Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp thăm Việt Nam: Định hướng cho chặng đường tiếp theo

TP - Việt Nam và Mỹ đã vượt qua một chặng đường dài, từ cựu thù đến bình thường hóa đến Đối tác toàn diện. Nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam sắp tới, hai bên chắc chắn không chỉ đánh giá lại mà còn định hướng để đưa quan hệ song phương phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Đó là nhận định của nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Mỹ, khi trao đổi với phóng viên Tin Phong về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden, dự kiến từ ngày 10-11/9.

Phóng viên: Ông nhìn thấy những nét lớn nào trong 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ?

Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp thăm Việt Nam: Định hướng cho chặng đường tiếp theo ảnh 1

Nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Vinh

Đại sPhm Quang Vinh: 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện là giai đoạn phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, mạnh mẽ nhất trong 28 năm quan hệ ngoại giao Việt - Mỹ.

Hai bên đã tạo dựng khuôn khổ hợp tác ổn định, lâu dài, tăng cường hiểu biết và lòng tin thông qua các chuyến thăm cấp cao. 10 năm qua liên tục có những chuyến thăm cấp cao và các cấp của hai bên. Tại Mỹ, có sự đồng thuận lớn giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, chính quyền nào lên cũng đều nhấn mạnh và coi trọng quan hệ với Việt Nam. Trong những chuyến thăm đó, có thể kể đến chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Donald Trump, và nay là Tổng thống Joe Biden. Về phía ta, đáng chú ý nhất là chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến Nhà Trắng - lần đầu tiên và là chuyến thăm lịch sử của người đứng đầu Đảng ta. Khi đó, hai bên ra Tuyên bố về Tầm nhìn chung, nhấn mạnh khuôn khổ hợp tác ổn định lâu dài, cùng có lợi, và nhấn mạnh các nguyên tắc chỉ đạo quan hệ, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị của nhau.

Hợp tác trên tất cả các lĩnh vực trong Đối tác toàn diện Việt - Mỹ đều được tăng cường và mở rộng, từ chính trị đến đối ngoại, an ninh - quốc phòng, kinh tế - thương mại - đầu tư, giao lưu nhân dân, hợp tác khu vực và quốc tế. Đặc biệt, hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh có những bước tiến rất lớn. Trong lĩnh vực này, hai bên hợp tác tháo dỡ bom mìn chưa nổ và tẩy độc, với những dự án lớn như tẩy độc sân bay Đà Nẵng và hiện nay là sân bay Biên Hòa. Hai bên cũng đang hợp tác tìm kiếm hài cốt quân nhân, bộ đội mất tích, xác định danh tính bằng công nghệ ADN.

Hợp tác về kinh tế luôn là điểm sáng trong quan hệ Việt - Mỹ. Cách đây 10 năm, thương mại hai chiều mới đạt 35 tỷ USD, nay đã lên 123 tỷ USD, tăng gấp gần 4 lần. Trong 10 năm qua, tốc độ tăng trưởng thương mại luôn ở mức 2 con số, chứng tỏ quan hệ kinh tế - thương mại có tính bổ sung, hai bên cùng có lợi. Điều đó cũng cho thấy, Mỹ vẫn là thị trường hấp dẫn, có khả năng mở rộng hơn nữa trao đổi thương mại với Việt Nam. Điều đó cũng chứng tỏ rằng năng lực sản xuất, sức cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam tốt.

Trong 10 năm Đối tác toàn diện, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển tất cả các mặt, từ chính trị, kinh tế tới xây dựng lòng tin, vị trí chiến lược trong không gian chung ở châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có ASEAN, hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn…

Dư địa hợp tác

Theo ông, chuyến thăm của Tổng thống Joe Biden đến Việt Nam vào thời điểm này có ý nghĩa như thế nào?

Quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua một chặng đường dài trong quá trình thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao, từ cựu thù đến bình thường hóa đến Đối tác toàn diện. Rõ ràng trong 10 năm qua, đà phát triển rất lớn. Vào dịp kỷ niệm này, hai bên không chỉ đánh giá lại mà còn định hướng để quan hệ song phương phát triển hơn nữa trong thời gian tới.

Trong năm kỷ niệm, hai bên đã có nhiều cuộc trao đổi, trong đó đáng chú ý là cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Joe Biden vào tháng 3, đề cập đến những nội dung rất quan trọng. Trước hết, hai bên thấy rằng quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian qua đã phát triển rất tích cực, phù hợp với lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước. Đây là đánh giá chung rất quan trọng. Thứ hai, hai bên khẳng định sẽ tiếp tục làm sâu sắc quan hệ song phương và nâng lên một tầm mới. Chắc chắn chuyến thăm lần này cũng phải nhằm vào điều đó. Hai bên cũng sẽ nhấn mạnh những nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hợp tác, trong đó có nguyên tắc tôn trọng thể chế chính trị, tạo cơ sở để hai nước có trình độ phát triển kinh tế khác nhau, khác biệt về lịch sử, văn hóa và chế độ chính trị xã hội tiếp tục tăng cường hợp tác song phương hơn nữa.

Và cuối cùng, hai bên nhất trí rằng không gian cho hợp tác trong những lĩnh vực hiện nay vẫn còn dư địa để phát triển hơn nữa, đồng thời đề ra một số lĩnh vực mà Việt Nam và Mỹ cần tập trung trong thời gian tới. Đó là hợp tác kinh tế, khoa học công nghệ, đầu tư và giáo dục. Hai bên cũng sẽ nhấn mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và đào tạo nguồn nhân lực cho hợp tác kinh tế.

Trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 7, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen nói rất nhiều đến tính bền vững của các chuỗi cung ứng, cũng như tăng cường chuyển đổi xanh, dựa trên sáng tạo về công nghệ. Thông báo của Nhà Trắng về chuyến thăm của Tổng thống Biden cũng nói rõ rằng chuyến thăm lần này sẽ nhằm tăng cường hợp tác hơn nữa với Việt Nam để hỗ trợ Việt Nam phát triển kinh tế dựa vào công nghệ sáng tạo, qua đó thúc đẩy hợp tác song phương trong lĩnh vực này.

Trên đà đó, tôi nghĩ trong chuyến thăm lần này, hai bên chắc chắn hai bên sẽ bàn bạc và tính toán chuyện nâng cấp quan hệ sao cho phù hợp, thể hiện được cả tính chiến lược và tính toàn diện trong hợp tác giữa hai nước.

Trọng tâm kinh tế

Trước Tổng thống Joe Biden, các nhóm nghị sĩ, Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đã thăm Việt Nam trong năm nay. Dựa trên những chuyến thăm đó, theo ông, còn những trọng tâm nào sẽ được nhấn mạnh khi Việt Nam đón Tổng thống Biden lần này?

Tất cả xuất phát từ những nội dung lãnh đạo hai bên đã nhất trí khi điện đàm với nhau. Có nhiều chuyến thăm để triển khai những nội dung đó, bao gồm của Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Tài chính Yellen, một đoàn gồm hơn 50 doanh nghiệp Mỹ. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã trao đổi với những doanh nghiệp Mỹ ở đây. Năm nay kỷ niệm 10 năm Đối tác toàn diện, hai bên sẽ nhấn mạnh đà quan hệ này, làm sao làm cho nó tốt hơn. Kinh tế sẽ là một trong những trọng tâm hợp tác. Những lĩnh vực hợp tác mới chắc chắn sẽ là câu chuyện hai bên nhấn mạnh hơn, trong đó có vấn đề chuyển đổi số, thúc đẩy hợp tác về công nghệ sáng tạo, chuyển đổi xanh, bao gồm những cam kết về thích ứng với biến đổi khí hậu, đi cùng là sử dụng năng lượng xanh, kinh tế xanh, hạ tầng xanh… Hai bên đều có tiềm năng trong những lĩnh vực đó để hợp tác hơn nữa.

Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp thăm Việt Nam: Định hướng cho chặng đường tiếp theo ảnh 2
Công nghệ xử lý bảo quản quả bưởi tươi trong 90 ngày giúp trái cây Việt Nam được xuất khẩu rất mạnh sang Mỹ bằng đường biển. Ảnh: Mạnh Hưng

Một trọng tâm nữa là tính bền vững của chuỗi cung ứng. Trong thời gian qua nổi lên câu chuyện về đứt gãy chuỗi cung ứng, vì dịch bệnh, xung đột ở Ukraine và cạnh tranh nước lớn. Rõ ràng Việt Nam là một mắt xích quan trọng để đảm bảo các chuỗi cung ứng có sức chống chịu tốt.

Qua chuyến thăm của bà Yellen, những câu chuyện mà hai bên trao đổi với nhau và thông báo của Nhà Trắng, tôi nghĩ trong sự dịch chuyển chuỗi cung ứng, câu chuyện hợp tác công nghệ sẽ là rất quan trọng. Cơ hội rất nhiều, khả năng và đà hợp tác hai bên còn rất lớn. Việc triển khai thực hiện trong thời gian tới là rất quan trọng. Với Việt Nam, để có thể tranh thủ được luồng tài chính và đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và sạch, bao gồm khoa học công nghệ liên quan, điều mà Chính phủ ta đang làm tập trung vào 3 khía cạnh: cải thiện khung chính sách cho phù hợp hơn, nâng cao hơn nữa hạ tầng và nguồn nhân lực. Nếu cùng đồng thuận thực hiện sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác giữa hai nước.

Cảm ơn ông.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 10-11/9, Bộ Ngoại giao thông báo hôm qua.

Tin liên quan