Thưởng tiền
Trường ĐH Kinh tế TP. HCM (UEH) công bố thưởng tiền cho các sinh viên, giảng viên có nghiên cứu được công bố quốc tế. Cụ thể, mức thưởng cho một bài báo công bố quốc tế đạt ISI/Scopus Q1 có IF > 2 là 200 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF > 1 150 triệu đồng; ISI/Scopus Q1 có IF < 1 100 triệu đồng; Scopus Q2 là 80 triệu đồng; Scopus Q3 là 60 triệu đồng và Scopus Q4 là 30 triệu đồng.
Đây là một trong những giải pháp đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế của trường ĐH Kinh tế TP. HCM. Chính sách mới này được đưa ra sau thời gian vừa qua chỉ có 15% giảng viên của trường tham gia hoạt động tham gia nghiên cứu hàn lâm và công bố quốc tế.
Bên cạnh việc treo thưởng, để thúc đẩy giảng viên nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế, trường ĐH Kinh tế TP. HCM sẽ thành lập các nhóm nghiên cứu mạnh theo chuyên ngành hoặc liên ngành, đầu tư cơ sở vật chất, cấp phòng làm việc đồng thời giới thiệu nhóm nghiên cứu với các tổ chức trong nước và quốc tế.
Trường hỗ trợ kinh phí hoạt động khoảng 35 triệu/năm cho nhóm nghiên cứu có kế hoạch hoạt động, chương trình làm việc cụ thể và được Hội đồng nghiệm thu kết quả nghiên cứu.
Đối với các nghiên cứu sinh của trường khi công bố quốc tế được hưởng chính sách khen thưởng viên chức; khuyến khích nghiên cứu sinh mời các thầy/cô có kinh nghiệm công bố quốc tế cùng đứng tên bài báo. Viên chức của trường đang làm việc/học tập tại nước ngoài có bài báo công bố quốc tế được thưởng theo xếp hạng của tạp chí công bố.
Trong giai đoạn 2016 - 2019, trường ĐH Kinh tế TP. HCM đã có 261 bài báo công bố quốc tế trên các tạp chí uy tín ISI, Scopus, ABDC. Riêng trong năm 2019, UEH có 82 bài báo được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín trong danh mục ISI, SCI, SCIE được Bộ GD - ĐT khen thưởng. UEH thuộc tốp 10 trường đại học có số bài công bố quốc tế nhiều nhất cả nước, bên cạnh các trường đại học đa ngành và các trường đại học khối ngành Kỹ thuật, Sư phạm...
Theo lãnh đạo UEH, để đạt được kết quả trên, trường đã có chiến lược đẩy mạnh nghiên cứu hàn lâm công bố quốc tế thông qua các quỹ nghiên cứu và các chính sách cập nhật, đổi mới được thực thi mạnh mẽ.
Cụ thể, từ năm 2018, UEH đã đơn giản hóa quy trình đăng ký, thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường trọng điểm nhằm công bố quốc tế; đồng thời áp dụng chính sách miễn thủ tục nghiệm thu trước hội đồng đối với các đề tài có các sản phẩm công bố quốc tế uy tín. Trường cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu trẻ gồm sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh có thể công bố nhiều kết quả nghiên cứu thông qua việc tài trợ; khen thưởng khi có bài công bố trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus, ABDC.
Ngoài ra, trường cũng đẩy mạnh kết nối và mở rộng mạng lưới nghiên cứu quốc tế; hỗ trợ các nhà nghiên cứu, giảng viên và học viên của trường được tiếp cận các tổ chức, chuyên gia nghiên cứu hàng đầu thế giới, thông qua các hội thảo quốc tế uy tín. Mục tiêu của trường, đến năm 2030, trở thành một trong những trường đại học hàng đầu nghiên cứu về lĩnh vực kinh tế - quản trị - luật trong khu vực Đông Nam Á.
Tốt nghiệp là có bài nghiên cứu được công bố quốc tế
Tại lễ tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đợt 3 năm 2020 của UEH, có 4 tân tiến sĩ làm luận án và bảo vệ bằng tiếng Anh, 13 nghiên cứu sinh đã công bố 6 bài báo quốc tế uy tín (2 ISS, 4 Scopus) và 2 bài hội thảo quốc tế.
Tại lễ tốt nghiệp thạc sĩ, tiến sĩ đợt 3 năm 2020 của UEH, có 13 nghiên cứu sinh đã công bố 6 bài báo quốc tế uy tín (2 ISS, 4 Scopus) và 2 bài hội thảo quốc tế.
GS. TS Sử Đình Thành, Hiệu trưởng UEH trân trọng chúc mừng 328 tân thạc sĩ và 13 tân tiến sĩ tốt nghiệp đợt 3/2020. Ông Thành nói rằng, chương trình đào tạo của nhà trường tiệm cận với chương trình đào tạo của các trường tiên tiến trên thế giới với phương pháp giảng dạy tích cực, khoa học, và hội đồng đánh giá luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ nghiêm túc, có trách nhiệm và chất lượng chuyên môn cao.
“Mỗi người, mỗi hoàn cảnh, đã có cách phấn đấu riêng của mình để học tốt và bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ. Các tân tiến sĩ, thạc sĩ tiếp tục trau dồi kiến thức chuyên môn và từng bước mở rộng phạm vi nghiên cứu, trang bị tính liên ngành trong khoa học kinh tế, hấp thụ công nghệ mới ứng dụng trong chuyên môn và tiếng Anh là phương tiện không thể thiếu để nghiên cứu, trao đổi học thuật”, ông Thành nói.
Hiệu trưởng UEH cũng nói rằng, chỉ bằng con đường học tập suốt đời mới có thể đáp ứng tốt đòi hỏi ngày càng cao của xã hội, giúp tư duy phát triển vượt ra khỏi biên giới quốc gia với tầm nhìn toàn cầu. Từ kiến thức được trang bị ở nhà trường, với năng lực tự học và tự nghiên cứu, các tân khoa sẽ trở thành những chuyên viên, chuyên gia giỏi, những giảng viên, những lãnh đạo bản lĩnh và có thể làm việc ở thị trường trong nước, khu vực và thế giới.
Trường ĐH Kinh tế TP. HCM có quá trình hình thành và phát triển 45 năm với tiêu chí là nơi đào tạo nhà quản lý và doanh nhân thành đạt, đối với hệ đào tạo sau đại học, tính đến nay, nhà trường đã đào tạo hơn 14.000 thạc sĩ, hơn 500 tiến sĩ trong nhiều lĩnh vực đa dạng từ kinh tế, kinh doanh, quản lý công, quản lý kinh tế, luật, công nghệ thông tin...