TPBank bước vào “sân chơi” cung cấp tài chính thuê và mua máy bay

Ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank VietJet phát biểu tại buổi lễ
Ông Nguyễn Hưng – Tổng giám đốc TPBank VietJet phát biểu tại buổi lễ
Ngày 18/9/2014, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Công ty Cổ phần Hàng không VietJet (VietJet) ký kết hợp đồng tín dụng, theo đó TPBank tài trợ để VJA đặt cọc mua 2 máy bay Airbus A320 từ hãng Airbus với số tiền tài trợ ban đầu là 21 triệu USD.

Như vậy, TPBank đã trở thành ngân hàng thương mại đầu tiên tại Việt Nam triển khai hoạt động tín dụng với hãng hàng không để phát triển đội bay theo hình thức bán và thuê lại, hình thức phát triển đội bay phổ biến nhất trong ngành vận tải hàng không quốc tế.

Được biết, 2 chiếc Airbus A320 mà VJA mua lần này là 2 chiếc máy bay đầu tiên thuộc hợp đồng khung mua, thuê 100 chiếc máy bay trị giá trên 9 tỷ đô la Mỹ mà VJA đã ký với hãng Airbus năm 2013. Hai chiếc máy bay đầu tiên này dự kiến về Việt Nam vào tháng 11 và tháng 12-2014.

Bán và thuê lại máy bay là một hoạt động tài chính hấp dẫn, thực hiện theo các thông lệ quốc tế, minh bạch, thanh khoản toàn cầu và có tính phổ biến cao. Trước đó, một số tổ chức tín dụng nước ngoài như GECAS (Công ty tài chính hàng không thuộc tập đoàn GE – Mỹ), Ngân hàng BNP Paribas – một trong những Ngân hàng hàng đầu thế giới trong lĩnh vực tài chính hàng không, Jackson Square (Thuộc tập đoàn Misubishi UFJ – Nhật) cũng đã ký kết một số hợp đồng, thỏa thuận nguyên tắc liên quan đến việc cung cấp tài chính thuê và mua máy bay với VietJet.

Trong bối cảnh cạnh tranh hiện tại, các tổ chức tài chính luôn tìm những hướng đi mới – trong đó có lĩnh vực tài chính hàng không. Đây là thị trường tương đối hẹp với các định chế hàng đầu thế giới nên để tham gia vào sân chơi này, đòi hỏi ngân hàng phải có đội ngũ chuyên môn sâu trong lĩnh vực tài chính hàng không, có hiểu biết sâu về luật quốc tế cũng như các thông lệ thị trường trong các giao dịch tài chính hàng không, được các định chế tài chính và tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu trên thế giới chấp thuận.

Đón đầu xu hướng, đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu khắt khe của phương thức tín dụng hàng không quốc tế này, TPBank đã sớm triển khai cung cấp tín dụng mua bán và thuê máy bay với VietJet và tiếp tục đẩy mạnh khai thác thị trường tín dụng nhiều tiềm năng này. Không chỉ hợp tác trong việc cho vay mua và thuê máy bay, TPBank còn tài trợ vốn lưu động cho VJA và hai bên còn tiếp tục mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, khai thác tối đa tiềm năng và thế mạnh của hai bên.

TPBank bước vào “sân chơi” cung cấp tài chính thuê và mua máy bay ảnh 1

Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) và Cty Cổ phần Hàng không VietJet tại lễ ký

Với tiềm lực và khả năng của mình, TPBank luôn nỗ lực mang lại các giải pháp, sản phẩm tài chính ngân hàng đơn giản và hiệu quả nhất cho khách hàng dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến và trình độ quản lý chuyên sâu. Ngay sau khi thành lập, TPBank đã được Bureau Veritas cấp chứng chỉ ISO 9001: 2000 cho toàn bộ hoạt động, sản phẩm, dịch vụ của mình.

Với hạ tầng công nghệ tiên tiến, bảo mật theo tiêu chuẩn quốc tế, TPBank luôn sáng tạo, đột phá trong những lĩnh vực được coi là mũi nhọn như: kinh doanh vàng, tài trợ các doanh nghiệp công nghệ cao, phục vụ lĩnh vực công nghiệp phụ trợ và phát triển dịch vụ ngân hàng điện tử và khách hàng ưu tiên... sẵn sàng và vững vàng “tiên phong” trong mọi lĩnh vực xứng đáng với tuyên ngôn thương hiệu “Vì chúng tôi hiểu bạn”của mình.

Thành lập từ năm 2008, Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) là ngân hàng trẻ và năng động, được kế thừa những thế mạnh về công nghệ hiện đại, kinh nghiệm thị trường cùng tiềm lực tài chính của các cổ đông chiến lược bao gồm: Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI, công ty Cổ phần FPT, công ty Thông tin di động VMS (MobiFone), Tổng công ty tái bảo hiểm Việt Nam Vinare và Tập đoàn tài chính SBI Ven Holding Pte. Ltd Singapore.

MỚI - NÓNG
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
Độc lạ 'bến đèn pin' buôn bán hải sản sớm tinh mơ
TPO - Khoảng 4h kém, khi mặt trời còn chưa lên, những chiếc thuyền thúng của ngư dân làng chài An Hải, Thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên nhẹ nhàng vượt sóng vận chuyển cá, mực… từ ghe đưa vào bờ. Mỗi người đều đội trên đầu một chiếc đèn pin soi sáng để phân chia từng loại hải sản. Bến cá không quá đông đúc do người mua bán chủ yếu là các hộ dân sinh sống nơi đây và một số thương lái đến thu mua hải sản để phân phối lại cho các nhà hàng.