Trăng khuyết

Minh họa: Thanh minh
Minh họa: Thanh minh
TP - Hắn ngồi thế, ngày nào cũng vậy, tay cầm con rựa mài sáng loáng, chẻ lạt, chuốt nan, đan rổ, rá. Tre cũng chẳng còn nhiều, bom đạn cày hết, chặt được cây tre bánh tẻ để đan không phải dễ. Vậy mà hễ đan được cái nào, hàng xóm thích, hắn cho luôn. Họa hoằn còn vài chiếc vợ hắn đem ra chợ bán thêm chút tiền.

Mà lúc nông nhàn vậy thôi, chứ vào vụ, mấy công đất, hai vợ chồng đầu tắt mặt tối không hết việc. Chiến tranh hay hòa bình cũng thế thôi, vẫn phải sống, phải gieo trồng gặt hái. Trừ lúc ác liệt quá thì đành chịu chứ hơi yên một chút là sự sống lại nảy nở như thường.

Ngồi đan, chăm chút từng thanh nan, hắn vẫn đưa cặp mắt sắc chẳng kém gì lưỡi dao đang cầm tay canh chừng mấy lính Giải Phóng đang đóng quân nhờ nhà hắn đã mấy tháng ni. Không canh chừng răng được.

Con Sen nhà hắn 16 tuổi rồi chứ có ít đâu. Phổng phao, khuôn mặt đầy đặn, nước da trắng thừa hưởng của mạ nó. Mái tóc óng mượt chấm ngang lưng, đôi mắt như biết nói. Lính Giải Phóng nào gặp cũng phải sững lại mấy giây. Tuổi này là lớ ngớ lắm. Nhỡ xẩy ra chuyện gì thì khốn. Lính tráng thì vẫn cứ là lính tráng. Bên nào cũng vậy, thấy gái đẹp là mê tít, buông lời tán tỉnh ngay.

Mà mấy chú lính Giải Phóng ni cũng kỳ. Trẻ măng, gặp vợ chồng hắn là chào ba, mạ rối rít như con cháu trong nhà vậy. Họ có vẻ lành quá, không bặm trợn như mấy lính Cộng Hòa xăm trổ đầy người, nói tục, chửi thề luôn miệng. Nghe nói có đứa còn là sinh viên đại học. Sinh viên vào lính trơn kể cũng lạ. Bên Quốc Gia là đi học sĩ quan Đà Lạt ngay. Sớm muộn gì rồi cũng ra chỉ huy.

Hắn nghĩ, những chú lính trẻ này có khi cầm bút còn thạo hơn cầm súng. Làm sao họ đấu được với đám lính Thủy quân Lục chiến, Trâu Điên với Thần Điểu v.v, suốt năm 1972 được nhỉ. Không biết lúc xung trận nom họ ra sao? Chứ thấy họ tập tành cũng thường, nhưng làm báo tường với văn nghệ lại rất giỏi.

Thằng Nam, cái thằng trẻ nhất tiểu đội, chữ đẹp thật. Tờ báo tường nó trang trí và viết đẹp như tranh. Chữ đều tăm tắp, nghe nói nó học năm thứ nhất hay thứ hai đại học gì đó. Giờ cầm súng, thế có hoài không?

Thằng ấy tính tình như con gái vậy, mỗi lần gặp con Sen là mặt lại đỏ như vụng trộm cái gì, lúng ta lúng túng như gà mắc tóc. Mà con Sen nhà hắn thì tinh quái, biết vậy càng trêu tợn làm cu cậu mất tự nhiên. Đồng đội lại xúm vào thêm khiến nó chỉ còn nước chui xuống đất.

Nghe chừng con Sen nhà hắn cũng có cảm tình với thằng Nam. Không được. Cần phải ngăn chặn ngay từ đầu. Không thể để nó yêu thằng ni được. Rồi lại cực thôi. Lính tráng nay đây mai đó. Chiến sự tạm lắng vậy chứ nhiều nơi nào đã yên tiếng súng. Cả hai bên Giải Phóng và Quốc Gia vẫn tranh thủ giành đất, kiểm soát những vị trí then chốt.

Người ngoài trận đối mặt với sống chết đã đành, người ở hậu phương khốn khổ, không lúc nào hết nơm nớp lo âu. Hắn không muốn con Sen lại rơi vào cảnh ấy. Kinh nghiệm cho hắn biết, hòa bình năm 1973-74 chỉ là tạm thời, rồi chiến sự sẽ lại xảy ra chẳng kém gì năm Mậu Thân hay 1972 vậy. Vả lại, lính tráng vui đâu chầu đấy, tình cảm biết có thực lòng không? Tốt nhất là không để chuyện gì xảy ra. Có lần hắn dằn mặt con Sen:

- Tau cấm mi đó. Không thương yêu chi hết.

- Cha kỳ vậy, con mần chi mô.

Con Sen nhấm nhẳn trả lời.

- Là tau cứ nói rứa.

Xem chừng mấy lính Giải Phóng thấy hắn không cởi mở cũng ngại. Thằng Nam liếc con rựa trên tay hắn bần thần. Hắn cứ lầm lầm như thế chẳng ai dám lại gần.

Phức tạp lắm, cái cô thợ may xóm trên nghe nói có thai với một anh lính Giải Phóng nào đó. Chồng o thì đang đi lính Cộng Hòa. Đơn vị kỷ luật anh lính Giải Phóng kia rồi chuyển đi đâu không rõ, o thợ may khóc hết nước mắt.

Trăng khuyết ảnh 1

Chẳng nói đâu xa ngay thôn ni. Nhà cô Táo, năm nay cũng gần 40 tuổi chứ có ít đâu? Chồng chết trận, được cái, mặt mũi coi vẫn còn sáng sủa, hay mắt. Có chú lính đóng quân trong nhà mê tít, viết ngay lá thư tỏ tình. Chết nỗi, cô Táo không biết chữ nhờ một chú trong nhà đọc hộ, chuyện vỡ lở. Cô ấy bảo: “Khổ lắm, thấy các chú ấy cực chăm sóc vậy thôi chứ có chi mô, mà chú ấy cũng chỉ hơn đứa con đầu tui mấy tuổi chứ bộ…”.

Nghe nói chú lính Giải Phóng ấy mồ côi từ nhỏ, chưa được bàn tay phụ nữ chăm sóc bao giờ, nên tình cảm phức tạp nảy sinh. Kể cũng tội. Nhưng mấy chú lính nhất quỉ nhì ma lại không tha. Thỉnh thoảng có chú lại gào lên: “Táo em thương!”. Chả là đầu lá thư tỏ tình tai hại trên mở đầu như vậy. Cả hội lại cười nghiêng ngả. Hắn cũng không nín được cười. Nhưng cười thì cười thế thôi chứ chuyện con Sen không đùa được.

Nhưng con Sen lại nghĩ khác. Eng hiền quá, đẹp trai, tốt bụng lại có học. Âu cũng là duyên số. Không có chiến tranh, mần răng eng đến cái làng nghèo khổ nhất Quảng Trị ni, để mỗi lần gặp eng là con tim của nó lại đập xốn xang. Cái tuổi trăng tròn của nó không sao giấu được tình cảm. Thấy eng ấy tập tành vất vả nó thương lắm. Có quả chuối củ khoai, nó cũng giấu cha để dành cho eng.

Có lần eng bạo dạn cầm tay nó nói:

- Sao em tốt với anh thế. Làm vợ anh nhé?

- Không được mô. Nghén cha chém chết.

Nó giẫy nẩy. Eng vội vã thanh minh, là anh nói sau này kia chứ không phải bây giờ.

Nó đỏ mặt, xấu hổ chạy vụt đi, nói với lại:

- Cha không cho mô.

Trước mặt nó chỉ toàn là màu hồng. Nó chưa biết thế nào là chia ly, là chờ đợi chứ đừng nói gì đến mất mát, đau thương.

Nhưng mạ nó thì quá hiểu nỗi khổ của vợ lính. Chiến sự bao nhiêu năm là bấy nhiêu năm bà khắc khoải trông chờ tin chồng nơi trận tuyến. Nhất là năm 1972, dân Quảng Trị người chạy ra Bắc kẻ lánh vô Nam, giữa hai làn đạn, thiệt mạng biết bao nhiêu.

Quê bà thành vùng oanh kích tự do của đồng minh Hoa Kỳ và quân lực VNCH. Bà chẳng chạy ra cũng không chạy vô. Bà còn ngóng tin chồng đang đồn trú tại Cam Lộ. Trước sức tấn công như vũ bão của quân Giải Phóng, bà chỉ biết cầu trời khấn phật cho chồng bà tai qua nạn khỏi. May mắn ông vẫn an lành.

Mấy ngày liền, căn cứ Tân Lâm chìm trong lửa đạn của pháo binh Giải Phóng. Thương vong rất nhiều. Tiểu đội của hắn tử trận hai, bị thương bốn. Những cứ điểm vòng ngoài như 241, Đầu Mầu, Ba Hồ, Động Toàn lần lượt bị triệt hạ.

Căn cứ Tân Lâm, hay còn gọi là Caroll, nơi trung đoàn 56 của hắn chốt giữ trơ trọi một mình, bị cô lập khỏi sư 3 BB. Sư đoàn mệnh danh “Trừng Giới” rất nhiều lính ô hợp, đào binh, vô kỷ luật vv, được thành lập vội vàng đã mất tinh thần chiến đấu ngay từ những ngày đầu xảy ra chiến sự.

Hắn là lính cựu, các chiến hữu khá nể trọng. Chả gì cũng là thượng sĩ nhất, được giao khẩu M60, lính tráng quen gọi là đại liên 3. Súng khá nặng, khi khai hỏa dễ bị lộ. Không tinh ranh cơ động là ăn B40, 41 như bỡn.

Những lính quê Quảng Trị chẳng ngu gì mà đâm đầu vào cái sư đoàn tân lập, lại trấn giữ nơi đầu sóng ngọn gió ở vùng I chiến thuật này. Chẳng qua hắn muốn gần vợ con, vậy thôi.

Vùi đầu dưới đống bao cát, gần sáng hắn nghe thấy pháo chuyển làn bắn cầm chừng, kiểu này là sắp hứng chịu một biển lính Giải Phóng tràn lên căn cứ đây.

Nhưng lạ thật, không thấy động tĩnh gì, pháo cũng ngưng hẳn. Hôm sau thì hắn mới biết, tay trung tá trung đoàn trưởng trẻ tuổi đã khôn ngoan kéo cờ trắng đầu hàng. Anh ta đã hy sinh danh dự của một quân nhân, cứu 1500 binh sĩ thuộc cấp khỏi cái chết vô ích. Một ngàn năm trăm gia đình đã thoát cảnh tang tóc trong gang tấc. Hầu hết các chiến hữu và hắn đều cám ơn viên thượng cấp mới tròn ba chục tuổi, đã có một quyết định sáng suốt.

Mà bên Giải Phóng họ cũng khá tử tế. Đã hứa ngưng pháo kích là ngưng. Khi hai chiếc trực thăng tới cắp hai viên cố vấn Mỹ đi, họ cũng để cho bay thoát. Nếu họ trút lửa vào căn cứ lúc ấy thì chắc chắn hai sĩ quan Mỹ thiệt mạng kéo theo cả mạng của hàng chục lính VNCH đã xin ngưng chiến, chết oan uổng.

Nhưng ngược đời, chừ con Sen lại yêu chú lính Giải Phóng. Chưa biết sau này trận mạc sống chết ra răng? Nhưng hắn thấy cứ kỳ kỳ. Cha đi lính Cộng Hòa tý chết vì đạn của bên kia. Mà biết đâu chính đơn vị của cái chú lính Giải Phóng nom như học trò trói gà không chặt kia lại tấn công vào đơn vị của cha nó cũng nên.

Cái chú lính Giải Phóng kia có khi cũng chưa biết cha con Sen là lính Cộng Hòa, nếu biết chắc chi nó đã thương con hắn. Thật phức tạp quá.

Mạ con Sen trông đôi trẻ, lúc nào mắt cũng ngời sáng, chúng đang tắm trong hào quang của hạnh phúc, bà chẳng nỡ can ngăn.

Của đáng tội, con Sen lấy được chồng như thằng Nam thì cũng quá tốt. Ngặt nỗi quê thằng Nam quá xa. Nghe nói tận Nghệ An chi đó, xa lắm, sau này nếu có nên vợ nên chồng răng bà thăm con được. Là nghĩ mọi chuyện tốt đẹp chứ chiến tranh nào đã hết mô. Ai mà nói trước được. Những người lính trông hiền lành thế kia khi ra trận, họ không giết bên kia thì bên kia cũng chẳng tha cho họ.

Con Sen lại thấp thỏm như bà trước kia thôi. Cha nó cũng có lý. Không muốn cho nó yêu chú Giải Phóng kia cũng chỉ vì thương nó. Nó còn trẻ quá nào đã biết gì. Nhưng bà không làm được như ông, thấy cứ nhẫn tâm thế nào ấy.

Thằng Nam đâu phải không biết cha con Sen từng là lính Cộng Hòa. Nhưng đấy là việc của ông ấy, đâu phải việc của con Sen. Nó chỉ thấy một tâm hồn trong trắng như thiên thần. Một cô gái đẹp đến mê hồn, bé bỏng như em gái nó ở mãi tận quê nhà. Hết thảy mọi thứ ngự trên người cô gái ấy đều hết sức tuyệt vời. Đôi bàn tay nhỏ nhắn, dịu dàng chăm chút cho nó.

“Dù eng đi mô, em cũng chờ. Dù eng có sao em cũng yêu. Dù eng ở chân trời góc biển nào em cũng tìm cho bằng được, nếu eng không về với em …”Nghe con Sen nói thế, nó không đành. “ Về chứ, nhất định anh sẽ về mà”. Nó hứa.

- Thế em không sợ cha sao?

Thằng Nam hỏi con Sen.

- Cha thương em lắm, ông chỉ lo cho em thôi. Ông lo eng không thực lòng, lo eng phải ra trận. Lo em chờ đợi, lo âu….

Nói đến đấy con Sen không cầm nổi nước mắt, sụt sùi…

Mấy hôm nay con Sen cứ thẫn thờ, bỏ ăn, đêm ôm gối khóc. Có chuyện chi, mạ nó gặng hỏi cũng không kêu. Mãi nó mới tức tưởi vừa nói vừa khóc: “Eng sắp đi rồi”.

Cha nó vẫn ngồi đan rổ ngoài hiên nhưng ruột rối như tơ vò. Biết mà, rồi khổ thôi con ơi. Thảo nào hắn thấy lính Giải Phóng có biểu hiện rất lạ. Từng là quân nhân, hắn biết, cho dù họ rất bí mật. Lại sắp có bão rồi. Chừ là cuối năm 1974, Cộng Sản thường đánh lớn vào dịp xuân hè. Bên Quốc Gia sớm muộn gì cũng thua thôi. Mỹ rút quân rồi, viện trợ cắt giảm, tinh thần lính Cộng Hòa xuống quá trời. Ấy là chuyện quốc gia đại sự, còn nhà hắn, nom con Sen ủ rũ hắn không đành lòng. Cần phải nói chuyện với thằng Nam.

Khuya, hắn ngoắc thằng Nam vô buồng nói:

- Thiệt tình ta không muốn cho con Sen thương mi, nhưng không ngăn được. Nếu mi thực lòng thì chớ có phụ nó. Ta chỉ có mụn con, bao năm chinh chiến không chăm nom được nó. Mi không cần nói, ta biết mi lại sắp ra trận. Nói thiệt, nếu mi thiệt mạng thì đành, nhưng nếu mi còn sống mà không về với nó ta sẽ tìm mi bằng được cho dù mi trốn nơi mô.

Thằng Nam lặng thinh không nói gì. Kỷ luật quân đội không cho phép nó hé răng. Còn tình cảm của nó với con Sen thì chẳng cần nói thêm điều chi.

Thấy thằng Nam không nói gì, hắn lại tiếp lời:

- Chẳng giấu chi mi, ta chính là lính của trung đoàn 56 sư đoàn 3 bộ binh quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Nhờ có Trung tá Đính đầu hàng quân Giải Phóng, ta mới thoát chết năm1972. Năm ngoái trao trả tù binh theo Hiệp định Hòa bình ta xin hồi hương.

Chừ ta thấy mi thương con Sen không đành lòng, sắp vào trận, cần kêu mi mấy vụ. Khi quân Cộng Hòa tấn công, thiết xa thường dừng ngoài tầm B 40- 41 kích pháo, đa phần lính Giải Phóng chạy vô hầm Triều Tiên. Chỉ chờ có vậy, thiết xa rồ máy chèn lên làm sập hầm, bộ binh ùa theo. Mi không được vô hầm, phải nằm dưới hào. Nếu xe có chèn qua cũng không sao. Ta đã thấy một lính Giải Phóng thoát chết như vậy, anh ta đứng dậy bắn B41 vào sau xe tăng và quay lại cản lính Cộng Hòa rất dũng cảm.

Khi bên Giải Phóng tấn công, lính Cộng Hòa thất thủ rút lui thường vứt lại những quả M26 nổ tức thì. Đó là một cái bẫy. Nhiều lính Giải Phóng thiếu kinh nghiệm dùng luôn lựu đạn ấy tấn công nên thiệt mạng.

Còn nhiều tình huống bất ngờ cần tỉnh táo, ta không nói mi cũng biết vì mi cũng đã trải qua trận chiến năm 72 rồi.

Thằng Nam quá ngỡ ngàng, một người lính Cộng Hòa lại phổ biến kinh nghiệm chiến đấu cho một lính Giải Phóng. Thật kỳ!

Hôm sau, đơn vị thằng Nam chuyển quân, đúng đêm trăng khuyết. Con Sen khóc tức tưởi, nó ngóng theo người lính cuối cùng khuất bóng sau rặng tre đầu làng. Gió lay nhè nhẹ, những chiếc lá tre lóng lánh dưới ánh trăng thượng tuần.

Đại đội thằng Nam đã vào vị trí chờ giờ G. Khi pháo chuyển làn, xung kích phá hàng rào, đại đội chủ công của nó sẽ xung phong lên cao điểm 301 trên dãy núi hình yên ngựa này. Đêm nay là đêm 22 tháng 3 năm 1975, đúng đêm mùng 10 tháng 2 âm lịch, mãi nó mới thấy bóng trăng khuyết lấp ló dưới kẽ tán lá rừng già.

Sẽ có nhiều người phải nằm lại ở cửa mở. Thằng Nam hy vọng, trong số đó không có nó. Nhìn trăng khuyết, nó lại nhớ đến Sen. Chia tay với em đã ba tuần trăng.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi.

Nó chợt nhớ đến câu Kiều, thật hợp người, hợp cảnh.

Cho đến lúc ánh chớp lóe lên, giờ G đã điểm. Nó không còn nhớ gì nữa, trước mặt chỉ thấy toàn lửa. Lửa đỏ rực một góc trời.

Tháng 6, năm 2013

Truyện ngắn của
Như Thìn

Trăng khuyết ảnh 2Chiến tranh không chỉ có thắng - thua hay ta - địch mà còn rất nhiều góc khuất ít được biết đến. “Trăng khuyết” đã soi sáng được một phần góc khuất ấy. Truyện có góc nhìn lạ, với tình yêu của một người lính Bắc Việt với một cô gái con của một người lính phía bên kia giữa lúc chiến tranh ác liệt. Tình yêu ban sơ trong sáng ấy đối diện với trận chiến “trước mặt chỉ thấy toàn lửa”.

Như Thìn thuộc lứa sinh viên khoác áo lính, tham gia từ chiến dịch Quảng Trị -1972 đến xong chiến dịch Hồ Chí Minh – 1975 trở về học lại khoa Ngữ văn - trường ĐHTH Hà Nội. Chính vì thế, truyện ngắn của anh như vẫn nóng cái hiện thực ngày ấy… L.A.H

MỚI - NÓNG
Các ngân hàng lãi lớn
Các ngân hàng lãi lớn
TPO - Quý I năm nay, hàng loạt ngân hàng thương mại báo lãi từ vài trăm tới vài ngàn tỷ đồng, như Vietcombank, Techcombank, BIDV, VietinBank, Nam A Bank, Sacombank …