Triển khai nhiều dự án tình nguyện chỉ với 2.000 đồng mỗi ngày

SVVN - Dự án được triển khai thông qua hình thức gây quỹ với thông điệp“Tiền lẻ mỗi ngày, triệu người chung tay”, chỉ cần mỗi người mỗi ngày chung tay đóng góp ít nhất 2.000 đồng và nhiều người chung tay ủng hộ sẽ tạo nên những công trình có giá trị đối với cộng đồng, đặc biệt là trẻ em tại các địa bàn khó khăn trên cả nước.     

Dự án "Sức mạnh 2.000" là chương trình cộng đồng nhằm mục đích lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ cộng đồng của các tổ chức, cá nhân để chung tay hỗ trợ thanh thiếu nhi tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn.                  

Dự án "Sức mạnh 2.000" được khởi xướng từ ý tưởng của anh Hoàng Hoa Trung - Chủ nhiệm Dự án "Ánh sáng núi rừng", Top 10 "Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu" 2019, "Forbes 30 under 30" và sự phối hợp, đồng hành triển khai của Trung tâm Tình nguyện Quốc gia, thuộc T.Ư Đoàn, T.Ư Hội LHTN Việt Nam. 

Dự án "Sức mạnh 2.000" sẽ triển khai trước mắt ở 4 Chương trình trọng tâm: Chương trình "Trường đẹp cho em" xây dựng các điểm trường mới, xóa bỏ các điểm trường tạm bợ; chương trình “Nhà Nội trú cho em” xây khu nhà ở nội trú tại trường cho học sinh; chương trình “Ngôi nhà Hạnh phúc” xây nhà cho học sinh mồ côi có hoàn cảnh khó khăn; chương trình “Cây cầu Hạnh phúc” xây cầu tại các địa bàn khó khăn. 

Giá trị khiêm tốn nhưng sức mạnh phi thường

Xuất phát từ quan sát hiện thực cuộc sống khi 2.000 đồng trong ví mỗi người thường được sử dụng như những đồng tiền lẻ để trả tiền gửi xe hay mua bán những nhu yếu phẩm nhỏ mỗi ngày, các thành viên của dự án "Sức mạnh 2.000" đã làm một phép tính đơn giản: Nếu mỗi người đóng góp chỉ 2.000 đồng mỗi ngày, cứ 100.000 người tham gia thì sau một năm sẽ có 73 tỷ đồng được quyên góp, số tiền này đủ để xây dựng 292 điểm trường.

Triển khai nhiều dự án tình nguyện chỉ với 2.000 đồng mỗi ngày ảnh 1 Hiện tại, dự án đã xây được 3 nhà hạnh phúc.

Tương tự như vậy, nếu có 1.000.000 người tham gia thì số tiền quyên góp được sẽ lên đến hơn 500 tỷ, đủ mang đến hy vọng về cuộc sống có trường học được xây dựng vững chắc, có cầu để đi học an toàn hơn và có nhà ở ấm áp cho trẻ em tại các địa bàn khó khăn trên cả nước. 

Qua đó, Dự án cũng mong muốn thay đổi được suy nghĩ “chỉ người giàu mới làm từ thiện” khi mở ra góc nhìn mới cho mọi người về giá trị và những thay đổi mà 2.000 đồng có thể mang lại.

Ai cũng có thể là một phần của "Sức mạnh 2.000"

Bất kỳ ai cũng có thể là một phần của "Sức mạnh 2.000". Các tổ chức, cá nhân có thể lựa chọn giữa hai hình thức quyên góp: Chuyển tiền trực tiếp qua tài khoản ngân hàng của Dự án. Tất cả số tiền nhận được sẽ được Ban điều hành tổng hợp và công khai trên báo cáo được cập nhật hàng tuần để đảm bảo tính minh bạch. Mỗi khi số tiền đóng góp đạt mức trung bình để triển khai dự án, Ban điều hành sẽ lựa chọn công trình dựa trên tính cấp thiết để triển khai. Trung tâm Tình nguyện Quốc gia sẽ triển khai xây dựng và huy động sự tham gia của đoàn viên, hội viên, thanh niên, người dân tại địa phương tham gia hỗ trợ, đồng hành khi triển khai các công trình. 100% tiền quyên góp được sẽ được dành để xây cầu, xây trường, xây Nhà nội trú, xây Nhà hạnh phúc cho trẻ em và các hoạt động hỗ trợ cộng đồng tại các địa bàn khó khăn và sẽ được kiểm toán độc lập. Bên cạnh đó, các tổ chức, cá nhân cũng có thể ủng hộ, đồng hành bằng cách ủng hộ các nguyên vật liệu cho các công trình của "Sức mạnh 2.000", hỗ trợ việc thiết kế, giám sát thi công, tặng trang bị cơ sở vật chất.

Triển khai nhiều dự án tình nguyện chỉ với 2.000 đồng mỗi ngày ảnh 2

Kể từ khi khởi xướng và triển khai vào tháng 2/2020, Dự án "Sức mạnh 2.000" đã nhận được sự chung tay đóng góp của 18 doanh nghiệp và gần 2.000 cá nhân, theo đó đã khởi công xây dựng và đưa vào sử dụng 31 công trình gồm điểm trường, nhà hạnh phúc, nhà nội trú , dự kiến hơn 100 công trình khác nhau đang và sẽ được hoàn thiện trong năm 2020.

Là người chứng kiến "Ngôi nhà hạnh phúc" được xây tặng học sinh Hồ Thị My, Giáo viên chủ nhiệm của em chia sẻ: “Tôi rất xúc động và chân thành cảm ơn "Sức mạnh 2.000" vì đã quan tâm, giúp đỡ xây “Ngôi nhà hạnh phúc” cho em Hồ Thị My, dân tộc Bờru Vân Kiều, lớp 3A, trường Tiểu học Tà Long, thôn Pa Hy, xã Tả Long, huyện miền núi Đăkrông, tỉnh Quảng Trị - mồ côi cả bố mẹ - là một học sinh có hoàn cảnh khó khăn và đáng thương nhất trong 14 năm dạy học của tôi”. 

Triển khai nhiều dự án tình nguyện chỉ với 2.000 đồng mỗi ngày ảnh 3

Chị Đỗ Thị Kim Hoa, Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia chia sẻ: “Nhờ công việc, tôi được đến nhiều nơi khó khăn, chứng kiến nhiều hoàn cảnh cơ cực, có nhiều địa bàn vùng sâu vùng xa tôi đến mà xót xa, những ngôi nhà không thể gọi là nhà, những điểm trường tạm bợ không dám gọi tên bằng trường, nhưng tôi tin nếu mỗi người chúng ta chỉ cần rộng mở tấm lòng, trao đi yêu thương, mỗi ngày một chút, từ mỗi 2.000 đồng, thì những điều nhỏ bé cùng nhau sẽ tạo nên sức mạnh phi thường, biến những đồng 2.000 khiêm tốn trở thành các công trình cộng đồng có ý nghĩa cho trẻ em tại các địa bàn khó khăn trên khắp đất nước Việt Nam. Hãy cùng chúng tôi gieo lên lòng nhân ái và biến những điều không thể thành có thể bằng cách cùng nhau tạo nên "Sức mạnh 2.000" để nhiều trẻ em trên đất nước này có một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngay bây giờ các bạn có thể vào Website : www.sucmanh2000.com để chung tay đồng hành cùng chúng tôi”, chị Đỗ Thị Kim Hoa nói. 

Hành trình hơn một thập kỷ mang đến tương lai

Hoàng Hoa Trung chia sẻ: “Bắt đầu từ dự án “Ánh sáng núi rừng” vào năm 2009, mục tiêu xây dựng những trường học, thực hiện các dự án phụ trợ điều kiện học và dạy học trên vùng cao vẫn được duy trì đến ngày hôm nay.

Triển khai nhiều dự án tình nguyện chỉ với 2.000 đồng mỗi ngày ảnh 4

Năm 2012 đánh dấu thành quả đầu tiên của dự án khi hoàn thành điểm trường đầu tiên tại Lai Châu. Sau quá trình sống cùng người dân bản tại những nơi xây trường, nhóm thiện nguyện nhận thấy, tại Mường Nhé, Điện Biên, trẻ em thường phải di chuyển khoảng cách xa từ nhà tới trường, không có cơm mang đi theo nên phải vào rừng kiếm măng đắng để ăn, từ đó dẫn tới tình trạng nghỉ học buổi chiều. Sự tồn tại gây nhức nhối đó đã thúc đẩy sự ra đời của dự án “Nuôi em” với hình thức mỗi người nuôi một em nhỏ bản cao.

Từ đó, một “hệ sinh thái” được hình thành và tới 2020 đã mang đến bữa cơm trưa tới gần 10.000 học sinh suốt năm học, cung cấp nước uống sạch tới từng bản, lắp năng lượng gió mặt trời tới hơn 1/3 điểm bản chưa có điện cùng nhiều dự án thiết thực khác. Đó cũng là nền tảng cho sự ra đời  ý tưởng của Dự án "Sức mạnh 2.000", với hy vọng về một tương lai vững chắc cho trẻ em vùng cao. Chính tôi cũng bất ngờ trước hàng vạn tấm lòng đã đồng hành cùng dự án "Nuôi em", từ đó, tôi có niềm tin mãnh liệt vào việc có thể kêu gọi cả trăm nghìn người đồng hành xóa sạch hàng nghìn điểm trường tạm, xây thêm hàng trăm nhà nội trú, cầu tại Việt Nam, với công thức "Mỗi ngày hai nghìn". Ngoài ra, cộng đồng vẫn có thể chung tay bằng hình thức chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng thông thường”. 

MỚI - NÓNG
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
Thí sinh chưa đỗ tốt nghiệp THPT 2024 sẽ có đề thi riêng
SVVN - Bộ GD - ĐT đã có thông tin chính thức về việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT cho thí sinh chưa đỗ kỳ thi năm 2024. Theo đó, từ năm 2025, những học sinh chưa đỗ Kỳ thi Tốt nghiệp năm 2024 và những năm trước đó sẽ được tổ chức thi tốt nghiệp đúng nội dung chương trình giáo dục phổ thông đã được học, theo tinh thần đảm bảo đầy đủ quyền lợi của học sinh.

Có thể bạn quan tâm

Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 chính thức được công nhận là Lễ hội lớn của TP. HCM

Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 chính thức được công nhận là Lễ hội lớn của TP. HCM

SVVN - Anh Ngô Minh Hải - Phó Bí thư thường trực Thành Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN TP. HCM chia sẻ, 3 đêm diễn ra Lễ hội Thanh niên (Youth Fest) năm 2024 sẽ là những trải nghiệm về không gian âm thanh, ánh sáng; các hoạt động đường phố; thể dục thể thao... thể hiện sự nhiệt huyết, sức trẻ của thanh niên TP. HCM.