Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng ĐHQG TP. HCM nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam và đánh giá cao những thành quả đạt được: “Tôi rất vui khi biết liên tục 3 năm gần đây, ĐHQG TP. HCM góp mặt trong nhiều bảng xếp hạng đại học tốt nhất thế giới và châu Á. Nhiều nhà khoa học, giảng viên, sinh viên của ĐHQG TP. HCM đã đạt được những thành tựu danh giá, được vinh danh trên trường học thuật quốc tế”.
Đồng chí cũng đánh giá cao ĐHQG TP. HCM có nhiều đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian vừa qua tại TP. HCM: Hỗ trợ trưng dụng KTX làm khu cách ly, hỗ trợ y, bác sĩ và sinh viên từ khoa Y, sản xuất các sản phẩm chống dịch. Những hoạt động này đóng góp lớn cho cộng đồng, dù trong bối cảnh đại dịch, ngành giáo dục là một trong số những mặt của đời sống xã hội chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, thêm vào đó, TP. HCM là địa phương bị tác động nặng nề nhất.
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng ĐHQG TP. HCM. |
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đã chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà ĐHQG TP. HCM đối mặt, đồng thời biểu dương những nỗ lực và cống hiến của các giảng viên, sinh viên. Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư kỳ vọng ĐHQG TP. HCM xây dựng và phát triển mô hình tự chủ đại học tiên tiến, triển khai mô hình quản trị đại học hiện đại, hiệu quả theo chuẩn mực quốc tế. Từng bước thực hiện chuyển đổi số, phát triển các giải pháp, nền tảng số, để trở thành hình mẫu dẫn dắt chuyển đổi số trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
PGS. TS Vũ Hải Quân - Giám đốc ĐHQG TP. HCM kiến nghị Ban Tuyên giáo T.Ư sớm xây dựng và ban hành chiến lược tổng thể phát triển giáo dục đại học ở Việt Nam, trong đó có phân tích, dự báo nhu cầu về nguồn nhân lực trình độ cao cho mỗi giai đoạn, đề xuất kinh phí đầu tư của Nhà nước để đào tạo nhóm lao động này.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đến thăm Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm (Research Center for Infectious Diseases - RCID) do ĐHQG TP. HCM thành lập, trực thuộc trường ĐH Quốc tế.
PGS. TS Nguyễn Phương Thảo, phụ trách đề án RCID giới thiệu về Trung tâm với Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư Nguyễn Trọng Nghĩa. |
Sự ra đời của RCID đáp ứng hoàn cảnh cấp thiết về tình hình dịch bệnh hiện nay tại Việt Nam nói chung và TP. HCM nói riêng, đặc biệt từ cuối năm 2019, cả thế giới đã chứng kiến sự xuất hiện của đại dịch COVID-19.
Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm – RCID góp phần kêu gọi các nhà nghiên cứu và đề tài nghiên cứu chuyên sâu về bệnh truyền nhiễm giúp lĩnh vực nghiên cứu này lớn mạnh hơn. Trong dài hạn, RCID nghiên cứu về các bệnh truyền nhiễm trong khu vực Đông Nam Á, có khả năng sáng tạo và cung cấp các giải pháp công nghệ và dịch vụ nhằm ứng phó với dịch bệnh.
Kế hoạch hoạt động của RCID là Quản lý dịch bệnh, nghiên cứu cơ chế gây bệnh, phát triển các kit xét nghiệm - chẩn đoán, phát triển vắc xin và kháng thể đơn dòng, thuốc và các chiết xuất phòng chống tác nhân gây bệnh, xây dựng các mô hình thử nghiệm.
RCID sẽ được giao sử dụng cơ sở vật chất của trường ĐH Quốc tế với diện tích 540 m2, bao gồm Phòng thí nghiệm: BSL-2, Phòng thí nghiệm SHPT, Văn phòng phụ trợ, Xây dựng khu vực nuôi động vật, Phòng sạch sản xuất pilot… Tổng giá trị tài sản đầu tư và thực hiện nghiên cứu dự kiến cho Trung tâm trong giai đoạn 2021 - 2026 là 145 tỷ đồng từ nguồn tài trợ của ĐHQG TP. HCM và đối ứng của trường ĐH Quốc tế (37 tỷ đồng).