Chương trình mở ra cơ hội cho thanh niên nông thôn phát huy tiềm năng kinh tế địa phương, nâng tầm thương hiệu Việt và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Song hành cùng tài năng trẻ Việt Nam
Xuất phát từ mục tiêu phát triển tài năng trẻ Việt Nam nhằm tạo ra lực lượng tài năng trẻ kế thừa góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế xã hội và mang lại sự phồn vinh cho đất nước và con người Việt Nam, năm 2022, T.Ư Đoàn thực hiện các hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh cho các thanh niên làm kinh tế giỏi được trao giải thưởng Lương Định Của hằng năm, đồng thời tổ chức các chương trình tập huấn, cố vấn, kết nối và phát triển mạng lưới kinh doanh cho các nhóm thanh niên làm kinh tế tại các vùng nông thôn.
Những gương mặt thanh niên làm kinh tế giỏi tham dự buổi tập huấn. |
Chuỗi chương trình tập huấn và kết nối mạng lưới kinh doanh được diễn ra tại tỉnh Lào Cai, Quảng Ngãi và Lâm Đồng với các chủ đề trọng tâm như “Sức mạnh của đổi mới sáng tạo”, “Câu chuyện thương hiệu – Hãy tạo sự khác biệt” và “Kỹ năng xây dựng đề án và thuyết trình”. Chương trình còn có sự tham gia đồng hành của chuyên viên đến từ VCCI và đã thu hút trên 220 doanh nghiệp trẻ và thanh niên làm kinh tế đăng ký tham gia.
Phát huy sức mạnh nội tại
Ở mỗi chương trình, các chuyên gia trong lĩnh vực quản lý kinh doanh, kinh tế, kỹ thuật nông nghiệp đã cùng nhau trao đổi, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các bạn thanh niên nông thôn phương pháp lập đề án hiệu quả, thuyết trình thuyết phục và tiếp cận bằng lối tư duy, sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh thương hiệu và khẳng định vị thế thương hiệu bằng những cách độc đáo và thuyết phục nhất.
Từ Đồng Nai, chị Bùi Thủy ấp ủ ý tưởng tận dụng quả bưởi non tại địa phương để sản xuất xà phòng và dầu gội đầu. “Tham gia khóa tập huấn lần này, tôi mong muốn sẽ được học hỏi thêm từ nhiều chuyên gia và các bạn khởi nghiệp, đồng thời học được kỹ năng thuyết trình tốt hơn để có thể chia sẻ giá trị sản phẩm khởi nghiệp của mình, tiếp tục tạo dựng giá trị nông sản của địa phương”, chị Thủy bày tỏ.
Chị Nguyễn Hoàng Anh (Founder & CEO Hoàng Anh Đà Lạt, giám đốc Công ty Cổ phần Hana Group) đã tìm thấy chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp, giáo dục bền vững ở vùng đất đầy tài nguyên Đà Lạt (Lâm Đồng) dựa trên yếu tố văn hóa và tài nguyên bản địa, xây dựng thương hiệu sản phẩm xanh, sạch vì sức khỏe cộng đồng và “kể” câu chuyện thông qua sự khác biệt, đặc sắc của sản phẩm để người dùng dùng thử và trải nghiệm sự khác biệt.
Các chuyên gia tham gia hỗ trợ tại buổi tập huấn. |
Từ miền núi cao Tây Bắc đời sống bà con còn gặp rất nhiều khó khăn, những người trẻ đã tìm ra hướng đi mới để phát huy tài nguyên bản địa, giữ gìn độc đáo bản sắc văn hóa dân tộc, mở ra lối đi mới giúp đồng bào phát triển kinh tế. Từ Sa Pa (Lào Cai), chị Chảo Lao Tả cùng thanh niên địa phương đã phát huy được thế mạnh bài thuốc lá tắm của đồng bào Dao đỏ lưu truyền bao đời nay.
Doanh nhân trẻ Nguyễn Thị Mến, thương hiệu DalaVi, chia sẻ: “Vốn xuất thân từ gia đình làm nông, tôi rất thấu hiểu những khó khăn vất vả và sự thiệt thòi của người nông dân. Khi bắt tay vào làm kinh tế, tôi mang theo mình một khát khao đem lại cuộc sống tốt hơn cho gia đình và tạo sinh kế để giúp đỡ những người yếu thế. Vì thế, tôi tập trung phát triển các sản phẩm địa phương và tôi rất muốn xây dựng thật tốt hình ảnh thương hiệu với các sản phẩm đặc trưng của Đà Lạt để nhiều hơn biết đến và ủng hộ sản phẩm của Đà Lạt”.