Trống đồng vang vọng sân trường

0:00 / 0:00
0:00
Nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương vừa qua, tại trường THPT Tân Phong (Q.7-TP.Hồ Chí Minh) đã long trọng diễn ra chương trình vinh danh văn hóa nhân ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch với nhiều thông điệp ý nghĩa.
Trống đồng vang vọng sân trường ảnh 1

Nhằm bày tỏ tấm lòng tri ân nguồn cội, kính tưởng các vị vua Hùng đã có công đức lớn lao trong việc kiến tạo nhà nước Văn Lang đầu tiên cho dân tộc, làm nền tảng đầy tự hào cho mỗi công dân Việt Nam biết quý yêu gấm vóc sơn hà. Thông qua đó, bài học lịch sử và văn hóa của các em học sinh được chạm vào giá trị thực tế khi giáo viên và các em cùng tham gia các chuỗi hoạt động như thi làm mâm cỗ, mâm ngũ quả và tìm hiểu nghi thức cúng kính. Thầy cô trò của trường đã chỉnh tề với áo dài truyền thống, không khí buổi lễ vô cùng trang nghiêm, sống động với cuộc diễu hành cờ lọng, nhạc lễ, đọc tế văn, dâng phẩm cúng, dâng hương, trà, rượu.

Trống đồng vang vọng sân trường ảnh 2

Đồng hành với hoạt động này, còn có CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam bộ cùng tổ chức sự kiện, quy tụ có các nhạc sĩ như TS. Hải Phượng, Ths. Châu Minh Tâm của nhạc viện Thành phố, nhạc sĩ Đỗ Hoàng Nam, nghệ sĩ Tú Quyên, nghệ sĩ Minh Hòa…

Tại đây, diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang- người học trò của Cố GS.TS Trần Văn Khê đã chia sẻ rất nhiều giá trị đặc sắc về nghĩa đồng bào, lòng chung thủy, tình yêu hòa bình, sự nhẫn nại vượt khó và tinh thần đoàn kết trượng nghĩa, lòng ái quốc vốn có từ thời Hùng Vương thông qua minh chứng từ các câu chuyện như Thánh Gióng, Chim Bạch Trĩ, sự tích Trầu Cau, Quả Dưa Hấu, Sơn Tinh- Thủy Tinh… Các em học sinh được tìm hiểu về ý nghĩa Đông bình- Tây quả, biểu tượng đàn chim Lạc, đàn hưu, đoàn người múa được khắc trên mặt trống đồng và quay theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ theo quy luật Can-Chi, tựa như lời nhắc nhở “thời gian qua đi nhưng con người không thể quên quá khứ nguồn cội của mình”.

Đặc biệt, các em được tìm hiểu và thưởng thức về nghệ thuật đánh trống thời Hùng Vương. Tiếng trống đồng vang lên giữa sân trường với những âm giai hào khí ngất trời. Nghệ sỹ Tú Quyên đã bày tỏ niềm tự hào nên đã cất cao giọng hát đầy xúc động qua bài ca mang tên “Tiếng trống Văn Lang” và sau đó, các em học sinh của trường đã cùng với các nghệ sỹ của CLB Nghiên cứu và Vinh danh Văn Hóa Nam bộ trình diễn vở cải lương Bánh Chưng- Bánh Dầy (tác giả: Hồ Nhựt Quang) rất ấn tượng và ý nghĩa.

Trống đồng vang vọng sân trường ảnh 3

“Qua các hoạt động tổ chức trong dịp lễ Giỗ tổ Hùng Vương, nhà trường mong muốn học sinh hiểu thêm về lịch sử hào hùng của dân tộc, truyền thống của tổ tiên, từ đó khơi gợi tình yêu quê hương đất nước ở các em, xây dựng ý thức tự hào dân tộc và tinh thần bảo vệ đất nước” – Thầy Hiệu trưởng Trần Công Bình chia sẻ.

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 6/12/2012, và hiện nay đền thờ vua Hùng đã có khoảng 1417 ngôi đền khắp cả nước. Điều đó cho thấy tinh thần “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta rất sâu nặng và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành sợi chỉ đỏ để xây dựng tình đoàn kết, giúp nâng cao ý thức trách nhiệm công dân- người được xem là con cháu dòng dõi Tiên- Rồng.

Bên cạnh giá trị văn hóa đó, phương pháp học lịch sử bằng “trực quan sinh động”, “sân khấu hóa”, còn giúp các em học sinh dễ dàng cảm nhận được sứ mệnh và mục tiêu cuộc sống, từ đó hiệu quả việc học tập và lao động càng được phát huy tốt hơn từng ngày, mang lại giá trị cao quý giúp ích nước nhà”- Diễn giả văn hóa Hồ Nhựt Quang bày tỏ.

Lễ hội Giỗ tổ Hùng Vương đã khép lại nhưng dư âm vẫn rộn rã, thầy cô trò trường THPT Tân Phong đã chia sẻ mong muốn có thêm nhiều nữa những buổi học ngoại khóa tương tự như việc kết hợp vinh danh văn hóa lễ hội này.

MỚI - NÓNG