Như Einstein đã nói, những người biết “dừng lại để trầm trồ, để sững sờ ngạc nhiên” mới THỰC SỰ sống. Họ sẽ nhìn thấy những điều mà người khác bỏ lỡ. Họ sẽ cảm nhận được những gì mà người khác không thể cảm nhận. Cuộc sống đối với họ vừa bí ẩn, vừa mê hoặc, khi họ học được cách nói: “Thật tuyệt vời!” trong từng ngày một. |
Albert Einstein từng nói rằng, sự ngạc nhiên và hành động băn khoăn tự hỏi mình chính là nguồn gốc của mọi môn nghệ thuật thực sự và mọi môn khoa học. “Người nào coi cảm xúc này là xa lạ, người nào không thể dừng lại để trầm trồ, để sững sờ ngạc nhiên, thì cũng chẳng khác gì đã chết” – Einstein nói.
Tôi vẫn nhớ rằng, mình đúng là đã đứng sững mà ngạc nhiên khi nhìn lên những kỳ quan tại Machu Picchu, một thành phố Inca cổ đại ở Peru. Thành phố tuyệt diệu đó được xây dựng cao hơn cả những đám mây và độ cao không phải là thứ khiến tôi cảm thấy mình phải nín thở. Cảnh vật ở đó quá đẹp đẽ, quá ấn tượng. Tôi tin rằng, hầu như ai từng đến đó cũng sẽ thốt lên: “Thật tuyệt vời!”.
Tôi từng đọc câu chuyện về một cô bé đang đi trên tàu hỏa với mẹ. Nhìn ra ngoài cửa sổ, cô bé cứ kêu lên liên tục: “Mẹ nhìn kìa! Một con ngựa!”. Và chỉ một chút sau: “Mẹ nhìn kìa! Những ngôi nhà!”.
Cô bé chẳng có vẻ gì là sẽ ngừng nói, nên mẹ cô có vẻ ái ngại với những hành khách xung quanh. Mẹ cô bé thậm chí còn nói với ông cụ ngồi bên cạnh cô bé con: “Tôi xin lỗi vì con gái tôi cứ nói suốt như thế này! Con bé vẫn còn nghĩ rằng, tất cả mọi thứ đều thật tuyệt vời”.
Vậy từ khi nào chúng ta đã ngừng nghĩ rằng, tất cả mọi thứ đều thật tuyệt vời? Khi chúng ta lớn lên chăng? Khi nào chúng ta ngừng thốt lên: “Thật tuyệt vời!”? Chẳng lẽ, việc lớn lên cũng có nghĩa là trở nên mệt mỏi và chán tất cả mọi thứ?
Và chúng ta có cần phải đi du lịch đến những nơi thật xa xôi để lại ngạc nhiên được lần nữa? Liệu chúng ta có thể trải nghiệm cảm giác sững sờ, có thể trầm trồ, có thể băn khoăn ngay ngày hôm nay, ngay khoảnh khắc này?
Lát bánh mỳ nướng mà tôi ăn buổi sáng nay không hề kém ngon so với lần đầu tiên tôi được ăn nó. Nhưng trái với lần đầu tiên, khi tôi hồ hởi khen ngợi nó, thì lần này, tôi còn chẳng để ý đến việc nó ngon thế nào. Tôi nghĩ rằng, có rất ít thứ mà bản thân nó chỉ là “rất tầm thường” – chính phản ứng của chúng ta đối với chúng mới trở nên buồn tẻ, mờ nhạt theo thời gian.
Tôi từng đọc về một người phụ nữ trên đường đi ăn trưa thì tình cờ nhìn thấy một người đàn ông trung niên đứng ở Quảng trường San Marco (Venice). Người này có vẻ là một du khách, bởi ông ấy đứng giữa những con bồ câu và ngắm Dinh Tổng trấn với vẻ mặt rất hân hoan, mê mải. Sau khi người phụ nữ kia ăn trưa xong, bà ấy vẫn thấy “du khách” nọ đang đứng ngắm nhìn công trình nguy nga bằng ánh mắt thích thú. Tò mò không biết có phải “du khách” đã đứng đó suốt buổi sáng đến trưa hay không, người phụ nữ lại gần hỏi: “Ông đã ở đây bao lâu rồi?”.
- Hai mươi sáu năm – Người đàn ông đó đáp – Và tôi vẫn chưa bao giờ hết ngạc nhiên trước mọi điều quanh đây.
Hóa ra, ông ấy không phải là một du khách. Ông ấy là người dân ở đây, chỉ có điều, ông là người không ngừng yêu mến và chú ý đến mọi thứ xung quanh mình.