Tiến sĩ Lưu Trần Toàn là tác giả của 01 cuốn sách chuyên khảo, đồng tác giả của 02 cuốn sách chuyên khảo, là tác giả của 10 bài viết tạp chí khoa học chuyên ngành và hơn 10 tham luận trong kỉ yếu hội thảo các cấp. (Ảnh: NVCC) |
Thưa ông, tân sinh viên thường gặp những khó khăn gì khi bắt đầu làm quen với nghiên cứu khoa học?
TS. Lưu Trần Toàn: Khi mới bước vào môi trường đại học, tân sinh viên thường gặp nhiều khó khăn trong việc lựa chọn chủ đề nghiên cứu. Để chọn được một chủ đề phù hợp với chuyên ngành và có tính cấp thiết không hề dễ dàng. Các bạn thường chưa học đủ các môn chuyên ngành để có cái nhìn sâu sắc, và việc tìm ra một phạm vi, phương pháp nghiên cứu thích hợp càng trở nên phức tạp hơn. Thêm vào đó, nghiên cứu thường thực hiện theo nhóm, nên việc tìm thành viên có cùng đam mê và cam kết với dự án là một thử thách lớn. Nhiều sinh viên gặp khó khăn trong việc phối hợp, điều phối công việc nhóm, đặc biệt là khi có sự khác biệt về phong cách làm việc hay sự cam kết giữa các thành viên.
Vậy quy trình để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học là gì, thưa ông?
TS. Lưu Trần Toàn: Bước đầu tiên là xác định chủ đề nghiên cứu. Sinh viên cần chọn một chủ đề có tính cấp thiết, không trùng lặp với các nghiên cứu trước đó và phải phù hợp với năng lực của mình.
Sau khi có chủ đề, dưới sự hướng dẫn của giảng viên, nhóm nghiên cứu sẽ lập bản đề cương, trong đó phác thảo các chương, mục dự kiến.
Ở chương lý luận, sinh viên sẽ phải đọc các tài liệu liên quan để xây dựng nền tảng lý thuyết.
Những chương sau sẽ tập trung vào thực tiễn, khảo sát và tổng hợp dữ liệu, từ đó áp dụng lý thuyết để phân tích và đánh giá các vấn đề.
Các chương cuối sẽ đưa ra nhận định, đề xuất giải pháp cho những hạn chế, hoặc xây dựng các kịch bản tương lai dựa trên cơ sở lý luận. Tùy vào chuyên ngành mà mỗi công trình nghiên cứu sẽ có những đặc thù riêng, nhưng quy trình cơ bản sẽ như vậy.
Ông có thể cho biết những kỹ năng quan trọng mà sinh viên cần trang bị để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học không?
TS. Lưu Trần Toàn: Có một số kỹ năng mà sinh viên cần rèn luyện để thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học hiệu quả:
- Kỹ năng đọc hiểu và chọn lọc tài liệu: Sinh viên phải biết cách đọc các tài liệu chuyên sâu, phân tích dữ liệu từ thực tiễn và lọc ra những thông tin cần thiết cho nghiên cứu.
- Kỹ năng tư duy phản biện: Đây là khả năng đánh giá, phân tích các luận điểm, lập luận một cách logic và khoa học.
- Kỹ năng viết: Sinh viên cần biết cách trình bày ý tưởng một cách rõ ràng, khái quát hóa những vấn đề lớn và chi tiết hóa những điểm quan trọng.
- Kỹ năng tiếng Anh: Đọc hiểu tiếng Anh là rất quan trọng, vì nhiều tài liệu chuyên sâu và cập nhật mới nhất thường chỉ có bằng tiếng Anh.
- Kỹ năng quản lý thời gian: Để hoàn thành một nghiên cứu khoa học, sinh viên cần biết cách phân bổ thời gian hợp lý giữa việc học, nghiên cứu và các hoạt động khác.
Làm thế nào để sinh viên chọn lọc và sử dụng tài liệu tham khảo một cách hiệu quả trong nghiên cứu, thưa ông?
TS. Lưu Trần Toàn: Để chọn lọc tài liệu tham khảo một cách hiệu quả, sinh viên nên ưu tiên các nguồn tài liệu uy tín như các cơ sở dữ liệu khoa học của trường đại học, các tổ chức quốc tế, hay các nhà xuất bản có danh tiếng. Hãy tránh các nguồn không chính xác như Wikipedia, và đặc biệt nên sử dụng các tài liệu mới nhất để đảm bảo cập nhật thông tin. Khi đọc tài liệu, sinh viên chỉ nên tập trung vào những phần giải quyết trực tiếp vấn đề mà mình nghiên cứu. Nên đọc khái quát trước khi đi vào chi tiết để không bị sa lầy vào những thông tin không cần thiết. Ngoài ra, ghi chú những nguồn quan trọng ngay từ đầu sẽ giúp tiết kiệm thời gian tìm lại sau này. Cần lưu ý về việc tránh đạo văn và nắm rõ các quy định về trích dẫn của trường.
Vậy ông cho rằng những khó khăn mà sinh viên thường gặp trong quá trình nghiên cứu khoa học là gì và cách vượt qua chúng?
TS. Lưu Trần Toàn: Một trong những thách thức lớn nhất mà sinh viên phải đối mặt là việc xây dựng kết cấu và phương pháp nghiên cứu phù hợp. Nhiều sinh viên không lường trước được khối lượng công việc cần hoàn thành, từ đó dễ bị lúng túng khi phải đưa ra một trình tự thực hiện hợp lý. Ngoài ra, việc liên kết nội dung giữa các chương một cách logic và mạch lạc cũng là một khó khăn lớn. Để vượt qua những khó khăn này, sinh viên cần thường xuyên trao đổi với giảng viên hướng dẫn. Họ nên cởi mở khi đặt câu hỏi, nhận phản hồi từ giảng viên, và lập ra các mốc thời gian thực hiện cụ thể để theo kịp tiến độ. Sự hướng dẫn của giảng viên rất quan trọng, vì họ có kinh nghiệm trong việc đưa ra các chỉ dẫn phù hợp, giúp sinh viên đi đúng hướng và tránh được tình trạng “nước đến chân mới nhảy”.
Ông có thể chia sẻ một số công cụ hoặc phương pháp giúp sinh viên nghiên cứu khoa học hiệu quả hơn?
TS. Lưu Trần Toàn: Có nhiều công cụ hỗ trợ quá trình nghiên cứu khoa học. Một trong số đó là Endnote – một công cụ quản lý tài liệu trích dẫn hiệu quả. Ngoài ra, sinh viên có thể tiếp cận các cơ sở dữ liệu lớn như ScienceDirect, Tandfonline, hay ResearchGate để tìm kiếm các bài báo khoa học. Trong việc quản lý thời gian và công việc, các công cụ như Google Sheet hay Notion sẽ giúp sinh viên theo dõi tiến độ dự án của mình một cách chặt chẽ. Cuối cùng, nhiều trường học hiện nay đã áp dụng các công cụ kiểm tra tính trùng lặp như Turnitin để hỗ trợ sinh viên trong việc đảm bảo tính trung thực của nghiên cứu.
Cuối cùng, ông có lời khuyên nào cho các tân sinh viên muốn theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu khoa học?
TS. Lưu Trần Toàn: Nghiên cứu khoa học là một quá trình dài hơi và đòi hỏi sự kiên nhẫn. Một công trình nghiên cứu có thể kéo dài đến cả năm, vì vậy sinh viên không nên vội vàng. Điều quan trọng là phải thực hiện tuần tự các bước, từ lập đề cương, thu thập tài liệu, phân tích dữ liệu, đến viết báo cáo. Thành tích trong nghiên cứu khoa học không chỉ giúp sinh viên có một sản phẩm học thuật tốt mà còn rèn luyện kỹ năng tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề. Những kỹ năng này sẽ rất hữu ích cho việc viết khóa luận tốt nghiệp, luận văn thạc sĩ, hoặc trong các tình huống thực tế khi đi làm. Ngoài ra, nghiên cứu khoa học cũng giúp sinh viên xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc, phát triển kỹ năng cứng và kỹ năng mềm, điều này sẽ giúp ích không chỉ trong học tập mà cả trong cuộc sống và công việc sau này.
Trong mỗi đề tài nghiên cứu, sinh viên sẽ học được cách làm việc có hệ thống, rèn luyện khả năng tự học và khám phá những kiến thức mới. Đây chính là hành trình để sinh viên hoàn thiện bản thân, từ tư duy đến kỹ năng và kiến thức.
Trân trọng cảm ơn ông!
Tiến sĩ Lưu Trần Toàn là giảng viên Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, với chuyên môn giảng dạy và nghiên cứu về truyền thông quốc tế, đặc biệt là quảng bá hình ảnh quốc gia và xây dựng thương hiệu quốc tế. Ông đã đạt nhiều thành tích nổi bật trong nghiên cứu khoa học, như Giải Ba nhóm Nghiên cứu Khoa học sinh viên năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Giấy khen Giảng viên trẻ có thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc năm 2020. TS là tác giả và đồng tác giả của nhiều công trình khoa học, bao gồm sách chuyên khảo và các bài viết trên tạp chí chuyên ngành.