Trước làn sóng sa thải, tài xế xe công nghệ: 'Cùng lắm về quê… chăn bò'

0:00 / 0:00
0:00
Trước thông tin về đợt cắt giảm hơn 1.000 nhân sự từ hãng xe công nghệ, không ít tại xế tại TPHCM không tỏ ra e ngại, lo lắng, mà... muốn chuyển nghề.

Làm 17 tiếng/ngày, thu nhập giảm 50%

Là tài xế công nghệ hơn 8 năm, anh N.H. (35 tuổi, ngụ TPHCM) thẳng thắn thừa nhận, gần đây thu nhập giảm rõ rệt. Anh đang cố gắng tìm một công việc khác tốt hơn, phù hợp với bản thân mình hơn sau chuỗi ngày "cơm đường cháo chợ".

Trước làn sóng sa thải, tài xế xe công nghệ: 'Cùng lắm về quê… chăn bò' ảnh 1

Trước làn sóng sa thải, không ít tài xế xe ôm công nghệ tỏ ra không quá lo lắng (Ảnh minh họa: Grab).

Mỗi ngày, anh H. lái xe từ 6h đến 23h. Thu nhập của 17 tiếng làm việc dao động từ 300 đến 400.000 đồng. Sau khi trừ chi phí xăng xe, ăn uống, anh còn giữ lại khoảng 250.000 đồng/ngày.

Anh H. cho hay, thu nhập này giảm đến 50% so với thời điểm 8 năm trước. Làm việc vất vả, nhưng tiền kiếm được chỉ nuôi sống bản thân anh, không đủ nuôi sống vợ và 2 con nhỏ. Vì gia cảnh thường xuyên thiếu trước hụt sau, vợ anh cũng phải gửi con, ra ngoài tìm việc.

Có thâm niên làm việc lâu năm, anh H. chưa từng chứng kiến cảnh vắng khách như hiện nay. Điều này khiến anh không khỏi thất vọng về công việc tưởng chừng sẽ là cứu cánh cho những người không có nghề nghiệp ổn định như anh.

Gần đây, khi số lượng người đăng ký làm tài xế càng nhiều, mức độ cạnh tranh càng cao và khách hàng, số cuốc của mỗi tài xế sẽ phải chia đều cho nhau.

Nói đến thông tin hãng Grab vừa cắt giảm 1.000 việc làm, tương đương 11% tổng lực lượng lao động, anh H. cho hay, anh không mấy bận tâm. Đối với anh, mọi thứ "đến đâu, hay đến đó".

Trước làn sóng sa thải, tài xế xe công nghệ: 'Cùng lắm về quê… chăn bò' ảnh 2
Với thu nhập giảm đến 50%, nhiều tài xế cho hay sẽ tìm một công việc khác phù hợp hơn (Ảnh minh họa: Grab).

"Không có công việc này thì tôi tìm công việc khác. Vì kinh tế khó khăn nên buộc tài xế phải cắn răng chịu đựng để kiếm tiền nuôi gia đình. Đến khi nền kinh tế tốt lên, tôi tin rằng tài xế sẽ tự động rời đi", anh H. chia sẻ.

Đồng cảm với H., anh N.T.H. (26 tuổi, ngụ TPHCM) cho hay bản thân sẽ bám trụ đến khi nào cảm thấy không còn chịu được nữa. Nếu làn sóng sa thải "ập" đến, anh H. cũng không nghĩ nhiều.

"Cùng lắm thì về quê… chăn bò. Công việc mình chọn thì chịu thôi. Năm nay khó khăn, làm được bao nhiêu hay bấy nhiêu", T.H. bộc bạch.

Dù mới làm tài xế công nghệ gần 5 tháng, T.H. vẫn thấy rõ sự thay đổi của công việc này. Làm việc 12 tiếng, từ 18h đến 6h sáng hôm sau, T.H. thu được 300-350.000 đồng. Những cuốc xe đêm, T.H. cũng khá e ngại sự nguy hiểm nhưng sức khỏe anh không cho phép chạy xe ban ngày giữa trời nắng.

Nuốt nước mắt bám nghề vì con

Trước đây, anh N.H. là nhân viên kỹ thuật máy tính với thu nhập không cao. Không những vậy, tính chất công việc lại gò bó thời gian khiến anh không chăm sóc được 2 con nhỏ. Thời điểm đó, H. biết đến công việc lái xe ôm công nghệ có thu nhập cao, thời gian lại linh hoạt nên không ngần ngại bỏ nghề để chạy xe ôm.

Thế nhưng, đến nay anh H. đã "vỡ mộng" khi công việc này quá vất vả, thu nhập ngày càng giảm so với kỳ vọng ban đầu.

"Làm nghề này vui cũng có mà buồn cũng có. Vui là được đi nhiều nơi, gặp nhiều khách hàng, học hỏi nhiều thứ trong xã hội. Nhưng chuyện buồn thì thôi, kể không hết!", H., nói.

Trong đó, H. chưa từng quên hôm bị bùng đơn hàng 1,7 triệu đồng. Hôm đó đúng vào ngày sinh nhật của con gái. Mặc dù làm đúng thủ tục từ hãng, nhưng anh vẫn bị từ chối hỗ trợ.

"Lúc đó khóc không thành tiếng vì không có tiền làm sinh nhật cho con. Đối với công việc này, tôi sẽ cố bám trụ đến khi tìm được công việc mới phù hợp hơn", H. trải lòng.

Trước làn sóng sa thải, tài xế xe công nghệ: 'Cùng lắm về quê… chăn bò' ảnh 3
Chuyên gia kinh tế cho rằng, không nên xem nghề lái xe ôm công nghệ là một nghề ổn định (Ảnh minh họa: An Chi)

Tài xế N.T.H. chia sẻ, anh cũng có nhiều kỷ niệm khó quên trong suốt quá trình làm việc. Không thể không kể đến những lần anh chở khách say hay đón khách ở những điểm vùng ven thành phố. Song, cũng bởi mưu sinh, anh phải tập làm quen với điều đó.

"Trước đây tôi đi làm lương có 2,5 triệu đồng thôi, nên có thể tôi vẫn khá hài lòng với mức thu nhập hiện tại. Còn nói về lâu dài thì chắc không. Tôi vẫn thích cuộc sống ở quê nhà Quảng Ngãi hơn. Một ngày nào đó tích cóp đủ tiền, tôi sẽ về quê lấy vợ và sinh sống", T.H. tâm sự.

TS. Huỳnh Thanh Điền (Giảng viên trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho biết, đối với những tài xế công nghệ làm việc bán thời gian, việc ế cuốc là chuyện bình thường.

Không những vậy, công việc này vốn không cần tay nghề, ai cũng làm được nên lượng tài xế ngày càng tăng khiến cho cung vượt cầu. Thời điểm này, thị trường lao động sẽ tự điều chỉnh, cung và cầu sẽ tự cân bằng nhau. Từ đó, ông Điền dự đoán sẽ không còn nhiều người theo nghề tài xế xe ôm công nghệ nữa, nguồn lao động sẽ được "trả" lại cho những ngành nghề khác.

Ông Điền nhấn mạnh, không nên xem công việc lái xe ôm công nghệ là một nghề ổn định, bởi nó chỉ như "phao cứu sinh" khi lao động chưa có tay nghề hoặc đang không biết làm gì. Công việc này chỉ có thể giải quyết được lượng lao động nhàn rỗi, không phải là công việc mang lại sự ổn định lâu dài, "nghĩa là nó không bền".

Theo Dân trí
MỚI - NÓNG
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.