Trọng điểm kinh tế phía Nam: Mở rộng kết nối, khép kín vành đai

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam là cửa ngõ kết nối với nhiều vùng kinh tế trong nước và quốc tế. Loạt dự án đường vành đai, cảng hàng không, cảng biển trung chuyển,… đã, đang và sẽ được triển khai cho thấy sự ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông, từ đó tạo động lực phát triển cho khu vực.

Tăng kết nối cảng

TP Thủ Đức hiện có nhiều cảng lớn như Cát Lái, Phú Hữu, Trường Thọ,… và với vị trí là cửa ngõ của TPHCM, Thủ Đức được quy hoạch phát triển 4 trung tâm logistics trong tương lai. Chính vì vậy, thời gian qua, TPHCM ưu tiên phát triển giao thông tại địa phương này. Hiện nay, các công trình giao thông tại Thủ Đức như nút giao Mỹ Thủy đã được đầu tư. Các tuyến đường như Nguyễn Thị Định, Đỗ Xuân Hợp sẽ được mở rộng lên 30m đúng theo quy hoạch để giảm ùn tắc giao thông ở phía Đông.

Trọng điểm kinh tế phía Nam: Mở rộng kết nối, khép kín vành đai ảnh 1

Tuyến metro số 1 TPHCM đang được nghiên cứu kết nối với tỉnh Bình Dương, Đồng Nai

Ảnh: PHẠM NGUYỄN

Tuy nhiên, để giải quyết ùn tắc hướng chính theo quy hoạch, vẫn cần khép kín đường Vành đai 2 - kết nối vào cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây và nối từ đường Võ Nguyên Giáp ra quốc lộ 1. Hiện tuyến đường Vành đai 2 mới hoàn thành 50km và còn khoảng 14km chưa được khép kín. Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TPHCM cho biết, suốt hơn 10 năm qua, TPHCM đều đặt mục tiêu khép kín đường vành đai 2. Tuy nhiên, thành phố đã mất nhiều thời gian chọn lựa phương thức đầu tư. Trước đây có giai đoạn thực hiện theo hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), nhưng sau đó, hình thức này không còn phù hợp theo quy định của luật.

Ngoài đoạn hơn 2,7km nhà đầu tư đang thực hiện theo hình thức BT, 3 đoạn còn lại với chiều dài gần 12 km, thành phố đã xác định dùng vốn đầu tư công để đẩy nhanh tiến độ khép kín. Trong đó, đoạn đường từ cảng Cát Lái đến quốc lộ 1 có 2 đoạn của đường vành đai 2 với tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng, đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư và sẽ được khởi công trong năm nay. Dự kiến đến năm 2027, các đoạn vành đai 2 trên địa bàn Thủ Đức sẽ được khép kín với kết nối với quốc lộ 1, giúp giải quyết tình trạng ùn tắc ở phía Đông.

Trọng điểm kinh tế phía Nam: Mở rộng kết nối, khép kín vành đai ảnh 2

Công nhân thi công đường Vành đai 3 TPHCM Ảnh: HỮU HUY

Ông Trần Chí Trung - Trưởng phòng Kế hoạch đầu tư - Sở Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, ngoài khép kín đường vành đai 2, trên địa bàn Thủ Đức cũng sẽ triển khai kết nối tuyến đường liên cảng Cát Lái - Phú Hữu đến đường vành đai 3 TPHCM. “Sau khi đường liên cảng hoàn thành, xe tải, xe container sẽ kết nối thẳng lên đường vành đai 3, giảm áp lực cho các trục đường chính như Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ và các nút giao An Phú, Mỹ Thủy…”- ông Trung kỳ vọng.

Ngoài ra, tại phía Nam thành phố cũng đang chuẩn bị triển khai xây dựng dự án cầu đường Nguyễn Khoái kết nối các quận 7, 4 và 1 với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Dự kiến, dự án này sẽ được khởi công vào cuối năm nay. Theo Sở GTVT, đây là công trình giao thông quan trọng sẽ chia sẻ gánh nặng cùng các tuyến đường đang quá tải hiện nay như Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, cầu Kênh Tẻ, Phạm Hùng, quốc lộ 50,... Không chỉ chia sẻ áp lực giao thông, dự án còn là trục Bắc - Nam mới để kết nối các tuyến cao tốc như TPHCM - Trung Lương, vành đai 2, TPHCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, quốc lộ 50,… Từ đó, tạo điều kiện kết nối vùng giữa TPHCM với khu vực lân cận.

Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, Sở cũng đã trình Hội đồng thẩm định thành phố về dự án xây dựng cầu Cần Giờ và cầu Thủ Thiêm 4. Cầu Thủ Thiêm 4 dự kiến được đầu tư theo hình thức BOT với tổng mức đầu tư khoảng 6.030 tỷ đồng. Công trình kết nối từ đường Nguyễn Cơ Thạch (Thủ Đức) vượt sông Sài Gòn để kết nối với đường Nguyễn Văn Linh (quận 7), hình thành trục giao thông từ khu vực phía Đông sang phía Nam.

Cầu Cần Giờ cũng là công trình giao thông mang tính chất kết nối vùng. Công trình sẽ thay thế phà Bình Khánh, kết nối từ huyện Nhà Bè sang trục đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) đến nút giao giữa đường Rừng Sác - cao tốc Bến Lức - Long Thành. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 10.500 tỷ đồng, thực hiện theo phương thức BOT, dự kiến được khởi công vào năm 2025 và hoàn thành vào năm 2028.

Khu vực huyện Cần Giờ được xác định là cửa ngõ của TPHCM hướng ra biển. Vùng Cần Giờ sẽ kết nối với các tỉnh Đông Nam bộ thông qua đường thủy và tương lai sẽ có dự án đường ven biển kết nối từ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến Đồng bằng Sông Cửu Long. Do đó, dự án cầu Cần Giờ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Để tăng cường khả năng kết nối, phát triển kinh tế xã hội huyện Cần Giờ; đặc biệt khi hình thành Khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Sở GTVT đã trình UBND thành phố phương án đầu tư nút giao kết nối đường Rừng Sác (huyện Cần Giờ) với cao tốc Bến Lức - Long Thành với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 2.400 tỷ đồng.

Tăng tốc những công trình nghìn tỷ

Ông Lương Minh Phúc cũng cho biết, năm nay các dự án giao thông trọng điểm của TPHCM chuyển sang giai đoạn thi công đồng bộ tất cả các gói thầu xây lắp, đẩy nhanh tiến độ giải ngân và tiến độ thi công để sớm hoàn thành, đưa vào phục vụ người dân thành phố trong các năm từ 2024 đến 2026. Đó là các dự án xây dựng đường Vành đai 3, nút giao thông An Phú, dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 50, hầm chui nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ, nối đường Trần Quốc Hoàn - đường Cộng Hòa.

Để kịp thời theo dõi, giám sát các dự án trọng điểm, TPHCM đã thành lập Ban Chỉ đạo các công trình, dự án trọng điểm do chính Chủ tịch UBND thành phố làm Trưởng ban. Từ đầu năm, Ban Chỉ đạo xác định 10 dự án trọng điểm đầu tiên để theo dõi và chỉ đạo gồm các dự án Vành đai 2, 3 và 4 trên địa bàn TPHCM; Dự án cầu đường Nguyễn Khoái; Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài; Dự án Metro số 1; Dự án rạch Xuyên Tâm; Dự án Bắc Kênh Đôi... Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đề nghị các đơn vị xác định nhiệm vụ và tiến độ trọng tâm của từng công trình, dự án, với mục tiêu đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình vào khởi công, sử dụng; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2024.

Năm 2024 cũng là thời điểm các công trình trọng điểm của tỉnh Bình Dương bước vào giai đoạn cao điểm thi công. Ông Trần Hùng Việt, Giám đốc Ban BQL dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Bình Dương cho biết, tỉnh này ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trong năm cho các công trình trọng điểm, có tính kết nối, tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội. Để đảm bảo kịp tiến độ, ngành chức năng tỉnh Bình Dương sẽ bám sát công trình, kiểm tra tiến độ hàng tuần, hàng tháng, hàng quý.

“Đường Vành đai 3 – TPHCM khi xây dựng hoàn thành sẽ nâng cao tính kết nối các đô thị vệ tinh. Đồng thời mở rộng không gian phát triển quỹ đất thương mại, dịch vụ, công nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và góp phần giải quyết hiệu quả tình trạng ùn tắc giao thông tại trung tâm TPHCM”. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn

Theo kế hoạch dự kiến, một số công trình trọng điểm tại Bình Dương sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng vào giữa năm 2024. Cụ thể, dự án cầu Bạch Đằng 2, bắc qua sông Đồng Nai nối Bình Dương và Đồng Nai dự kiến hoàn thành cuối tháng 7/2024. Do đó, ngay từ đầu năm, công trình đã được đẩy nhanh tiến độ. Một dự án giao thông trọng điểm, liên kết vùng có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Bình Dương là dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng. Dự án được chia thành 3 đoạn và tỉnh Bình Dương đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện, dự kiến đến tháng 10/2024 sẽ hoàn thành toàn bộ.

Cũng trong năm 2024, hai công trình giao thông trọng điểm có số vốn đầu tư “khủng” sẽ được khởi công xây dựng. Theo đó, dự án đường Vành đai 4 TPHCM đoạn qua Bình Dương có chiều dài gần 48 km, với tổng mức đầu tư trên 18 nghìn tỷ đồng. Dự kiến sẽ khởi công trong dịp 30/4 năm nay và hoàn thành vào cuối năm 2026. Dự án đường cao tốc TPHCM - Chơn Thành đóng vai trò kết nối vùng Tây Nguyên và Đông Nam bộ cũng được dự kiến khởi công dịp 2/9/2024. Đây là đường có vận tốc thiết kế 100km/giờ, riêng đoạn qua Bình Dương có tổng chiều dài trên 45 km với tổng mức đầu tư khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng.

“Giao thông phải đi trước, mở đường cho sự phát triển của thành phố và cả vùng Đông Nam bộ, dẫn dắt sự phát triển chung của cả nước. Giao thông của thành phố không chỉ nằm trong địa giới TPHCM, phải kết nối không chỉ với các tỉnh, vùng lân cận mà nhìn rộng ra với kết nối rộng hơn, kết nối quốc gia và quốc tế”.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, xác định tính chất quan trọng của các dự án giao thông, địa phương đã chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch chi tiết, trên tinh thần “rõ người, rõ việc”. Việc thực hiện dự án sẽ được xem xét, rút ngắn thời gian song không đốt cháy giai đoạn. “Từng dự án có một bảng tiến độ, kế hoạch cụ thể để phân công nhiệm vụ. Trong công tác chỉ đạo thì tiếp tục kiện toàn ban chỉ đạo công trình trọng điểm. Mặt khác, Bí thư cấp huyện phải sát cánh cùng UBND để chỉ đạo công tác đầu tư công. Về nguồn vốn, tập trung phấn đấu thông qua đề án đấu giá đất, lấy tiền đó cho đầu tư công”, ông Minh nói.

Nhiều kỳ vọng

Theo ông Phạm Ngọc Thuận, Tổng giám đốc Công ty Becamex IDC đường Vành đai 3 và 4 sẽ giải tỏa áp lực giao thông trên các tuyến giao thông hiện hữu đang quá tải, đồng thời tạo ra khung hạ tầng kỹ thuật để phục vụ phát triển đô thị trong thời gian tới. Ngoài ra, “việc xây dựng mới và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường huyết mạch sẽ tạo điều kiện thông thương hàng hóa, kết nối liên vùng. Đây được cho là yếu tố quan trọng, là điểm sáng giúp tỉnh Bình Dương thu hút được nhiều hơn dòng vốn đầu tư”, ông Thuận nói và cho biết, trung bình mỗi phút có 15 container đi ra khỏi Bình Dương, do đó áp lực giao thông rất lớn nếu không kịp thời đầu tư công trình giao thông.

TS.Đỗ Phú Trần Tình - Viện Phát triển chính sách, Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, sự liên kết đồng bộ trong đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ gắn với các cụm cảng lớn ở TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu là hết sức cần thiết cho cả vùng. Việc phát triển các tuyến cao tốc, vành đai sẽ thúc đẩy hợp tác phát triển công nghiệp, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, góp phần phát triển Bình Dương trở thành điểm đầu mối, dịch vụ logistics của vùng.

MỚI - NÓNG