Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị tướng huyền thoại - Bộ trưởng Giao thông

0:00 / 0:00
0:00
TP - Là vị tướng hiếm hoi được thăng quân hàm vượt cấp trong lịch sử quân sự Việt Nam, tên tuổi Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trở thành một huyền thoại gắn liền với huyền thoại Trường Sơn trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Ít người biết, khi sau khi đất nước hòa bình, “súng gươm vứt bỏ” vị tư lệnh này lại tiếp tục tạo nên dấu ấn lịch sử trong việc hình thành tuyến đường Hồ Chí Minh chạy dọc đất nước và xây dựng cầu Chương Dương cho Hà Nội.

Được thăng quân hàm vượt cấp

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923-1/3/2023), các hoạt động tưởng nhớ ông diễn ra khắp cả nước. Ở thời điểm NXB Quân đội nhân dân ra mắt ba bộ sách về Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên gồm: Trọn một con đường, Tư lệnh bộ đội Trường Sơn và Đồng Sỹ Nguyên tuyển tập, rất nhiều câu chuyện đặc biệt về vị tướng huyền thoại này đã được người thân và đồng đội của ông kể lại.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị tướng huyền thoại - Bộ trưởng Giao thông ảnh 1
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên khảo sát tuyến đường Trường Sơn

Đại tá Nguyễn Duy Tường, người chấp bút ba cuốn sách cho biết: Bộ đội Trường Sơn có lịch sử xây dựng và chiến đấu kéo dài 16 năm, thì Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên có gần 10 năm trên cương vị là Tư lệnh (1967 - 1976), chỉ huy 9 sư đoàn và 21 trung đoàn trực thuộc, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện cho các hướng chiến trường của cả 3 nước Đông Dương. Đây cũng là giai đoạn bộ đội Trường Sơn phải đối mặt với sự đánh phá ác liệt, dữ dội nhất, những thủ đoạn tinh vi, tàn bạo nhất, những loại vũ khí tối tân, hiện đại nhất của địch.

“Trong gia đình tôi, ngoài Ba, Mẹ tôi là “Bộ đội Cụ Hồ” thì 5 trong 6 anh chị em chúng tôi cũng đều nhập ngũ. Trong đó người em trai thứ tư - Nguyễn Tiến Quân, đã bỏ giấy gọi thi đại học, nhập ngũ vào trường Sỹ quan Pháo binh - tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, và đến chiến tranh biên giới phía Bắc thì em hy sinh, lúc là Đại đội trưởng Pháo binh. Nhận được tin người con trai thứ tư của mình hy sinh, Ba tôi nén đau thương tiếp tục làm công việc kiêm nhiệm vừa là Bộ trưởng Bộ Xây dựng - vừa là Tư lệnh Quân khu Thủ đô - chỉ huy lực lượng vũ trang Thủ đô lập tuyến phòng thủ sẵn sàng chiến đấu với quân xâm lược”.

Ông Nguyễn Sỹ Hưng -

con trai của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

Theo các số liệu đã được công bố, thì ngay từ đầu năm 1969, Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đã đưa ra kế hoạch xây dựng tuyến đường ống xuyên suốt Trường Sơn từ cửa khẩu vào tới chiến trường Nam Bộ với chiều dài khoảng 1.400 km. Đề xuất này được Đảng ủy - Bộ Tư lệnh thống nhất kiến nghị và được Quân ủy Trung ương phê chuẩn. Từ đó, một hệ thống đường ống xăng dầu hoàn chỉnh, liên hoàn cả Đông và Tây Trường Sơn được hình thành; đồng bộ với đó là hệ thống kho tàng phục vụ cấp phát suốt dọc tuyến với gần 50 kho lớn, nhỏ có trữ lượng 27.000 m3, 114 trạm bơm đẩy có sức bơm 600-800 m3/ngày đêm.

Việc xây dựng tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn được đánh giá là đã giải quyết cơ bản việc cung ứng xăng dầu cho tất cả các lực lượng vận tải của Bộ đội Trường Sơn lẫn lực lượng vận tải của 2 nước bạn Lào và Campuchia. Từ những con đường đơn lẻ, tuyến giao thông chiến lược Trường Sơn đã phát triển thành một mạng lưới đường - cầu nhiều trục dọc Bắc - Nam; Đông - Tây Trường Sơn xuyên cả ba nước Đông Dương; nối tất cả các chiến trường, tạo nên một hệ thống giao thông liên hoàn, đa dạng như “trận đồ bát quái xuyên rừng rậm”.

Đặc biệt trong chiến dịch Giải phóng Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh, tuyến đường ống xăng dầu Trường Sơn đã đáp ứng mọi yêu cầu về xăng dầu cho tất cả các lực lượng tham gia Chiến dịch một cách thuận lợi, kịp thời và nhanh chóng.

Từ khi có tuyến đường ống xăng dầu, lực lượng vận tải của Trường Sơn đã thoát khỏi cảnh phải sử dụng lực lượng lớn vận tải xăng dầu bằng xe téc và xe chở phi xăng. Trên mỗi ô tô vận tải sau đó không còn phải mang thùng phi xăng dầu dự phòng để dồn trọng tải cho việc chở hàng chi viện…

Ghi nhận những công lao và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng, năm 1974, vị chỉ huy Đồng Sỹ Nguyên được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị tướng huyền thoại - Bộ trưởng Giao thông ảnh 2
Con gái và trưởng nam của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong sự kiện ra mắt sách về bố (từ trái qua)

Dấu ấn sau chiến tranh

Hòa bình lập lại, đi ra từ chiến trường khốc liệt, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên hiểu hơn ai hết tầm quan trọng của những cung đường huyết mạch. Trong một thước phim tư liệu, ông từng nói: không có cầu đường làm sao mà phát triển kinh tế, không có cầu đường, làm sao mà bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa?

Chính Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên là người đầu tiên đề xuất đổi tên công trình Xa lộ Bắc - Nam thành đường Hồ Chí Minh để xứng đáng với vai trò và tầm vóc của tuyến đường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đến năm 1999, Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải đồng ý với đề xuất của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên và một số cán bộ lão thành cách mạng. Kể từ đó, công trình Xa lộ Bắc - Nam chính thức lấy tên gọi mới là đường Hồ Chí Minh.

Năm 2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), và điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).

Tháng 4/1982, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên được Đảng và Nhà nước phân công đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT). Ngay khi ngồi vào “ghế nóng”, Bộ trưởng Đồng Sỹ Nguyên đã cho rà soát lại toàn bộ hệ thống giao thông từ đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển và đường hàng không để đưa ra các giải pháp khắc phục, từng bước đưa ngành GTVT vượt khó.

Thời điểm đó, ngoài cầu Thăng Long đang được xây dựng, Hà Nội chỉ có duy nhất cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Sự xuống cấp và quy mô nhỏ hẹp của cầu Long Biên khiến tuyến giao thông vượt sông Hồng gặp rất nhiều khó khăn, cản trở. Cảnh ách tắc luôn xảy ra, người ta gọi cầu Long Biên là “cây cầu dài nhất thế giới” do xe phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới qua được!

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên: Vị tướng huyền thoại - Bộ trưởng Giao thông ảnh 3
Bộ ba cuốn sách được NXB Quân đội nhân dân phát hành nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên

“Lúc ấy, yêu cầu làm cầu vượt qua sông Hồng đã rất cấp bách và không thể chậm trễ hơn được nữa. Nếu làm cầu treo cáp cứng thì đội ngũ kỹ sư cầu đường của chúng ta chưa có công nghệ, còn xây dựng cầu treo cáp mềm trong thời bình thì lại không an toàn cho các phương tiện. Sau khi nghe anh em kỹ thuật trình bày các giải pháp thiết kế, tôi đã quyết định lựa chọn phương án làm cầu bê tông dầm thép”, (Trích lời Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên trong tư liệu gia đình).

Giữa tháng 12/1983, cầu Chương Dương được khởi công xây dựng, và đến 30/6/1985 thì đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không có sự trợ giúp kỹ thuật của các kỹ sư nước ngoài. Thậm chí dầm thép để làm cầu Chương Dương cũng là tận dụng các dầm thép của các cầu đường sắt được viện trợ thời chiến tranh chống Mỹ, được gia công lại.

Kế hoạch xây dựng cầu trong hai năm nhưng đã hoàn thành chỉ trong vòng một năm rưỡi. Đây là công trình đạt kỷ lục về tiến độ thi công chưa từng có trong lịch sử ngành Cầu đường Việt Nam lúc bấy giờ.

Với việc thông xe cầu Chương Dương, việc đi lại qua sông Hồng từ khu vực nội đô Hà Nội, được giải quyết căn bản, góp phần quyết định vào việc thay đổi bộ mặt của khu vực Gia Lâm, Yên Viên, Sài Đồng, Như Quỳnh… và thúc đẩy giao thương, phát triển kinh tế của cả khu vực các tỉnh dọc bờ Bắc sông Hồng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên tên khai sinh là Nguyễn Hữu Vũ, bí danh Nguyễn Văn Đồng, sinh ngày 1/3/1923 tại xã Quảng Trung, huyện Quảng Trạch (nay là thị xã Ba Đồn), tỉnh Quảng Bình trong một gia đình có truyền thống cách mạng.

Ông tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1938 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) vào tháng 12/1939 khi mới 16 tuổi.

“Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên đã trải qua nhiều cương vị, trên nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau. Dù ở cương vị, trọng trách, điều kiện hoàn cảnh nào, ông cũng luôn giữ vững phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; mưu lược, quyết đoán, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ huy, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó”.

(Trích phát biểu của Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng).

MỚI - NÓNG