Tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của nhiều nước

TPO - Sáng 19/9, tại Đà Nẵng diễn ra lễ khai mạc diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng. Đây là một trong những hoạt động trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (diễn ra từ ngày 20-23/9 tại Đà Nẵng).

Khai mạc diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng. (Video: Nguyễn Thành)

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Từ năm 2017 đến nay, liên quan đến vấn đề thông tin sai lệch và tin giả, ASEAN đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm tăng cường nhận thức về việc đối phó với tác hại của tin giả, bao gồm các chương trình và hội thảo để chia sẻ các chính sách quản lý, các chiến dịch nhằm nâng cao sự hiểu biết về công nghệ số cho người dân cũng như thúc đẩy việc chia sẻ kinh nghiệm giữa các cơ quan quản lý thông tin điện tử.

Tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của nhiều nước ảnh 1
Tham dự Diễn đàn có đại diện các cơ quan quản lý về thông tin điện tử của 8 nước ASEAN; đại diện cơ quan báo chí của các nước ASEAN; đại diện một số nền tảng xuyên biên giới (Google, Tiktok) và đại diện Ban thư ký ASEAN. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Ông Lâm cho biết: Bước tiến vượt bậc là khi khuôn khổ và tuyên bố chung về giảm thiểu các tác hại của tin giả được thông qua vào năm 2018 tại Hội nghị Bộ Trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 14 (AMRI 14).

Nhận thức về tầm quan trọng của việc hành động đoàn kết trước tin giả, Hội nghị lần thứ 19 của các Quan chức Cao cấp ASEAN về Thông tin (SOMRI) vào năm 2022 đã phê duyệt đề xuất của Việt Nam về việc thành lập đội phản ứng của ASEAN về tin giả. Những khuôn khổ và cơ chế của ASEAN đã tạo nền tảng cho các nước thành viên ASEAN tăng cường hợp tác, chia sẻ thông tin và đề xuất các giải pháp khả thi để giải quyết vấn đề này trong khu vực.

Tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của nhiều nước ảnh 2

Thứ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Thành)

"Đã đến lúc chúng ta đẩy mạnh hơn sự hợp tác giữa các cơ quan quản lý truyền thông, những người đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường thông tin; giữa các cơ quan truyền thông tham gia truyền bá thông tin chính thống và chính xác, phát hiện, công bố và sửa chữa tin giả; giữa các cơ quan nghiên cứu như các tổ chức nghiên cứu độc lập, tổ chức xác minh và nhà cung cấp mạng xã hội để đối phó với thông tin sai lệch trong khu vực", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, Diễn đàn ASEAN về xử lý thông tin sai lệch nhằm tạo ra một nền tảng trao đổi mở, nhằm khẳng định sự quyết tâm của các nước ASEAN trong việc giảm thiểu các tác hại từ thông tin sai lệch và tin giả, đồng thời góp phần cho nỗ lực chung của ASEAN trong việc tạo ra một "không gian mạng đáng tin cậy và có trách nhiệm" cho người dân.

Tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của nhiều nước ảnh 3

Đại diện Ban thư ký ASEAN phát biểu tại diễn đàn. ( Ảnh: Nguyễn Thành)

Bà Tunku Ahmad, đại diện Bộ Thông tin và truyền thông Malaysia cho biết: Sự lan truyền tràn lan của tin tức giả trên Internet và mạng xã hội là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà các chính phủ trên thế giới phải đối mặt trong kỷ nguyên hiện đại này.

Malaysia cũng phải đối mặt với sự lan truyền tràn lan của tin giả và thông tin không chính xác, nước này đã phải liên tục kiềm chế để tránh gây hỗn loạn và thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do tin giả.

"Có những tin tức giả mạo có thể kích động và tạo ra sự thù hận giữa các cộng đồng đa dạng ở Malaysia, có thể ảnh hưởng đến sự đoàn kết và ổn định quốc gia" bà Tunku Ahmad cho biết.

Tin giả gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế của nhiều nước ảnh 4

Quang cảnh diễn đàn. (Ảnh: Nguyễn Thành)

Theo bà Tunku Ahmad những lỗ hổng liên quan đến sự gia tăng thông tin sai lệch nhằm khai thác căng thẳng chủng tộc và tôn giáo cũng như phát tán dịch bệnh thông tin (như những vấn đề liên quan đến COVID-19) là một trong những vấn đề cần được giải quyết. Tuyến phòng thủ hiệu quả đầu tiên chống lại việc lưu hành tin giả là thông qua quan hệ đối tác công tư, trong đó các cơ quan chính phủ làm việc cùng với các cơ quan doanh nghiệp và cộng đồng để ngăn chặn mối đe dọa của tin tức giả trong thời gian ngắn nhất có thể.

Ông Izzad Zanman, cán bộ cấp cao Văn hóa và Thông tin (Ban Thư ký ASEAN) đã nêu những vấn đề trong việc giải quyết và đối phó với việc lan truyền tin giả trong cộng đồng.

Theo ông Izzad Zanman những thông tin giả được các website đưa ra là những tin sai lệch nhằm hạn chế tin thật, đồng thời đẩy nhanh việc lan truyền tin giả. Các website tin giả sẽ tìm kiếm các thông tin sai lệch nhằm thỏa mãn độc giả cho tiêu tài chính hoặc chính trị.

Do đó, quan trọng nhất trong ứng phó, xử lý tin giả là cần có những khung hướng dẫn quản lý thông tin của Chính phủ để ứng phó, để có sự trao quyền đối tác truyền thông nhằm đảm bảo quyền tự do ngôn luận nhưng phải đảm bảo tính chính thống, minh bạch.

Diễn đàn khu vực ASEAN về ứng phó và xử lý tin sai sự thật trên không gian mạng gồm hai nội dung chính: Phần 1 là nỗ lực của các nước ASEAN chung tay đấu tranh và xử lý tin giả, tin sai; Khuyến nghị các biện pháp cho tương lai; Kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực và cơ quan báo chí truyền thông; Các chính sách thúc đẩy hiểu biết số và chính sách truyền thông từ một số quốc gia ASEAN cũng như chính sách của các nền tảng trong xử lý tin giả, tin sai và hướng dẫn an toàn khi tham gia trực tuyến.

Phần 2 là thảo luận về các khuyến nghị, biện pháp hợp tác phó và xử lý tin giả, tin sai trên không gian mạng: thúc đẩy hợp tác trong khu vực ASEAN, giữa chính phủ, địa phương các nước thành viên ASEAN và các nền tảng mạng xã hội.

Tin liên quan