TikToker làm lố: Bất chấp chiêu trò để nổi tiếng

TP - Gần đây nhiều sự kiện liên tục mời các TikToker (người sáng tạo nội dung trên mạng xã hội TikTok, có nhiều lượt theo dõi) khiến sự kiện trở nên “kém sang”, thiếu chuyên nghiệp. Nhiều TikToker khi tham dự thảm đỏ sự kiện liên tục làm trò lố, cố gắng gây chú ý làm công chúng ngán ngẩm.

TikToker gây náo loạn

Một vài năm trở lại đây, TikTok bùng nổ ở Việt Nam, tạo cơ hội nổi tiếng nhanh, nổi tiếng sớm cho nhiều bạn trẻ. Rất khó để định danh những người dùng này khi họ lấn sân giải trí. Không thể gọi TikToker là nghệ sĩ, nhưng danh xưng người nổi tiếng cũng chưa hẳn đúng nếu xét theo góc nhìn từ khán giả.

“Tôi không nghĩ các TikToker là nghệ sĩ. Nhiều người đi hát, đóng phim đơn thuần là người làm giải trí vì yêu thích và cũng là để kiếm thu nhập. Khoảng cách của người làm giải trí và nghệ sĩ còn rất xa, tuy biên giới này khá mong manh”, chuyên gia truyền thông Hồng Quang Minh nêu quan điểm.

Với lượng người theo dõi “khủng’’, TikToker nghiễm nhiên trở thành “người có sức ảnh hưởng” (KOL). Họ được mời tới các sự kiện giải trí, gameshow… Nhiều chuyên gia cho rằng, làn sóng TikToker đang lấn át các nghệ sĩ thực thụ bởi chiêu trò và sự ồn ào, nhốn nháo. Phạm Thoại nổi lên từ những video bán hàng trực tuyến trên TikTok với phong cách đanh đá, chua ngoa. TikToker này hiện sở hữu hơn 4 triệu lượt người theo dõi, vượt xa cả tài khoản TikTok của những sao giải trí hạng A như Minh Hằng, Hồ Ngọc Hà hay Đàm Vĩnh Hưng.

Mỗi lần xuất hiện ở thảm đỏ, Phạm Thoại thường chọn bộ cánh cồng kềnh để gây chú ý. Tại một cuộc thi nhan sắc, Phạm Thoại diện trang phục màu đỏ đính kèm mô hình viên thuốc sau lưng, lấy cảm hứng từ các cung nữ xưa. Lần khác, TikToker này mặc đầm dài màu trắng kem, kèm với đó là một chiếc mũ trùm em bé không ăn nhập với bộ đồ và tính chất sự kiện. Xuất hiện “lồng lộn” thôi chưa đủ, Phạm Thoại và một đồng nghiệp nổi tiếng không kém trên TikTok là Long Chun còn tung hứng, diễn màn tranh cãi giành chỗ đứng trên thảm đỏ. Tiểu phẩm của hai TikToker khá lố khiến khán giả ngao ngán.

TikToker làm lố: Bất chấp chiêu trò để nổi tiếng ảnh 1

TikToker Phạm Thoại luôn xuất hiện trên thảm đỏ với trang phục lố lăng

Năm 2020, khi tham gia gameshow Nhanh như chớp, bộ ba TikToker Lê Bống, Trà Đặng và Long Chun cũng gây ồn ào vì liên tục nhắc bài đồng đội và phá vỡ thể lệ của chương trình. Lê Bống thậm chí còn bị chỉ trích bởi cách ăn mặc hở hang, thiếu tôn trọng khán giả.

Nhiều người lạ dễ dàng nổi tiếng chỉ qua vài phát ngôn sốc óc. “Thà học ngu mà kiếm ra tiền còn hơn mấy đứa thi được 25, 30 điểm mà không kiếm được đồng nào”, hot girl mạng xã hội tên Trần Thanh Tâm nói. Dù cô lập tức xin lỗi bằng dòng trạng thái dài vài trăm chữ trên Facebook, một bộ phận cư dân mạng vẫn cho rằng lời xin lỗi của “mỹ nhân thả thính” thiếu thiện chí. Họ cho rằng ê-kíp của Thanh Tâm đang lặp lại kịch bản làm nên tên tuổi của Linh Ka năm nào.

TikToker “dễ chiều”

Bên cạnh việc TikToker có lượng người theo dõi “khủng” dễ tạo hiệu ứng truyền thông trên mạng xã hội, các nhà sản xuất, công ty tổ chức sự kiện lựa chọn TikToker bởi ít tốn kém, “dễ chiều” hơn nghệ sĩ. “Mời nghệ sĩ đến sự kiện vừa tốn cát-xê, vừa không dễ chiều. Nhưng TikToker xác định họ không phải là ngôi sao nên biết điều hơn, đa phần dễ thương, dễ bảo. Họ cũng có cả triệu người quan tâm, giúp thương hiệu tăng độ phủ sóng lại vừa đảm bảo doanh số bán hàng nếu cần”, chuyên gia Nguyễn Ngọc Long phân tích.

TikToker thời gian qua cũng ùn ùn xuất hiện tại các buổi công chiếu phim. Tuy nhiên, MC Liêu Hà Trinh thẳng thắn nhận xét, nhiều người chỉ đến chụp ảnh, quay video, không hề vào xem phim và để lại ghế trống trong rạp.

Diễn viên Hoàng Mèo cảm thấy không hài lòng với việc những nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội TikTok có hành động làm lố trên thảm đỏ, ảnh hưởng xấu đến giá trị của dự án nghệ thuật đang được quảng bá. Anh cũng nhấn mạnh nếu muốn làm diễn viên phải có chuyên môn, diễn xuất phải có “nội lực” mới có thể đi đường dài trong nghệ thuật.

Làm đảo lộn giá trị

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phân tích một số lý do nhiều người nổi trên TikTok được “ưu tiên” tại một số sự kiện. Ông cho rằng, việc mời TikToker tham gia sự kiện, làm những hành động gây chú ý là một chiêu trò quảng cáo để thu hút sự chú ý của công chúng, từ đó tạo ra sự lan tỏa thông tin, thảo luận trên mạng xã hội, giúp các sự kiện đạt được mục tiêu quảng bá, tăng độ nhận diện với công chúng.

“Tuy nhiên, việc mời TikToker cũng có thể gây ra sự mất cân đối trong việc đánh giá giá trị nghệ thuật và công lao của nghệ sĩ truyền thống. Không ít người cho rằng việc mời TikToker tham gia thảm đỏ, làm trò lố lăng là hành động thiếu tôn trọng đối với sự kiện nghiêm túc và chuyên nghiệp của ngành giải trí”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nêu.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đồng tình rằng, việc TikToker làm lố, gây ồn ào trên thảm đỏ như Long Chun và Phạm Thoại khiến tổng thể sự kiện trở nên tạp nham, “như hội chợ”. Tuy nhiên, hiệu ứng mà hai TikToker này mang lại không nhỏ, ít nhiều tạo sức hút cho sự kiện bởi họ là những người có khả năng gây ảnh hưởng.

TikToker làm lố: Bất chấp chiêu trò để nổi tiếng ảnh 2

Một số sự kiện ra mắt phim ưu tiên TikToker hơn các nghệ sĩ, người có chuyên môn

Ông Trương Quốc Phong - CEO của một đơn vị truyền thông khẳng định, ở nhiều sự kiện, TikToker mang đến sự náo nhiệt, đa dạng và sắc màu mới, nhưng náo nhiệt, tăng nhiệt khác với náo loạn. Nhiều TikToker không xác định được sự kiện nào được phép ồn ào, sự kiện nào cần sự yên tĩnh hoặc náo nhiệt ở mức vừa phải. Họ muốn được quan tâm, được chú ý nên bằng mọi cách làm quá mọi thứ, biến náo nhiệt thành náo loạn. Dễ thấy có sự bắt tay ngầm của nhà tổ chức sự kiện với các Tiktoker, bởi đơn vị tổ chức được lợi lan tỏa thông tin, nổi hơn trong cộng đồng mạng xã hội. Điều này kéo theo việc bán vé, doanh số của sản phẩm của công ty tăng lên. Nhưng cái gì cũng vậy, nên có liều lượng và quản trị được mọi thứ, không thể thả lỏng. Các nhà sản xuất, tổ chức sự kiện cần bình tĩnh, không nên quá bất chấp, dùng những giá trị ảo phủ lên giá trị thực. “Nghệ thuật là đích thực và nó luôn có những tiêu chí, ranh giới rõ ràng. Việc bất chấp cho các Tiktoker hay Youtuber càn quét các sự kiện sẽ được quy về năng lực, tầm nhìn và chiến lược của những nhà sản xuất, các đơn vị tổ chức chương trình”, chuyên gia Trương Quốc Phong cho biết.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, điều quan trọng hơn cả khi mời các TikToker tham dự sự kiện cần phải được cân nhắc kỹ càng và đảm bảo tính chuyên nghiệp nhằm tạo ra trải nghiệm tích cực cho khán giả. “Các TikToker cũng cần nhận thức trách nhiệm của mình và hành động một cách đúng mực và tôn trọng sự kiện”, ông Sơn nêu.

Yếu tố mới của ngành giải trí

Trước những lo ngại TikToker nở rộ, xâm chiếm thảm đỏ các sự kiện phần nào khiến nghệ sĩ bị lép vế, PGS.TS Bùi Hoài Sơn khẳng định, với sự phát triển của mạng xã hội TikTok, các TikToker không làm giảm giá trị, vai trò của các nghệ sĩ truyền thống thay vào đó tạo thêm yếu tố mới trong ngành giải trí. “Mặc dù TikTok trở thành một nền tảng phổ biến và ảnh hưởng đến ngành giải trí, vẫn có nhiều nghệ sĩ truyền thống tạo ra giá trị và công lao được công nhận, tôn trọng”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

MỚI - NÓNG