'TPHCM đừng để địa giới hành chính ràng buộc mình'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Công ty tập đoàn ô tô Trường Hải - đề nghị TPHCM nên tư duy phát triển công nghiệp không chỉ cho bản thân thành phố mà cần cho cả miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Ngày 26/4, tại TPHCM, Sở Công Thương phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TPHCM năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Mở rộng tư duy

Trao đổi tại hội thảo, ThS. Nguyễn Mạnh Linh - Viện Nghiên cứu Chiến lược, chính sách công thương, Bộ Công Thương - nhận diện một số vấn đề trong phát triển công nghiệp TPHCM. Đó là tốc độ tăng trưởng thấp, tỷ trọng công nghiệp giảm; môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh gắn với các chỉ số cải cách hành chính liên tục giảm; cơ cấu ngành công nghiệp với tỷ trọng công nghiệp công nghệ thấp vẫn ở mức cao; phân bố không gian công nghiệp lạc hậu; liên kết trong phát triển công nghiệp còn mờ nhạt.

'TPHCM đừng để địa giới hành chính ràng buộc mình' ảnh 1

Các chuyên gia trong nước và quốc tế trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Ngô Tùng.

Ông Linh cho rằng, thành phố cần tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chất lượng và hiệu quả cơ chế, chính sách phát triển công nghiệp; tái cơ cấu ngành công nghiệp (chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển công nghiệp trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; đổi mới, nâng cấp không gian phát triển công nghiệp); tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, nâng cấp công nghệ và xanh hóa hoạt động sản xuất công nghiệp; tăng cường hoạt động và phát triển hạ tầng nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.

PGS.TS Lại Quốc Đạt - Trường Đại học Bách khoa TPHCM - cho rằng, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế chung của sản xuất công nghiệp thế giới nhằm bảo toàn nguồn tài nguyên thiên nhiên trái đất. Với điều kiện, vị trí địa lý TPHCM hiện tại, giai đoạn này thành phố nên đầu tư các giải pháp công nghệ để chuyển giao cho các địa phương, vùng nguyên liệu và hạn chế công nghiệp giết mổ, chế biến, đồng thời đầu tư thị trường xuất khẩu...

Ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc Công ty tập đoàn ô tô Trường Hải - đề nghị TPHCM nên tư duy phát triển công nghiệp không chỉ cho bản thân thành phố mà cần cho cả miền Nam và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Ông Tài cho rằng cần hình thành trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp để có thể hỗ trợ, chia sẻ với doanh nghiệp. Mặt khác, thành phố cũng đừng để địa giới hành chính ràng buộc mình, đồng thời Trung ương sẽ phải vào cuộc để thay đổi, đề ra chiến lược ngắn hạn, trung hạn, dài hạn.

Tận dụng "vành đai kinh tế" hạ tầng trọng điểm

'TPHCM đừng để địa giới hành chính ràng buộc mình' ảnh 2

Ông Bùi Đào Thái Trường.

Ông Bùi Đào Thái Trường - Tổng Giám đốc Roland Berger tại Việt Nam - nhìn nhận TPHCM có vị trí chiến lược để kết nối hạ tầng cả nước và khu vực gắn với các dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia đang được xây dựng.

“Thành phố cần tận dụng “vành đai kinh tế” này, ngoài ra cũng lưu ý lựa chọn các ngành công nghiệp phù hợp”, ông Trường đề nghị.

Cạnh đó, trong bối cảnh liên kết vùng, TPHCM sẽ phải thúc đẩy hiện thực hóa tầm nhìn 2050 của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam với hệ sinh thái đô thị - dịch vụ - công nghiệp hiện đại đáng sống và bền vững.

Cũng theo ông Trường, trong chu kỳ tăng trưởng mới, TPHCM cần nắm bắt các xu hướng sản xuất công nghiệp toàn cầu, lựa chọn các ngành công nghiệp mới phù hợp xu thế đồng thời tận dụng được nền tảng sẵn có: phát triển bền vững; sử dụng quy trình công nghệ mang tính đột phá; bản sắc hóa, nội địa hóa sản phẩm; số hóa và tích hợp quy trình; cá nhân hóa sản phẩm; cơ sở sản xuất có vị trí địa chính trị chiến lược.

'TPHCM đừng để địa giới hành chính ràng buộc mình' ảnh 3

Đại biểu trao đổi bên lề hội thảo.

Ông Stephen Higgins, Giám đốc điều hành thị trường và đầu tư, Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng hãy nhìn nhận Việt Nam là một trong những thị trường trung chuyển chính trong hệ thống vận tải hàng hải toàn cầu. Trong đó, TPHCM nên phát triển mạnh hơn nữa về cảng biển, đóng góp mạnh mẽ cho tăng trưởng... “Để mở khóa tiềm năng kinh tế cho Việt Nam, cần tập trung cơ sở hạ tầng, giúp các chuỗi cung ứng toàn cầu tập trung tại Việt Nam; xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đảm bảo cơ sở dữ liệu để nắm bắt tránh được bẫy thu nhập trung bình...”, ông Higgins góp ý.

Bắt kịp xu thế phát triển mới

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan thừa nhận dù công nghiệp thành phố luôn có những đổi mới, tiếp cận sự phát triển trong suốt 50 năm qua, nhưng đến thời điểm hiện nay, công nghiệp thành phố đang nằm trong nền công nghiệp có công nghệ lạc hậu, sử dụng nhiều tài nguyên, thâm dụng lao động, giá trị gia tăng thấp...

Theo ông Hoan, những biểu hiện này không chỉ xuất hiện trong từng cơ sở sản xuất của tư nhân mà còn biểu hiện ở cả những doanh nghiệp lớn đang sản xuất tập trung ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

“Do đó cần có sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy, hành động của tất cả chúng ta, từ cán bộ lãnh đạo ở tất cả các cấp, các ngành trong cộng đồng doanh nghiệp và trong mỗi người dân thành phố. Người tiêu dùng, nhà sản xuất cũng cần thay đổi tư duy và hành động của chính mình để chúng ta cùng trở bộ, bắt kịp với xu thế phát triển mới”, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG