Trung Quốc “chặn” 400 triệu đứa trẻ chào đời

Trung Quốc “chặn” 400 triệu đứa trẻ chào đời
TP - Áp dụng chính sách một con, Trung Quốc đã “chặn” được 300-400 triệu đứa trẻ chào đời kể từ năm 1979, nhưng cũng dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng về kinh tế - xã hội, báo chí phương Tây đưa tin mấy ngày qua.

> Trung Quốc sôi động vì “đứa con thứ hai”
> Trung Quốc ban bố nhiều biện pháp cải cách mới

Trung Quốc đối mặt nhiều vấn đề kinh tế-xã hội do chính sách hạn chế sinh đẻ. Ảnh: AP
Trung Quốc đối mặt nhiều vấn đề kinh tế-xã hội do chính sách hạn chế sinh đẻ. Ảnh: AP.

Chính sách một con khiến nhiều phụ nữ nông thôn tìm cách phá thai khi biết giới tính thai nhi là nữ, để bằng mọi giá có được con trai. Tư tưởng trọng nam khinh nữ dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng tại Trung Quốc. Ước tính, có khoảng 30-40 triệu đàn ông Trung Quốc độc thân sẽ không bao giờ kiếm nổi cô dâu.

Kế hoạch hạn chế sinh đẻ thực hiện từ năm 1979 được Trung Quốc áp dụng khác nhau giữa khu vực thành thị và nông thôn. Hơn 10 năm qua, các cặp vợ chồng ở nông thôn được quyền có con thứ hai nếu đứa đầu là bé gái. Chính sách kế hoạch hóa dân số được áp dụng khác nhau theo địa phương và dân tộc. Người dân tộc thiểu số được duy trì gia đình đông con.

Theo nhiều nhà quan sát, Trung Quốc thực hiện chính sách hạn chế sinh đẻ hà khắc, nhưng về mặt danh nghĩa lại tuyên truyền đó là hành động “tự nguyện”.

Đã xảy ra hàng triệu vụ cưỡng bức phá thai, thậm chí khi thai nhi đã lớn. Cán bộ kế hoạch hóa gia đình địa phương làm mạnh tay như vậy nhằm hoàn thành chỉ tiêu dân số được giao. Để phát hiện những phụ nữ mang thai giấu giếm, các nhóm cán bộ chịu trách nhiệm cưỡng chế đôi khi biệt giam thành viên gia đình có người lẩn trốn, cho tới khi họ chịu khai đang giấu bà bầu ở đâu.

Cặp vợ chồng nào vi phạm chính sách một con phải chịu phạt, như phạt tiền, mất việc làm, bị ép phá thai… Ở nông thôn, nhiều đứa trẻ “ngoài kế hoạch” không có quyền tồn tại hợp pháp, không thể học ở các trường công. Rất khó thống kê chính xác số trẻ em thuộc diện này.

Do nhiều cặp vợ chồng chỉ được phép sinh một con nên không ít vấn đề phát sinh với những đứa trẻ con một. Một mình “sở hữu” hai bố mẹ và bốn ông bà nội ngoại, nên trẻ con một thường trở thành trung tâm chú ý, được chiều chuộng quá mức, được coi là “tiểu hoàng đế”. Vì vậy, không ít trẻ con một trở nên ích kỷ, ỷ lại, dễ sinh hư.

Theo BBC, nhiều gia đình Trung Quốc đã chọn cách gửi con ra nước ngoài học tập, tránh để ông bà chiều chuộng cháu quá. Theo khảo sát mới đây của báo Southern Metropolis Daily, 25% người được hỏi nói không muốn kết hôn với người là con một.

Nới lỏng để sửa sai

Mới đây, Trung Quốc quyết định nới lỏng việc hạn chế sinh đẻ, nhằm giải quyết hai vấn đề liên quan cơ cấu dân số nước này. Đó là vấn đề già hóa dân số nhanh chóng liên quan những khó khăn chi trả lương hưu trong tương lai và sụt giảm số người trong độ tuổi lao động vốn rất cần cho sản xuất công nghiệp kể từ năm 2012. Theo quy định mới, các cặp vợ chồng thành thị có thể sinh hai con nếu một trong hai người là con độc nhất.

Theo chuyên gia dân số học Wang Feng ở Đại học Phúc Đán ở thành phố Thượng Hải, mỗi năm sẽ có thêm 1-2 triệu đứa trẻ thứ hai chào đời (trên tổng số 15-16 triệu đứa trẻ sinh hằng năm), không gây ra hiện tượng bùng nổ sinh nở ở Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều cặp vợ chồng nói sẽ không sinh con thứ hai vì nuôi dạy quá tốn kém.

Thục Ninh
Theo BBC, Liberation

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG