Trung Quốc gia tăng tấn công Mỹ trên mặt trận tuyên truyền

Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên KhảiẢnh: Jim Bourg
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên KhảiẢnh: Jim Bourg
TP - Các nhà ngoại giao Trung Quốc gần đây đăng hàng loạt thông điệp trên Twitter để tấn công Mỹ, mở ra một mặt trận mới trong cách tiếp cận ngày càng quyết liệt của Bắc Kinh về ngoại giao và tuyên truyền. 

Tuần trước, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải đăng nhiều đoạn tweet trên tài khoản Twitter mới mở, trong đó có đoạn về Đài Loan, hòn đảo tự trị mà Trung Quốc luôn coi là phần lãnh thổ của họ. Đoạn tweet của ông Thôi thu hút hàng ngàn lượt bình luận.

“Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Không nỗ lực nào nhằm chia cắt Trung Quốc sẽ thành công. Những kẻ đùa với lửa sẽ chỉ tự làm mình bị bỏng”, ông Thôi viết, sau khi Trung Quốc dọa trừng phạt các công ty Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan.

Và cuối tuần qua, hàng loạt đoạn tweet có nội dung bảo vệ chính sách của Trung Quốc ở Tân Cương được nhà ngoại giao Zhao Lijian, thuộc Đại sứ quán Trung Quốc ở Pakistan, đăng lên. Những thông  điệp đó chỉ trích Mỹ cũng có các vấn đề nhân quyền và điều mà ông gọi là thói đạo đức giả.

Reuters dẫn lời bà Yuan Zeng, một giảng viên về truyền thông tại ĐH Leeds (Anh), cho rằng những tweet trên của các nhà ngoại giao Trung Quốc cho thấy sự chuyển đổi rõ ràng trong chiến lược của Trung Quốc. “Các cá nhân quan chức thể hiện quan điểm công khai và quyết liệt như vậy thực sự là điều mới”, bà Zeng nói. 

Twitter bị chặn ở Trung Quốc và thông điệp của các nhà ngoại giao nước này được viết bằng tiếng Anh để nhắm tới độc giả nước ngoài.

Những đoạn tweet của ông Zhao nhằm đáp trả việc 22 quốc gia trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp quốc tuần trước kêu gọi Trung Quốc dừng việc bắt giữ ở Tân Cương.

Ông Zhao chỉ trích Mỹ đối xử không tử tế với người Hồi giáo ở những nơi như Iraq và nhà tù Guantanamo, nơi các tay súng al Qaeda bị giam giữ. Ông nhắc đến bài báo trên Washington Post về vấn đề phân biệt chủng tộc ngay ở thủ đô nước Mỹ, rồi viết hàng tweet về vấn đề bạo lực súng đạn, tội phạm thù hận và bạo lực với phụ nữ.

“Nếu bạn ở Washington, D.C., bạn sẽ biết rằng người da trắng không bao giờ đến khu vực đông nam, vì đó là khu vực của người da trắng và Latin. Có câu nói rằng “đen vào và trắng ra”, nghĩa là khi nào có một gia đình người da màu đi vào, người da trắng sẽ đi ngay, và giá của căn hộ sẽ giảm mạnh”, ông Zhao viết bằng tiếng Anh.

Những đoạn tweet này thể hiện đầy đủ sự quyết liệt của Trung Quốc trên mặt trận ngoại giao và vươn tới nhiều độc giả hơn so với các phương tiện truyền thông truyền thống. Nhưng cách làm này chưa chắc đã mang lại hiệu quả cao, bà Zeng đánh giá.

“Tôi nghi ngờ hiệu quả mà cách làm đó có thể mang lại để tạo ra một môi trường quốc tế tốt hơn cho Trung Quốc để giúp họ lớn lên hoặc dẫn đầu, như cách chính phủ Trung Quốc nói, nhằm hợp tác hòa bình với thế giới”, bà Zeng nói.

Đáp lại ông Zhao trên Twitter, bà Susan Rice, cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ và đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc dưới thời chính quyền Obama, gọi nhà ngoại giao này là “sỉ nhục chủng tộc” và “ngu dốt đáng kinh ngạc”, và kêu gọi ông Thôi hay bảo đảm ông Zhao phải bị cắt chức. Ông Zhao lập tức đáp trả và nói rằng ông làm việc ở Islamabad, không phải ở Washington, nơi ông Thôi làm đại sứ.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định nước này khuyến khích các quan chức “thể hiện rõ quan điểm và thái độ của Trung Quốc”, tham gia các diễn đàn mạng xã hội ở nước ngoài và tìm ra những cách hợp tác sâu hơn với truyền thông. “Chúng ta đang tiến gần trung tâm vũ đài thế giới hơn bao giờ hết. Nhưng chúng ta không kiểm soát được hoàn toàn chiếc micro”, bà Hoa viết trong bài viết đăng tuần trước trên ấn phẩm của Trường đảng Trung ương, nơi đào tạo các quan chức Trung Quốc.

MỚI - NÓNG
Bình luận

Có thể bạn quan tâm

Phụ huynh đưa con đi thi đánh giá năng lực để xét tuyển ĐH năm 2024 (ảnh mang tính minh họa). Ảnh: MẠNH THẮNG

Hoa mắt vì phần mềm ứng dụng trung gian

TP - Chị Nguyễn Thị Thu (quận Cầu Giấy, Hà Nội, có 3 con đang học ở 3 cấp học) cho biết, trên điện thoại của chị hiện có 3 phần mềm ứng dụng (app) để quản lí việc học của con, chưa kể hàng chục app khác ở nhiều lĩnh vực mà app nào cũng gần như bắt buộc phải có.