Thiết kế tương lai của chính mình
Ngay sau khi xuất hiện trong chương trình Người ấy là ai, cái tên Trần Nghĩa nhanh chóng trở thành từ khóa được nhiều người tìm kiếm bởi vẻ ngoài sáng cùng profile “chất như nước cất” với Instagram hơn 12.000 lượt người theo dõi.
Câu chuyện về hành trình come-out truyền cảm hứng trong chương trình của Trần Nghĩa. |
Bên cạnh việc làm giảng viên thiết kế đồ họa thì Trần Nghĩa còn được biết đến với vai trò giám đốc sáng tạo của không ít dự án đình đám. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, để xây dựng cho mình một vị trí trong mơ như hiện nay, chàng trai sinh năm 1993 này đã phải vượt qua một hành trình rất dài, phá vỡ giới hạn của bản thân để tạo nên phiên bản tốt nhất của chính mình.
Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả, Trần Nghĩa sớm nhận thức được hoàn cảnh gia đình và luốn cố gắng để vươn lên. Trở thành sinh viên của Học viện Âm nhạc Huế, Trần Nghĩa được không ít thầy cô trong trường kỳ vọng sẽ trở thành nhân tố mới của nền âm nhạc. Ấy nhưng, chính lúc này, Trần Nghĩa nhận ra bản thân mình lại có một niềm đam mê lớn với Design & Marketing (thiết kế & truyền thông đa phương tiện), tuy nhiên, chàng trai xứ Huế này cũng chỉ dám tự tìm tòi và mày mò học chứ không dám tìm đến những trung tâm chuyên nghiệp để học vì không muốn bố mẹ phải thêm gánh nặng tài chính vì mình.
Bước ngoặt lớn nhất của Trần Nghĩa làm thay đổi cả cuộc đời anh khi dám liều mình tham gia một cuộc thi về TVC Create. Không ngờ, một cậu nhóc tay ngang, “chân ướt chân ráo” ngày ấy đã xuất sắc ẵm trọn giải Vàng của cuộc thi đó và nhận học bổng toàn phần của một trung tâm đào tạo Thiết kế đồ họa nổi tiếng nhất nhì lúc đó. Đứng trước một quyết định lớn của cuộc đời là ở lại Huế rồi trở thành một nghệ sĩ, hay vào Sài Gòn để bắt đầu một hành trình mà chưa biết sẽ đi đến đâu, cuối cùng, niềm đam mê đã thôi thúc để anh chàng từ bỏ âm nhạc để bước chân ra khỏi vùng an toàn, chính thức một chặng đường mới với nhiều cảm xúc lẫn lộn.
Trần Nghĩa là gương mặt designer có tiếng, được nhiều nhãn hàng tin tưởng. |
Bước chân vào Sài Gòn với chỉ một ít tiền tiết kiệm, không người quen và rất nhiều sự bỡ ngỡ, Trần Nghĩa đã nhanh chóng chứng tỏ bản lĩnh của khi không chỉ thích nghi nhanh chóng với môi trường mới mà còn tạo nên nhiều tiếng vang trong ngành học thời điểm đó.
Anh chàng được nhiều công ty lớn “chọn mặt gửi vàng” ở vị trí Senior Designer (nhà thiết kế cấp cao, trưởng bộ phận thiết kế). Nhưng cơ hội nghề nghiệp rộng mở nhất khi Trần Nghĩa đầu quân về tạp chí Harper’s Bazzar, với vai trò Artist. Từ đây, Trần Nghĩa được gặp gỡ và làm việc với nhiều khách hàng lớn, thương hiệu có uy tín trong và ngoài nước. Là người có gu thẩm mỹ tốt và không ngừng sáng tạo, Trần Nghĩa đã tạo dựng được thương hiệu của mình và trở thành Brand Manager đẩy mạnh thương hiệu cho rất nhiều nhãn hàng có tiếng tại TP. HCM. Với khối công việc lớn, Trần Nghĩa cho rằng nếu cứ cố gắng “chân trong chân ngoài” như vậy sẽ không đạt được hiệu quả tốt nhất nên anh chàng đã xin nghỉ công việc văn phòng để bắt đầu một hành trình mới của mình.
Từ những vốn liếng kinh nghiệm và những mối quan hệ đã xây dựng được, Trần Nghĩa không mất quá nhiều thời gian để khẳng định mình ở vị trí Giảng viên đồ họa. Đồng thời, cũng là nhà tư vấn chiến lược được nhiều khách hàng lựa chọn để hỗ trợ branding (xây dựng thương hiệu). Từ bỏ những vị trí an toàn để thử thách mình trong những hành trình gian nan nhiều khi Trần Nghĩa bị mọi người nói là “khùng”. Nhưng với anh, sáng tạo là không có giới hạn và chỉ khi để bản thân vào những thử thách thì mới bộc lộ được hết khả năng. “Tôi không chọn an nhàn mà muốn dấn thân nhiều hơn để có những trải nghiệm. Đó cũng là thứ quý giá nhất mà tôi có thể tích lũy trong hành trình tuổi trẻ của bản thân mình, để mỗi khi chinh phục được một đỉnh cao mới, tôi lại tự tin rằng mình đã sẵn sàng cho chặng mới của cuộc đời”, Trần Nghĩa chia sẻ.
Phố Chè cùng giấc mơ bay ra thế giới
Trở thành Founder (nhà sáng lập) của Phố Chè là điều chưa bao giờ nằm trong kế hoạch của Trần Nghĩa. Khi nhận dự án này, Trần Nghĩa nghĩ đơn giản đó chỉ là công việc branding bình thường như mình vẫn nhận và làm như mọi khi. Thế nhưng, khi bắt tay vào tìm hiểu để nghĩ hướng đi cho thương hiệu này, chàng trai cực phẩm này không biết từ bao giờ đã bị cuốn hút vào những câu chuyện của ẩm thực và những câu chuyện mà mỗi món chè mang đến.
Anh chính thức trở thành Founder của Phố Chè, và bắt tay đặt những viên gạch đầu tiên với ý tưởng là xây dựng một không gian mà các thực khách có thể đến và thưởng thức các hương vị chè đặc trưng trải dài từ Bắc vào Nam.
Trần Nghĩa chia sẻ: “Có rất nhiều người nước ngoài sau khi thưởng thức xong đã bày tỏ sự phấn khích với món ăn này của nước mình. Họ gọi đây là món ăn đặc sản tuyệt vời nhất mà họ được nếm khi đến Việt Nam. Chính điều đó khiến tôi nghĩ rằng, tại sao không nỗ lực hơn nữa để mang được món ăn tinh túy của quê hương đến rộng hơn với bạn bè quốc tế”. Đặc biệt hơn, những hương liệu Việt, những thức chè ba miền mang đậm dấu ấn riêng biệt hay các loại chè tiến vua với giá trị hàng trăm năm lịch sử được anh lựa chọn để nâng tầm giá trị và quảng bá rộng rãi đến thực khách trong, ngoài nước.
Từ cơ sở ban đầu, chỉ sau 6 tháng, Trần Nghĩa đã có được 6 cơ sở Phố Chè trên khắp cả nước và tạo được hiệu ứng khá tích cực đối tác cũng như khách hàng. Và trong thời gian tới, Trần Nghĩa sẽ cố gắng để mở rộng hơn mô hình trong nước cũng như đặt những nền móng đầu tiên cho thương hiệu chè nấu của người Việt tại nước ngoài.
Trần Nghĩa ấp ủ giấc mơ mang món chè Việt nâng tầm thế giới. |
“Chè là món ăn truyền thống của người Việt, không chỉ ăn chơi mà còn tiêu độc và giải nhiệt. Không chỉ mang đến những món chè kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, tôi cũng mong muốn mang đến những câu chuyện mà món chè mang đến trong không gian của Phố Chè. Không chỉ là nhâm nhi một ly chè ngon, chúng tôi còn muốn khơi gợi những giá trị văn hóa và mang đến nhiều hơn một món ăn vốn đã trở thành niềm tự hào của dân tộc”, Trần Nghĩa chia sẻ.