Tình cảm ở lại mãi với Lai Châu

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Chúng tôi hy vọng rằng rồi giải đấu qua đi, các vận động viên và du khách sẽ rời Lai Châu trở về nhà của mình, nhưng trái tim, tình cảm của họ vẫn ở lại mãi với vùng đất và những con người tuyệt vời này”, nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nói.

Sáng 26/3, phát biểu khai mạc giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 64 - năm 2023 ( Tiền Phong Marathon 2023) , Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn khẳng định, đây là giải thể thao có lịch sử lâu đời nhất trong tất cả các giải thể thao của Việt Nam. “Ngay từ khi ra đời, Việt dã toàn quốc giải báo Tiền Phong đã mang một sứ mệnh quan trọng là một trong những kênh phát hiện những tài năng điền kinh trẻ để bồi dưỡng thành các vận động viên thành tích cao, làm nòng cốt cho đội tuyển điền kinh Việt Nam. Giải còn có nhiệm vụ xây dựng phong trào chạy, làm lan tỏa tinh thần điền kinh, tinh thần thể thao. Bởi vậy, cứ mỗi năm, giải lại di chuyển đến một địa phương mới”, ông Sơn nói.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, từ khi trở thành giải Vô địch quốc gia Marathon và cự ly dài, giải đặt mục tiêu còn lớn hơn. Trước hết đó phải là một giải điền kinh đỉnh cao đúng nghĩa là một giải vô địch quốc gia. Nhưng vượt lên hơn thế, giải còn phải là một ngày hội thể thao, một sự kiện kinh tế - xã hội - thể thao - văn hoá của địa phương đăng cai, nhằm giới thiệu với nhân dân cả nước những tiềm năng về tài nguyên, thiên nhiên, lịch sử, văn hoá, con người…, tạo ra những cơ hội về đầu tư, phát triển, đặc biệt là du lịch. “Chính bởi vậy mà khác với hầu hết các giải vô địch quốc gia khác trên thế giới, bên cạnh hạt nhân là giải đấu chuyên nghiệp của các vận động viên xuất sắc nhất của đất nước, giải còn có các nội dung thi đấu phong phú cho các vận động viên không chuyên, thu hút nhiều nghìn người từ khắp đất nước tham gia, biến giải vô địch quốc gia thành một ngày hội thực sự”, Tổng Biên tập báo Tiền Phong nói.

Tình cảm ở lại mãi với Lai Châu ảnh 1

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn chia vui với các vận động viên về đích Tiền Phong Marathon 2023 (ảnh: Như Ý).

Với tính chất như vậy, theo nhà báo Lê Xuân Sơn, trong những năm vừa qua, giải thường chọn các địa phương còn nhiều khó khăn, nằm ở những vùng trọng yếu trong chiến lược phát kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh của đất nước để tổ chức, lần lượt là đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi), thành phố Pleiku (Gia Lai), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) và năm 2023 đến với thành phố Lai Châu của tỉnh Lai Châu.

Theo nhà báo Lê Xuân Sơn, Ban tổ chức Tiền Phong Marathon vui mừng nhận thấy thành phố Lai Châu và nhiều địa phương trong tỉnh thực sự có không khí của ngày hội. Việc có hàng nghìn vận động viên và người thân của họ cùng với du khách đổ về vùng đất cực Tây Bắc của Tổ quốc - đang nỗ lực vươn lên nhưng vẫn bộn bề gian khó - là một thành công lớn sau những nỗ lực không mệt mỏi của các đơn vị tham gia tổ chức, đặc biệt là lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Lai Châu. Tất cả đã tạo ra những điều kiện cần thiết về hạ tầng đường chạy, về đảm bảo giao thông, an ninh, trật tự, y tế, cảnh quan và các chương trình đồng hành ở quy mô lớn.

Tình cảm ở lại mãi với Lai Châu ảnh 2

Người dân Lai Châu thân thiện, hiếu khách đổ ra đường cổ vũ cho vận động viên thi đấu.

Tổng Biên tập báo Tiền Phong nhấn mạnh, do hệ thống các khách sạn, các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố Lai Châu chưa đủ đáp ứng được nhu cầu của số lượng lớn vận động viên và du khách đổ về, cán bộ và Nhân dân thành phố Lai Châu đã sắp xếp dành phòng trong ngôi nhà của mình. “Đây là điều mà chúng tôi nghĩ là hiếm có trong các giải thể thao hàng chục năm vừa qua”, ông Sơn nói, đồng thời thay mặt Ban tổ chức và các vận động viên gửi lời cảm ơn chân thành tới lãnh đạo và Nhân dân tỉnh Lai Châu, thành phố Lai Châu về nghĩa cử cao đẹp này.

“Chúng tôi hi vọng rằng, rồi giải đấu của chúng ta qua đi, các vận động viên và du khách sẽ rời Lai Châu trở về nhà của mình, nhưng trái tim, tình cảm của họ vẫn ở lại mãi với vùng đất và những con người tuyệt vời này”, nhà báo Lê Xuân Sơn nói.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.