nam, Giải Vô địch Golf Quốc gia. Tiền Phong cũng là cơ quan thường trực và điều hành các giải thưởng lớn của tuổi trẻ Việt Nam, như Giải thưởng 26/3, Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ, thực hiện việc bình chọn và tổ chức lễ tuyên dương 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu hàng năm, Học bổng Nâng bước thủ khoa,…

Tiền Phong ­­của chúng tôi ảnh 4

Trang bìa một số ấn phẩm Tiền Phong đặc biệt. Ảnh: Như Ý

Chủ Nhật Đỏ chuỗi ngày hội hiến máu tình nguyện lan tỏa từ suốt 15 năm qua đến nay diễn ra thường niên tại gần 50 tỉnh, thành phố, huy động trên dưới 60 ngàn đơn vị máu cứu người mỗi dịp Tết. Hàng loạt hoạt động đền ơn đáp nghĩa cựu TNXP cả nước, xây cầu dân sinh, cứu trợ đồng bào thiên tai, người dân nghèo…, với nguồn vận động và huy động lên đến 15-16 tỷ đồng mỗi năm. Lại có những sự kiện mới ra đời như Ngày Thẻ Việt Nam thu hút sự tham dự trực tiếp của hàng trăm ngàn người…

Để thấy thêm những “chất” mới của Tiền Phong. Đó không chỉ là tiên phong trong công cuộc đấu tranh với những sai trái, oan khuất trong xã hội; không chỉ thấm đẫm chất văn nghệ, nhân văn trên từng trang báo, mà còn là khả năng nhanh nhạy nhập cuộc để trở thành nhân tố trực tiếp tham gia tác động sâu sắc vào mọi mặt đời sống giữa thời đại đang biến đổi rất nhanh này.

Tôi, tất nhiên chỉ là một trong số hàng ngàn những người Tiền Phong khác, góp sức nối dài hành trình Tiền Phong tiên phong suốt 70 năm qua. Với một tờ báo mà bản thân được trải nghiệm mọi loại hình, từ phóng sự điều tra, sang bút ký, ký sự, tùy bút, bình luận, chính luận, văn nghệ..., còn gì hạnh phúc hơn.

MỚI - NÓNG