Tình Côn Đảo

0:00 / 0:00
0:00
TP - Bằng tình yêu, sự hóa giải hận thù, nhiều cựu tù Côn Đảo tìm thấy sự bình yên, thanh thản trên chính nơi họ từng chịu những hành hạ, tra tấn dã man của kẻ thù. Cũng bằng tình yêu, nhiều người đến với Côn Đảo, gắn bó, vun đắp thêm những giá trị truyền thống của mảnh đất huyền thoại này.

Dịu những đớn đau

Tháng 3/2022, vợ chồng ông Nguyễn Xuân Viên - một cựu tù Côn Đảo đón chúng tôi trong căn nhà nhỏ yên bình được một tờ báo xây tặng trên chính Côn Đảo nhiều năm về trước. Ông Viên sinh năm 1944, người gầy gò, quắc thước.

Thấy chúng tôi đến, ông rời chiếc võng, ngồi dậy nói chuyện. Ông Viên quê ở Quảng Nam, hoạt động cách mạng rồi bị địch bắt, trải qua nhiều trại giam rồi bị đày ra Côn Đảo. Ông chịu hết cảnh đày đọa, tra tấn của kẻ thù, mất 50% sức khỏe. Ông bảo, nhiều khi ngủ vẫn giật mình thon thót, bởi ác mộng ùa về.

Tình Côn Đảo ảnh 1

Vợ chồng ông Nguyễn Xuân Viên. Ảnh: Trọng Tài

Chữ duyên, tình yêu có lẽ gắn bó ông với bà Nguyễn Thị Tư từ những năm 1980, rồi gắn bó gia đình ông bà với Côn Đảo. Bà Tư bảo, đến bây giờ, vẫn không nghĩ là nên duyên vợ chồng, không nghĩ được cảnh ra Côn Đảo sinh sống cả đời người.

“Lúc đám cưới tôi nói, sức khỏe anh có 50% thôi, công việc làm nặng nhọc em phải gánh vác nhiều hơn”, bà nói và kể: Lúc ra đảo vất vả lắm. Sức khỏe bác trai lại yếu. Ăn bo bo các thứ, khổ ghê lắm nhưng tôi vẫn chấp nhận. Bác trai đi làm việc ở cơ quan nhưng chiều về phải vô rẫy trồng cà, trồng cải để bán kiếm tiền. Tôi chưa bao giờ để bác trai phải gánh một gánh phân. Thương ông nên tôi làm hết.

Giờ cuộc sống của ông bà ở tuổi xế chiều viên mãn. Con cái trưởng thành, cháu chắt quấn quýt hàng ngày. Diễm phúc lớn nhất, theo bà Tư, là địa phương rất quan tâm, các cấp, ban, ngành, đoàn thể quan tâm đến gia đình.

Ngày lễ, Tết đều đến thăm, động viên. Bà Trương Mỹ Hoa, Nguyên Phó Chủ tịch nước, cũng từng là cựu tù Côn Đảo vẫn thường ra đây thăm, gần nhất là đầu tháng 3/2022 . "Bà Hoa nắm tay ông Viên bảo: "Anh ráng sống thêm nha, em còn ra thăm nữa”. Giờ ông ấy cũng yếu lắm rồi, mắt mờ, chân tay yếu, đi lại khó. Ổng cũng ăn ít, phải ép mới ăn thêm…”, bà Tư nói.

Trong câu chuyện với phóng viên, ông Viên kể chi tiết về những màn đày đoạ, tra tấn của kẻ thù ở Côn Đảo. Sau này, ông chính là người làm công tác bảo tồn, hàng ngày đối diện với chính những hiện vật gợi lại quá khứ đau thương của ông và các đồng đội. Nhưng ông bảo không sao hết, bởi sau giải phóng, được học tập về hoà hợp, hoà giải dân tộc, ai cũng máu đỏ da vàng, quá khứ khép lại, mở ra tương lai mới.

Cựu tù Côn Đảo sống ở trên đảo chỉ còn 3 người, ngoài ông Viên có ông Nguyễn Văn Ước, bà Nguyễn Thị Ni. Bà Ni năm nay đã 83 tuổi, dù thế vẫn khỏe mạnh và minh mẫn. Lúc chúng tôi đến, bà đang đọc một vài tờ báo giấy.

“Nhớ hồi bị tổng nha uýnh, nó nói uýnh vì mày hổng có khai gì hết. Tao uýnh cho mày tuyệt giống nòi, sau này mày có lấy chồng cũng không sinh con được nữa”, bà Ni kể về những tháng ngày bị đày đọa trong ngục tù.

Sau khi được trao trả, bà trải qua nhiều công việc trước khi lập gia đình rồi chuyển hẳn ra Côn Đảo sinh sống, làm việc.

“Sau giải phóng, tôi đi học trường phụ nữ Lê Thị Riêng ở trên Thủ Đức. Ông này nè (bà chỉ di ảnh trên tủ), học trường Nguyễn Ái Quốc. Ông ấy vợ mất, có đứa con chừng 4 - 5 tuổi. Rồi học xong, ổng dắt tôi ra đây thăm quan, coi lại nhà tù, thăm mấy ngôi mộ ở nghĩa trang Hàng Dương. Rồi ở đảo bảo cần có một người phụ nữ từng là cựu tù ở lại để làm nhân chứng. Thời điểm gặp ông Tư là cuối năm 1983, đến tháng 6/1986 chúng tôi ra đây công tác, rồi về hưu, ở đến giờ luôn. Tại tôi cũng nhìn thấy mộ mấy chị thấy thương quá, nghĩ về rồi thì khó ra. Đảo xin tôi ở lại thì cũng nên ở lại, cũng là hợp lý”, bà Ni kể.

Sống với nhau gần bốn chục năm, bà Ni không có con. Ở trên đảo, bà nhận được sự yêu thương, kính trọng của người dân, của thế hệ trẻ.

Điều giản dị

Khi còn khỏe, cứ cách vài ngày hay vào dịp lễ, như 30/4 hoặc nhân tổ chức lễ giỗ chung trên đảo (tháng 6 Âm lịch) ông Viên, bà Ni, các cựu tù Côn Đảo lại ra Nghĩa trang Hàng Dương thắp hương, tưởng nhớ, tri ân các đồng đội cũ. Nhiều cựu tù Côn Đảo đang sinh sống ở các nơi khác cũng tìm về. Hàng nghìn du khách cũng đến với Côn Đảo hàng năm.

Tình Côn Đảo ảnh 2

Dâng hương, thắp nến tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Hàng Dương. Anh: Hồng Vĩnh

Một trong những hoạt động ý nghĩa của du khách đến với Côn Đảo là làm lễ dâng hương tri ân các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên đảo vì sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thống nhất đất nước. Điều đặc biệt, trong lễ vật dâng hương tưởng nhớ Anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu, mỗi mâm hoa quả đều có thêm quả “lê ki ma” - loại quả gắn liền với quê hương chị Võ Thị Sáu trong bài hát “Biết ơn chị Võ Thị Sáu”.

Những loại hoa quả được du khách dâng lên các Anh hùng, liệt sĩ vào buổi tối hôm trước thường được Ban Quản lý các di tích tập trung lại, vận chuyển đến Hội chữ thập đỏ huyện Côn Đảo để phân phát cho những người có nhu cầu sử dụng để tránh lãng phí.

7h sáng một ngày cuối tháng 3/2022, 22 thùng hoa quả, bánh trái được xe của Ban Quản lý di tích chở đến Hội Chữ thập đỏ huyện Côn Đảo. Chị Bùi Thị Phượng (45 tuổi), Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Côn Đảo cùng một nhân viên bắt tay vào phân chia các loại quả. Chồng chị Phượng, anh Diệp Quang Phụng (49 tuổi), Trưởng Phòng Tổ chức Hành chính, Ban Quản lý du lịch quốc gia Côn Đảo cũng tranh thủ sang phụ giúp vợ. Mỗi túi nilon gồm một vài loại quả, có thêm một vài túi bánh nhỏ, đảm bảo người được nhận sử dụng hiệu quả, không lãng phí.

Khá đông người dân địa phương, những người sinh sống trên đảo chờ để được nhận hoa quả từ cán bộ Hội Chữ thập đỏ. Thêm một điều đặc biệt, tất cả những người đến nhận quà đều phải mang theo túi nilon để đổi túi quà của Hội Chữ thập đỏ. Việc này nhằm tránh phát sinh thêm rác thải nhựa ở trên đảo. Nếu có những quả dập, hỏng một phần, người dân sẽ tận dụng, chia sẻ với bầy khỉ ở trên đảo.

Theo chị Phượng, việc chia sẻ những phần quà cho người dân từ các phần lễ tri ân các Anh hùng, liệt sĩ tại Côn Đảo phần nào cũng góp thêm những ấn tượng sâu sắc về mảnh đất linh thiêng của Tổ Quốc…

Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài báo Tiền Phong lần thứ 63 - năm 2022 vừa diễn ra thành công tại Côn Đảo (Bà Rịa – Vũng Tàu). Nằm trong chương trình, một loạt hoạt động mang tính chất đền ơn đáp nghĩa, tri ân, ôn lại truyền thống, gồm Lễ Thượng cờ, trải lá cờ rộng 300 mét vuông ở quảng trường; lễ thắp nến, dâng hương, tri ân tại Nghĩa trang Hàng Dương; đi thăm các cựu tù chính trị đang sinh sống trên đảo và gửi quà tặng cho các cựu tù chính trị Côn Đảo đang sống ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nhằm hiện thực hóa khẩu hiệu của giải đấu “Theo dấu chân huyền thoại”.

Tình Côn Đảo ảnh 3

Vận động viên trên đường chạy ở Côn Đảo. Ảnh: Trọng Tài

Nhà báo Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập báo Tiền Phong cho biết, từ lịch sử Giải việt dã báo Tiền Phong trước đây và Vô địch Quốc gia marathon và cự ly dài báo Tiền Phong ngày nay, năm 2022, giải đấu đến với Côn Đảo, vừa là một sự kiện thể thao, vừa khơi gợi tinh thần yêu nước, khơi gợi truyền thống để cho thanh niên, thế hệ trẻ biết được và tự hào về lịch sử đấu tranh cách mạng, truyền thống vô cùng anh dũng của tiền nhân và làm thế nào để nối tiếp được truyền thống ấy”.

MỚI - NÓNG
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
Một số dự án trọng điểm giải ngân chậm
TPO - Theo số liệu từ Bộ Tài chính, 3 tháng đầu năm, giải ngân vốn đầu tư công các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải mới đạt 11,2%, thấp hơn tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.