Tìm thủ phạm khiến nước sông Nậm Tôn chuyển màu đỏ gạch

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Nước sông Nậm Tôn (Nghệ An) bất ngờ chuyển màu đỏ gạch khiến người dân vô cùng lo lắng. Cơ quan chức năng đã lập đoàn kiểm tra để truy tìm nguyên nhân.

Nậm Tôn từng là con sông có nguồn lợi thủy sản phong phú, cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp cho hàng nghìn người dân 5 xã và thị trấn thuộc địa bàn huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An. Tuy nhiên, những năm trở lại đây, dòng sông này bị ô nhiễm nặng, dòng nước trong xanh bỗng chuyển sang màu đỏ gạch, đục ngầu.

Bà Vi Thị Bé (60 tuổi, ở bản Còn, xã Châu Quang) cho biết, sáng 10/4, nước dưới dòng sông vẫn trong xanh bình thường. Thế nhưng, đến khoảng 13h hơn chiều cùng ngày, nước sông bất ngờ đục ngầu, kèm theo lớp bùn đặc quánh. “Lần này, chúng tôi nghi ngờ mỏ khoáng sản ở vùng thượng nguồn xả thải ra ngoài mới dẫn đến nước chuyển sang màu đỏ và bùn sánh như vậy”, bà Bé cho hay.

Tìm thủ phạm khiến nước sông Nậm Tôn chuyển màu đỏ gạch ảnh 1

Nước sông Nậm Tôn chuyển màu đỏ gạch

Theo người dân nơi đây, thực trạng nước sông Nậm Tôn “đổi màu” đã diễn ra từ cả chục năm trước. Nguyên nhân là các mỏ khoáng sản ở vùng thượng nguồn xã Châu Hồng, Châu Tiến, Liên Hợp… xả thải ra ngoài. Sau khi người dân phản ánh, chính quyền địa phương và lực lượng chức năng vào cuộc, tình trạng này ít diễn ra hơn. Tuy nhiên, những ngày gần đây, dòng sông bất ngờ đỏ quạch khiến người dân vô cùng lo lắng.

Liên quan đến sự việc, một lãnh đạo UBND huyện Quỳ Hợp cho biết, sau khi nhận được phản ánh từ người dân về việc sông Nậm Tôn lại tiếp tục bị ô nhiễm, chuyển qua màu đỏ, huyện đã cử đoàn cán bộ kiểm tra tại thượng nguồn dòng sông này để truy tìm nguyên nhân.

Lần theo dấu vết, đoàn kiểm tra phát hiện một điểm khai thác quặng thiếc trái phép nằm sâu trên thượng nguồn sông Nậm Tôn, thuộc xã Châu Hồng (huyện Quỳ Hợp).

Tìm thủ phạm khiến nước sông Nậm Tôn chuyển màu đỏ gạch ảnh 2

Hầm lò khai thác quặng thiếc trái phép

Tại hiện trường, có một hầm lò sâu hơn 15 m cùng với máy bơm, nhiều vật dụng, thiết bị khác phục vụ việc khai thác. Thời điểm phát hiện, những đối tượng khai thác trái phép đã rời khỏi hiện trường. Lực lượng chức năng đã cho phá dỡ lán trại, đánh sập hầm lò khai thác quặng thiếc trái phép này, đồng thời khẩn trương truy tìm thủ phạm khai thác.

Ông Trương Văn Hóa, Chủ tịch UBND xã Châu Hồng cho biết, khu vực này từng được cấp phép cho một doanh nghiệp thăm dò quặng thiếc nhưng đã hết hạn từ lâu. “Ngay sau khi đoàn kiểm tra phát hiện điểm khai thác quặng thiếc trái phép này, chính quyền địa phương cũng đã đề nghị cơ quan công an điều tra, tìm ra thủ phạm”, ông Hóa nói.

Theo ông Hóa, điểm khai thác quặng thiếc trái phép có thể không phải là nguyên nhân chính khiến sông Nậm Tôn chuyển màu đỏ, vì lượng nước thải ra từ điểm khai thác này không lớn. Sau 2 ngày điểm khai thác quặng thiếc ngừng hoạt động, nước sông Nậm Tôn vẫn chưa có chuyển biến.

Tìm thủ phạm khiến nước sông Nậm Tôn chuyển màu đỏ gạch ảnh 3

Cơ quan chức năng đang truy tìm nguyên nhân dòng sông Nậm Tôn "đổi màu"

Trước đó, cuối năm 2022, cơ quan chức năng huyện Quỳ Hợp phát hiện 2 mỏ quặng thiếc xả trộm ra thượng nguồn sông Nậm Tôn thông qua những đường ống chôn sâu dưới lòng đất. Hai doanh nghiệp này sau đó bị đình chỉ khai thác 2 tháng và bị phạt 420 triệu đồng.

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.