Nếu bạn có duyên ghé qua trường THCS Lê Quý Đôn (Q.3, TPHCM) vào đúng tiết học của các bạn học sinh lớp Bảy tại phòng thực hành sẽ gặp bước đi tiên phong của học sinh trường này trong nền giáo dục theo định hướng STEAM.
Bốn bạn học sinh được lập thành một nhóm và mỗi nhóm đều được trang bị những chiếc máy cưa gỗ, máy khoan ốc vít, 4 cặp kính VR (kính làm theo công nghệ thực tế ảo), máy in la-ze và 4 cặp kính bảo hộ. Mỗi bạn khoác trên mình cái áo "bờ-lu" trắng trông rất ra dáng những “nhà khoa học” trẻ tuổi đang chuẩn bị chế tạo ra những sản phẩm mang tính đột phá.
Toàn cảnh một tiết học theo chủ đề STEAM khi tụi tớ “dự giờ” chính là: Trải nghiệm sáng tạo cùng ánh sáng dưới sự hướng dẫn của thầy giáo dạy môn Vật Lý Hồ Nguyên Phúc.
Tuy nhiên, lớp học không chỉ đơn thuần theo chuyên đề vật lý mà còn có sự kết hợp của kiến thức môn học khác như toán học, công nghệ và mỹ thuật. Bởi STEAM chính là một mô hình tập trung đào tạo học sinh theo nhiều lĩnh vực bao gồm: Khoa học - Science, Công nghệ - Technology, Kỹ thuật - Engineering, Nghệ thuật - Arts và Toán học - Mathematics nhằm thúc đẩy sự đổi mới và sáng tạo trong học tập.
Ngoài phòng STEAM thực hành này ra, trường còn cho xây dựng phòng STEAM VR, STEAM sử dụng hoàn toàn Ipad và nhà kính Vườn sinh vật 4.0, trồng rau sạch và quản lý vườn sinh vật bằng phần mềm theo định hướng Internet of things.
Thầy Vũ, trưởng bộ môn vật lý của THCS Lê Quý Đôn chia sẻ về sự hứng thú của thầy cô giáo và học sinh từ khi có phòng STEAM: “Trước kia mỗi lần dạy mà muốn làm sản phẩm là giao về cho các em làm và ở nhà thì có phụ huynh giúp đỡ để làm sản phẩm.
Từ khi có phòng STEAM các em có thể thực hiện ý tưởng của mình tại trường dưới sự hướng dẫn của thầy cô. Qua cái việc tạo ra sản phẩm, các em sẽ được tiếp xúc và có một số các kĩ năng sử dụng các thiết bị trong công nghệ và ứng dụng các môn học vào trong sản phẩm của mình.”
Tiết học bắt đầu bằng hoạt động “Em làm khán giả": cả lớp được xem một đoạn phim ngắn để tự quan sát và học hỏi những kỹ thuật trong video sử dụng. Sau đó, mỗi bạn được “ngắm” hiện tượng Nhật thực và Nguyệt thực trong tự nhiên qua cặp kính VR.
Tuy ngồi trong phòng nhưng bạn nào bạn nấy cũng không khỏi “bồn chồn" quay qua quay lại, miệng mỉm cười to trong lúc la lên “tui thấy 12 chòm sao kìa", “chói quá" rồi có bạn còn lên tiếng hỏi thầy giáo “Việt Nam đâu ạ?”.
Ngay khi thầy giáo vừa giao nhiệm vụ “bất khả thi" làm đèn từ giai đoạn lắp mạch điện rồi lắp bóng đèn rồi làm giấy bóng trang trí xung quanh cái đèn, tôi đã vô cùng ngạc nhiên trước sự nhanh nhẹn và tháo vát của các bạn. Ai nấy trong nhóm cũng đều được phân chia nhiệm vụ một cách rõ ràng và mạch lạc.
Bạn Ngọc Lan, học lớp 7/1 THCS Lê Quý Đôn, trên tay đang cầm máy khoan ốc vít kêu những tiếng kêu rất to trong khi bạn đang cố định cái bóng đèn vào bảng điện mà bạn chẳng sợ chút nào: “Công đoạn của tụi em làm rất nhiều và công phu: đầu tiên là cắt các miếng bìa màu trắng làm mô hình và cái khung rồi cắt các tấm bìa trong để dán lên. Nhóm em phải in la-ze các nhân vật rồi dán lên khung và lắp mạch điện nữa".
Tớ hỏi bạn có sợ không thì bạn lắc đầu: “Các thiết bị cưa gỗ nhìn nó nguy hiểm vậy thôi nhưng đã xài quen rồi thì nó không nguy hiểm cho lắm”.
Thầy Phạm Đăng Khoa, hiệu trưởng của trường THCS Lê Quý Đôn chia sẻ lí do chọn đem mô hình STEAM này đến với các bạn học sinh: “Tất cả là để tạo ra một môi trường thân thiện, vui vẻ và mỗi ngày đến trường là một ngày vui cho học sinh. Mình có thể thấy được cái ánh mắt rất là hứng thú, rất là hào hứng khi học sinh tự tạo ra được một cái sản phẩm, đó là hạnh phúc. Chính cái niềm hạnh phúc đó truyền tải hạnh phúc ngược lại với thầy cô và Ban Giám Hiệu nhà trường.”
Ngoài ra, thầy còn nói thêm về lợi ích áp dụng hệ thống giáo dục mới này vào học tập: “Đối với hệ thống STEAM, các em sẽ tự tạo cho mình một sản phẩm cụ thể và các em hiểu được cái cách vận hành của các môn khoa học đó (hơn là chỉ học lý thuyết). Nhà trường đẩy mạnh việc giáo dục kĩ năng sống cho học sinh, kĩ năng học tập, kĩ năng làm việc nhóm, thuyết trình, tìm hiểu thông tin trên mạng và các em có thể tự định hướng nghề nghiệp cho bản thân. Các em sẽ biết được mình mạnh ở chỗ nào, yếu chỗ nào, mình có thích ngành công nghệ này hay không và từ đó có bước đi định hướng tương lai cho mình.”