Tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024

0:00 / 0:00
0:00
TPO - VinaCapital kỳ vọng, tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt 6,5% trong năm 2024 nhờ phục hồi trong xuất khẩu. Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam lên 8 - 9% vào năm 2024.

Đơn hàng xuất khẩu phục hồi

Theo ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital, động lực dài hạn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong trung hạn và sự phát triển kinh tế ngắn hạn ảnh hưởng đến giá cổ phiếu.

Những biến động trong tốc độ tăng trưởng GDP thường là một trong những diễn biến kinh tế ngắn hạn quan trọng nhất đối với thị trường chứng khoán vì sự tăng trưởng GDP thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ảnh 1

Ông Michael Kokalari kỳ vọng tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ lên 6,5% trong năm 2024 nhờ phục hồi trong xuất khẩu. Điều này sẽ đi kèm với sự phục hồi sản lượng ngành sản xuất của Việt Nam lên 8 - 9% vào năm 2024, so với mức tăng trưởng trung bình dài hạn 12% của ngành này trước COVID-19.

“Sự lạc quan về phục hồi tăng trưởng GDP của Việt Nam vào năm 2024 nhờ sản xuất bắt nguồn từ việc phân tích nguyên nhân gây ra các vấn đề của ngành sản xuất năm 2023, gồm các nhà bán lẻ Mỹ và các công ty tiêu dùng khác đã tích lũy quá nhiều hàng hóa vào năm 2022”, ông Michael Kokalari nói.

Chuyên gia của VinaCapital cho biết thêm, thay vì mua nhiều sản phẩm hơn khi lệnh phong tỏa COVID-19 được dỡ bỏ, người tiêu dùng lại đổ tiền vào các dịch vụ như du lịch và ăn uống ở ngoài. Do vậy, các công ty ở Mỹ đã phải giải quyết lượng hàng tồn kho này trong suốt năm 2023, mức tồn kho sụt giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần 10 năm.

“Đây là yếu tố chính gây sụt giảm xuất khẩu và sản lượng sản xuất của Việt Nam trong năm nay. Tuy nhiên, rất nhiều dữ liệu cho thấy hiện tượng này sắp kết thúc và các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phục hồi”, ông Michael Kokalari dự báo.

Tỷ giá ổn định

Theo ông Michael Kokalari, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam dường như đang hướng tới việc duy trì tỷ giá USD-VNĐ ở mức ổn định để thúc đẩy môi trường kinh tế vĩ mô bình ổn, có lợi cho ổn định tăng trưởng GDP và giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

“Ngân hàng Nhà nước luôn cố gắng giữ tỷ giá USD-VNĐ biến động không quá 2-3% mỗi năm. Việc giám sát chặt chẽ thị trường tiền tệ và ngoại hối của Việt Nam đã cho thấy rằng khi đạt tới ngưỡng nhất định, Ngân hàng Nhà nước thường sẽ đưa ra quyết định duy trì sự ổn định”, ông Michael Kokalari nói.

Tín hiệu lạc quan về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 ảnh 2

Cụ thể, cuối năm 2022, giá trị USD/DXY Index tăng gần 20% so với đầu năm, điều này buộc Ngân hàng Nhà nước phải tăng lãi suất vào thời điểm đó. Động thái này rõ ràng nhằm mục đích ổn định tiền VNĐ, trong bối cảnh lạm phát lúc đó chỉ ở mức 3%.

Năm nay, tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại dẫn đến Ngân hàng Nhà nước phải mạnh tay cắt giảm lãi suất. Việc giảm lãi suất quyết liệt này là nhờ vào việc tỷ giá USD-VNĐ ổn định trong 6 tháng đầu năm, phần lớn nhờ thặng dư thương mại của Việt Nam tăng mạnh, đạt mức khoảng 7% GDP trong năm nay.

“Việc lãi suất tiền gửi tại Việt Nam tăng vọt trong năm qua đã khiến nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu và gửi tiền vào ngân hàng. Tuy nhiên, lãi suất đã giảm mạnh trong năm nay do Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành. Do đó, nhiều nhà đầu tư đã tái đầu tư số tiền gửi đã đáo hạn kỳ hạn 6 tháng vào thị trường chứng khoán. Đây là một trong những yếu tố chính đẩy VN-Index tăng 10% so với đầu năm”, ông Michael Kokalari cho biết.

MỚI - NÓNG