Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tăng cường sự hiện diện ở Bắc cực

TPO - Trên một cây cầu bắc qua con sông sủi bọt gần Vòng Bắc cực, các công nhân xây dựng Phần Lan đang triển khai dự án để khai thông kết nối từ bờ biển Na Uy đến biên giới với Nga.
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương tăng cường sự hiện diện ở Bắc cực ảnh 1

Các công nhân đang làm việc trên cây cầu bắc qua sông Raumo ở Tornio, Phần Lan, ngày 31/5. (Ảnh: Reuters)

Cho đến tháng 2/2022, dự án điện khí hóa trị giá 37 triệu euro (41 triệu USD) cho tuyến đường sắt duy nhất giữa Thụy Điển và Phần Lan vẫn chỉ là lời hứa với những người dân địa phương muốn bắt chuyến tàu đêm xuống nơi có ánh sáng rực rỡ ở Stokholm.

Nhưng sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra, điều đó đã thay đổi.

Giờ đây, Phần Lan đã là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), còn Thụy Điển hy vọng sớm hoàn thành quy trình gia nhập.

Trong bối cảnh liên minh quân sự này đang tái định hình chiến lược để đối phó với Nga, việc tiếp cận những vùng lãnh thổ và hạ tầng mới mang lại nhiều cách để các đồng minh trong NATO theo dõi và kiềm chế Mátxcơva, đồng thời tạo cơ hội chưa từng có để toàn bộ vùng Tây Bắc châu Âu trở thành một khối phòng thủ, các nhà ngoại giao và chuyên gia quân sự cho biết.

Việc nâng cấp đường sắt ở thị trấn Tornio của Phần Lan và biên giới Thụy Điển là một ví dụ. Dự kiến hoàn thành vào năm tới, những tuyến đường này sẽ giúp các đồng minh trong NATO dễ dàng gửi quân tiếp viện và thiết bị từ bên kia Đại Tây Dương đến Kemijarvi, một thị trấn của Phần Lan chỉ cách biên giới Nga khoảng một giờ lái xe và bảy giờ đến căn cứ quân sự và hạt nhân Murmansk của Nga trên bán đảo Kola.

Tại căn cứ đó, Hạm đội phương Bắc của Nga sở hữu 27 tàu ngầm, hơn 40 tàu chiến mặt nước, khoảng 80 máy bay chiến đấu cùng các đầu đạn hạt nhân và tên lửa, theo số liệu của Viện Quốc tế Phần Lan (FIIA).

Nếu xung đột quân sự nổ ra giữa Nga và NATO, nhiệm vụ chính của Hạm đội phương Bắc sẽ là kiểm soát Biển Barents và chặn các tàu tiếp viện từ Bắc Mỹ đến châu Âu qua các vùng biển nằm giữa Greenland, Iceland và Anh.

Đó là điều Phần Lan có thể giúp NATO vượt qua.

“Tất cả đều là để kiềm tỏa những năng lực đó từ phía Bắc”, Thiếu tướng nghỉ hưu Mỹ Gordon B. Davis nói với Reuters.

Bên cạnh việc mở rộng lãnh thổ, Helsinki còn mua khí tài quân sự phù hợp, đặc biệt là máy bay chiến đấu, "để tăng thêm giá trị phòng thủ ở phía Đông Bắc và nói thẳng ra là sẽ khiến Nga gặp rủi ro nếu xảy ra xung đột”, ông Davis nói.

Đến năm 2028, đóng góp của Thụy Điển cho NATO sẽ bao gồm đội tàu ngầm thế hệ mới trên Biển Baltic. Fredrik Linden - Chỉ huy Đội tàu ngầm thứ nhất của Thụy Điển, cho rằng điều này sẽ làm nên khác biệt lớn trong bảo vệ hạ tầng quan trọng dưới biển và bảo vệ quyền tiếp cận, để tránh những sự cố như vụ tấn công đường ống dẫn khí đốt Nord Stream hồi tháng 9/2022.

“Với năm tàu ngầm, chúng tôi có thể phong tỏa Biển Baltic. Chúng tôi sẽ giám sát các khu vực quan tâm bằng những thiết bị cảm biến và vũ khí của chúng tôi”, ông Linden nói với Reuters.

Theo các nhà phân tích, Nga cũng đang tích cực phát triển năng lực hỗn hợp ở Bắc cực để đề phòng phương Tây. Samu Paukkunen - Phó giám đốc FIIA, ước tính rằng các lực lượng vũ trang của phương Tây vẫn đi sau Nga khoảng 10 năm về quân sự ở Bắc cực.

Theo ông Paukkunen, dù hứng nhiều thiệt hại ở Ukraine, năng lực của Hạm đội phương Bắc và lực lượng máy bay ném bom chiến lược của Nga vẫn chưa hề hấn gì.

Đan Mạch giảm quy mô hạm đội tàu ngầm từ năm 2004, theo kế hoạch giảm năng lực quân sự sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh. Nước này đến nay vẫn chưa quyết định các khoản đầu tư trong tương lai. Trong khi đó, Na Uy đang đặt hàng bốn tàu ngầm mới, dự kiến tiếp nhận lô đầu tiên năm 2029.

Những diễn biến trên cho thấy NATO sau khi kết nạp thành viên mới sẽ thay đổi bản đồ an ninh châu Âu. Khu vực từ Biển Baltic ở phía Nam lên phía Bắc sẽ trở thành một vùng hoạt động tích hợp của NATO.

Điều đó thể hiện rõ ràng khi Phần Lan tổ chức đợt tập trận Bắc cực đầu tiên trong tháng 5 năm nay với vai trò thành viên NATO, tại khu vực huấn luyện pháo binh lớn nhất của châu Âu ở nơi nằm trên Vòng Bắc cực 25km.

Thị trấn Rovaniemi gần đó, nơi thường được coi là nhà của Ông già Noel, cũng là căn cứ của lực lượng Không quân Bắc cực của Phần Lan. Nơi này sẽ trở thành một trung tâm quân sự của khu vực nếu xảy ra xung đột. Phần Lan sẽ đầu tư khoảng 150 triệu euro cho kế hoạch nâng cấp căn cứ, để nơi đó tiếp nhận một phi đội gồm 64 tiêm kích F-35, dự kiến vào năm 2026.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG