TPHCM lo ngại tai nạn đuối nước từ các chuyến đò ngang

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trên địa bàn TPHCM đang tồn tại nhiều chuyến đò ngang qua sông mỗi năm vận chuyển khoảng 3 triệu lượt khách. Đại diện Sở Giao thông vận tải TPHCM cho biết, loại hình giao thông đường sông này đang tiềm ẩn nguy cơ tai nạn vì nhiều hành khách không chịu mang áo phao.

Tại buổi họp báo thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội và công tác phòng, chống dịch trên địa bàn TPHCM chiều 9/2, ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết, hiện trên địa bàn thành phố có 22 bến đò ngang đang hoạt động, mỗi năm đưa rước khoảng 3 triệu lượt khách. Những năm qua, công tác đảm bảo an toàn giao thông tại các bến đò ngang diễn ra ổn định, không xảy ra tai nạn.

Tuy nhiên, từ vụ tai nạn lật đò dẫn đến trường hợp chết đuối đáng tiếc xảy ra ở tỉnh Đồng Nai vào cuối năm 2022, ông Hòa An bày tỏ sự lo ngại về sự an toàn cho người qua đò tại TPHCM.

Ông An cho biết, hiện nay người đi đò tại các bến đò trên địa bàn thành phố không tuân theo quy định, nhất là không chịu mặc áo phao để đảm bảo an toàn giao thông.

TPHCM lo ngại tai nạn đuối nước từ các chuyến đò ngang ảnh 1

Hành khách qua sông không mặc áo phao là tình trạng đang diễn ra phổ biến ở TPHCM

“Mặc dù chúng tôi đã tuyên truyền, quy định và kiểm tra xử lý rất nhiều, nhưng vẫn còn tình trạng khách đi đò rất ít khi mặc áo phao. Trên đò có trang bị đầy đủ áo phao; chủ đò, tài công, người phụ nhắc nhở nhưng nhiều khách vẫn chưa tuân thủ. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro trong trường hợp xảy ra tai nạn trên sông” – ông Hòa An nói.

Bên cạnh đó, đại diện Sở Giao thông cho biết việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm cũng không liên tục. Để chấn chỉnh tình trạng trên Sở Giao thông Vận tải đang đề nghị UBND TPHCM bổ sung Quyết định 27 giúp các địa phương cấp phường, xã – nơi có bến đò ngang chủ động phối hợp, hỗ trợ trong việc đảm bảo an toàn giao thông đường thủy.

TPHCM đầu tư đường trên cao ra sao?

Liên quan đến tình hình giao thông trên địa bàn thành phố, phóng viên đặt vấn đề về cơ sở đề xuất áp dụng hình thức BOT để nâng cấp, mở rộng một số tuyến đường cũ trên địa bàn, ông An cho biết: Hiện các tuyến đường bộ ở thành phố, trong đó các tuyến đường chính đô thị, các tuyến đường kết nối với Quốc lộ đi qua, đã được đầu tư và đang khai thác. Tuy nhiên, ông An nói quy mô hiện hữu chưa đáp ứng được nhu cầu lưu thông, chưa được mở rộng theo lộ giới quy hoạch.

Theo ông An, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được phê duyệt và điều chỉnh tại quy hoạch 568, trong đó các tuyến đường trên cao có 5 tuyến, và dự kiến sẽ được đầu tư trên cơ sở của các tuyến đường hiện hữu.

“Khi đầu tư đường trên cao buộc phải mở rộng các tuyến đường hiện hữu theo lộ giới quy hoạch. Như vậy, cơ sở đề xuất áp dụng hình thức BOT với hệ thống đường bộ hiện hữu, trong đó tập trung các tuyến đường chính đô thị, kết nối vùng với Quốc lộ đi qua TPHCM như Quốc lộ 1A, Quốc lộ 13, Quốc lộ 22 với quy mô mở rộng theo lộ giới quy hoạch, đầu tư đường trên cao thông qua hình thức BOT, là rất cần thiết” - ông Hòa An nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG