Trọng điểm hợp tác

0:00 / 0:00
0:00
TP - Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã trải qua hơn 7 thập kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trong quá trình đó có những lúc thăng trầm, nhưng dòng chảy chính vẫn là hữu nghị và hợp tác, bởi vì điều đó phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thời đại.

Tôi làm Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc trong 7 năm, bắt đầu từ năm 2008, đúng giai đoạn hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện. Năm 2011, tôi tháp tùng đồng chí Tập Cận Bình khi đó là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch nước, sang thăm Việt Nam.

Sau mỗi chuyến thăm của nhà lãnh đạo hai bên, quan hệ song phương đều có bước phát triển mới. Quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã trải qua hơn 7 thập kỷ từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trong quá trình đó có những lúc thăng trầm, nhưng dòng chảy chính vẫn là hữu nghị và hợp tác, bởi vì điều đó phù hợp với lợi ích căn bản của nhân dân hai nước, phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác và phát triển của thời đại.

Chuyến thăm cấp Nhà nước của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân đến Việt Nam lần này là sự kiện rất quan trọng, là dấu mốc trong quan hệ song phương. Chuyến thăm sẽ tạo cú hích mới, đưa quan hệ Đối tác Hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước lên tầm cao mới trên các lĩnh vực: chính trị, an ninh, quốc phòng, kinh tế, giao lưu nhân dân…

Qua 36 văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực được ký kết, có thể thấy hợp tác kinh tế là trọng điểm trong chuyến thăm lần này. Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, là thị trường lớn nhất nhì thế giới với 1,4 tỷ dân, trong khi Việt Nam và Trung Quốc có nhiều lĩnh vực có thể bổ sung cho nhau. Là nước láng giềng của Trung Quốc, Việt Nam có cơ hội lớn để thúc đẩy trao đổi thương mại hơn nữa, đặc biệt là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh như nông sản và thủy hải sản.

Trung Quốc có nền khoa học công nghệ tiên tiến, trong một số lĩnh vực đã ngang tầm thế giới, đạt được nhiều đột phá về đường sắt cao tốc, đường bộ cao tốc, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo… Việt Nam có thể tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong những lĩnh vực này để thực hiện chiến lược phát triển xanh và bền vững của chúng ta.

Về cơ sở hạ tầng, hai bên sẽ đẩy mạnh kết nối sáng kiến Hai hành lang - Một vành đai của Việt Nam với sáng kiến Vành đai - Con đường của Trung Quốc. Từ đó, Việt Nam có thể phát triển những dự án chất lượng tốt, công nghệ cao, phục vụ phát triển đất nước. Còn rất nhiều tiềm năng để Việt Nam và Trung Quốc tăng cường hợp tác. Hai bên cũng sẽ đẩy mạnh giao lưu giữa chính quyền và nhân dân các tỉnh biên giới, vừa để tăng cường hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau, vừa để thúc đẩy trao đổi về thương mại, đầu tư.

Chuyến thăm thành công góp phần tạo nên điểm sáng về đối ngoại trong thành tích chung của Việt Nam năm nay. Chúng ta đã gặt hái được nhiều thành công lớn: tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn các quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện, tăng cường hợp tác với với các nước láng giềng, mở rộng quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, bạn bè khắp năm châu.

Điều đó góp phần củng cố và kiến tạo môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, những điều kiện quốc tế thuận lợi hơn nữa cho công cuộc phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, góp phần thực hiện những mục tiêu mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.

MỚI - NÓNG