Viện trưởng Viện KSND Bắc Kinh Li Xinsheng cho biết phần thưởng nhằm tăng cường sự giám sát của công chúng đối với hành vi của các quan chức và khuyến khích người dân báo cáo bất kỳ hành vi không phù hợp nào, China Daily đưa tin ngày 26/6/2014.
Ông Li nói: “Báo cáo hành vi phạm tội là quyền của người dân theo luật pháp. Đây cũng là một cách quan trọng để người dân chống tham nhũng và chống lạm dụng quyền lực”.
Ông cho biết Viện KSND khuyến khích người dân sử dụng tên thật của họ khi báo tin tham nhũng vì họ đều được bảo vệ danh tính. Kể từ năm 2013 đến giữa năm 2014, Viện KSND nhận được hơn 4.900 tin báo tham nhũng, nhưng không có bất kỳ người báo tin nào bị rò rỉ danh tính, Viện trưởng Viện KSND Bắc Kinh nói.
Trước khi mức tiền thưởng tối đa 100.000 nhân dân tệ được áp dụng, một người dân đã được thưởng 20.000 nhân dân tệ (66 triệu đồng) sau khi báo tin về một quan chức nhà nước nhận hối lộ 510.000 nhân dân tệ (gần 1,7 tỷ đồng). Vị quan tham này sau đó bị kết án 6 năm tù, ông Li cho biết.
Lưu Thiết Nam, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc, năm 2014 bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ. Ảnh: Xinhua. |
Mức thưởng không giới hạn
Các thành phố khác, như Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, cũng tặng tiền mặt lên tới 100.000 nhân dân tệ cho người báo tin tham nhũng.
Bà Ye Yuqiu, Phó viện trưởng Viện KSND Hàng Châu, cho biết hồi năm 2014 rằng thành phố đã đề nghị cư dân tham gia chiến dịch chống tham nhũng. Viện KSND treo giải thưởng tối đa 100.000 nhân dân tệ cho người cung cấp manh mối hữu ích để hạ bệ quan chức tham nhũng.
Đối với thông tin cực kỳ quan trọng, không có giới hạn về mức thưởng. Bà Ye nói: “Thông tin từ người dân là một phương tiện quan trọng để chúng tôi phát hiện và điều tra các vụ tham nhũng”.
Từ tháng 1/2013 đến tháng 5/2014, các cơ quan công tố thành phố Hàng Châu đã nhận được 867 tin báo tham nhũng, gồm 376 trường hợp được báo cáo ẩn danh. Các cơ quan điều tra đã xử lý 561 vụ. “Nhiều manh mối trong số này có tầm quan trọng cao”, bà Ye nói.
Bà Ye cho biết các công tố viên coi trọng tin báo của người dân và Viện KSND đã thành lập một trung tâm chuyên tiếp nhận tin báo. Bà nói: “Đối với những người báo cáo bằng tên thật, chúng tôi cam kết sẽ phản hồi nghiêm túc”. Ngày 1 và ngày 15 hằng tháng, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện KSND sẽ gặp người trực tiếp trình báo chứng cứ.
Zhang Xin, cựu Phó Cục trưởng Cục Quản lý và An ninh nhà ở Hàng Châu, đã nhận hối lộ tổng cộng 124 triệu nhân dân tệ (409,2 tỷ đồng), bao gồm tiền mặt, ô tô và căn hộ, để trục lợi cho người khác trong các dự án xây dựng. Vị quan tham này đã bị kết án tử hình, Xinhua đưa tin ngày 16/9/2014.
Ông Jiang Mingan, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng việc thưởng tiền, khuyến khích người dân tham gia chiến dịch chống tham nhũng thể hiện quyết tâm của Trung Quốc trong việc loại bỏ tận gốc nạn tham nhũng.
Trung Quốc đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm khiến quan chức không dám, không thể, không muốn tham nhũng. Minh họa: The China Project. |
Thưởng người báo tin về an ninh quốc gia
Thông qua tờ báo Legal Daily hôm 8/6/2022, Bộ An ninh Quốc gia của Trung Quốc thông báo, phần thưởng tiền mặt từ 10.000-100.000 nhân dân tệ (33-330 triệu đồng) sẽ được trao cho người báo tin về các hành vi gây nguy hại cho an ninh quốc gia, giúp ngăn chặn, trấn áp và trừng phạt các hành vi này.
Tiền thưởng lên tới 2,4 tỷ đồng
Sở An ninh Quốc gia Bắc Kinh công bố vào năm 2017 rằng những người báo cáo hoặc hỗ trợ xác định “các hoạt động gián điệp” sẽ được thưởng 20.000-100.000 USD (từ 480 triệu đồng tới 2,4 tỷ đồng), Reuters đưa tin. Năm 2022, Trung Quốc đã mở rộng chiến dịch an ninh quốc gia, tập trung vào chống ly khai, chống khủng bố, bảo đảm an toàn sinh học và an ninh mạng.
Bộ An ninh Quốc gia tuyên bố: “Việc thực hiện biện pháp này có lợi cho việc huy động đầy đủ sự nhiệt tình của công chúng để ủng hộ, hỗ trợ công tác an ninh quốc gia, tập hợp rộng rãi trái tim, tinh thần, trí tuệ và sức mạnh của người dân”.
Ngoài tiền mặt, người báo tin còn nhận được phần thưởng tinh thần như giấy chứng nhận, bằng khen. Bộ An ninh Quốc gia có thể tổ chức lễ trao thưởng, lễ tuyên dương cho người cung cấp thông tin nếu họ đồng ý.
Bộ An ninh Quốc gia cho biết, người dân có thể cung cấp thông tin qua mạng, qua điện thoại hoặc qua đường bưu điện và họ có thể thực hiện việc này một cách ẩn danh, nhưng họ phải cung cấp thông tin cá nhân để được nhận phần thưởng. Nếu nhiều người báo tin cùng một nội dung thì chỉ người đầu tiên được nhận phần thưởng.
Việc tăng phần thưởng cho người báo tin được cư dân mạng Trung Quốc được hoan nghênh nồng nhiệt trên mạng xã hội Weibo. Một người dùng viết: “Thành thật mà nói, nếu có bất kỳ tin gì, tôi sẽ báo ngay, dù không có bất kỳ phần thưởng nào”. Một người khác cho rằng, báo tin như vậy sẽ mang lại lợi ích cho quốc gia.
Các biện pháp tăng phần thưởng cho tin báo như vậy phù hợp với “tư duy về pháp quyền và an ninh quốc gia nói chung” của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Xinhua đưa tin.
Năm 2015, Trung Quốc đã triển khai đường dây nóng (hotline) để tiếp nhận thông tin về các mối đe dọa an ninh quốc gia, trong đó có gián điệp nước ngoài.
Năm 2022, cảnh sát Hong Kong (Trung Quốc) khởi động lại đường dây nóng chống khủng bố và trao phần thưởng bằng tiền mặt cho người cung cấp thông tin về những đối tượng mà họ coi là cực đoan, cấp tiến. Hotline lần đầu ra mắt vào năm 2019 trong bối cảnh các cuộc biểu tình lan rộng.