Tổng thống Mỹ Biden bị buộc chặt vào kế hoạch chiến tranh của Israel

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa đến thăm Israel để thể hiện ủng hộ quốc gia này trong cuộc xung đột với lực lượng Hamas, đồng thời bảo đảm kênh vận chuyển hàng hóa cứu trợ cho dân thường trên Dải Gaza.
Tổng thống Mỹ Biden bị buộc chặt vào kế hoạch chiến tranh của Israel ảnh 1

Tổng thống Mỹ Joe Biden trong chuyến thăm Israel ngày 18/10. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng với việc đến Israel với thời điểm này, ông Biden rõ ràng đã buộc chặt mình vào bất kỳ cuộc tấn công nào sắp tới của Israel.

Chuyến thăm kéo dài 8 giờ đồng hồ của ông Biden diễn ra chỉ 1 ngày sau vụ đánh bom một bệnh viện ở Dải Gaza, khiến hơn 500 người Palestine thiệt mạng và nhanh chóng gây ra làn sóng phẫn nộ khắp thế giới Ả-rập.

“Từ góc độ rủi ro, ông Biden đang bị ràng buộc vào bất cứ điều gì Israel quyết định làm ở Dải Gaza”, Jon B. Alterman, giám đốc chương trình Trung Đông tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và quốc tế, đánh giá.

Theo nhà nghiên cứu này, Tổng thống Biden có thể đang đánh cược rằng việc an ủi, đàm phán và hỗ trợ Israel sẽ giúp ông có ảnh hưởng lớn nhất trong việc định hình hành động của Tel Aviv.

Tuy nhiên, kế hoạch của ông Biden nhằm thúc đẩy việc thông qua gói viện trợ hàng tỷ đô la tại Quốc hội Mỹ có thể sẽ gây ra tranh cãi về cách sử dụng tiền thuế của người dân.

Trong khi đó, việc Mỹ phủ quyết một nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc về kêu gọi ngừng bắn khiến một số đồng minh tức giận.

Tổng thống Biden cho biết, Mỹ sẽ cung cấp 100 triệu USD để viện trợ nhân đạo cho người dân ở Dải Gaza và Bờ Tây bị chiếm đóng. Mỹ kêu gọi Israel cho phép chuyển hàng viện trợ nhân đạo đến người Palestine.

Nhà Trắng thừa nhận cần phải giải thích rõ hơn về chính sách của Tổng thống Biden với Israel trước dư luận trong nước.

Ngày 18/10, Nhà Trắng cho biết ông Biden sẽ có bài phát biểu vào "giờ vàng" tại Nhà Trắng để nói về phản ứng của Mỹ đối với các cuộc tấn công của lực lượng Hamas nhằm vào Israel và cuộc xung đột ở Ukraine.

Sau khi rời Tel Aviv, ông Biden họp báo ngay trên chuyên cơ để thông báo với đoàn phóng viên rằng ông đã làm việc với Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi để mở cửa khẩu Rafah, cho phép các chuyến hàng viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza.

Ezra Cohen, một thành viên tại Viện Hudson và là cựu thứ trưởng bộ quốc phòng phụ trách tình báo Mỹ, cho rằng việc giữ uy tín có thể trở nên khó khăn hơn đối với ông Biden nếu Israel mở chiến dịch tấn công trên bộ và gây thương vong nghiêm trọng cho dân thường.

Ông Cohen cho rằng Tổng thống Mỹ "sẽ phải rất quan tâm đến việc giải thích cho người dân Mỹ rằng Israel tuân theo luật chiến tranh".

Một số người chỉ trích lớn tiếng cho rằng Israel không theo luật chiến tranh.

Theo một cuộc thăm dò do Reuters/Ipsos thực hiện, khoảng 78% người Mỹ, bao gồm đa số thuộc cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa, ủng hộ các nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm cho phép cư dân Dải Gaza di chuyển đến một quốc gia an toàn. Chưa đến một nửa, 41%, cho biết họ ủng hộ Mỹ hỗ trợ Israel trong cuộc xung đột với Hamas, còn 2% cho rằng Mỹ nên hỗ trợ người Palestine.

Tình hình này chắc chắn sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến nhiều năm nỗ lực ngoại giao của Mỹ nhằm vận động các đối tác trong thế giới Ả-rập và Hồi giáo, từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Ả-rập Xê-út, từ Ai Cập đến Qatar.

Mỹ vốn hy vọng việc cải thiện các mối quan hệ đó sẽ giúp Israel an toàn hơn, đối trọng với các đối thủ của Washington, từ Tehran đến Mátxcơva và Bắc Kinh, đồng thời giữ khí giá dầu khí trong khả năng kiểm soát.

Nỗ lực ngoại giao nhằm bình thường hóa quan hệ giữa Ả-rập Xê-út với Israel đang bị đóng băng, còn Tổng thống Biden cố gắng ngăn cuộc chiến lan rộng có thể nhấn chìm Trung Đông và dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp với Iran.

Theo Reuters
MỚI - NÓNG