Trường học ở TPHCM lên kịch bản mở cửa đón học sinh

0:00 / 0:00
0:00
Học sinh TPHCM trong lúc chờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 hồi cuối tháng 11
Học sinh TPHCM trong lúc chờ tiêm vắc xin phòng COVID-19 hồi cuối tháng 11
TPO - TPHCM sẽ thực hiện việc mở lại cửa trường, đón học sinh đến trường học tập trực tiếp tùy thuộc vào cấp độ dịch của địa phương nơi trường trú đóng. Ở cấp độ cơ sở, bên cạnh khử khuẩn, chia tách lớp học, các trường cũng phải chủ động xây dựng phương án đảm bảo an toàn khi đón học sinh trở lại trường, đặc biệt là xử trí khi có F0 xuất hiện.

Do chỉ mới được bàn giao trường khoảng hơn 1 tuần nay sau một thời gian dài được trưng dụng làm công tác chống dịch nên trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (quận 4) đang gấp rút khử khuẩn, vệ sinh bàn ghế, phòng ốc... để chuẩn bị đón học sinh.

Ông Đỗ Đình Đảo - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài việc trang bị các thiết bị phòng chống dịch như khẩu trang, kính chống giọt bắn, găng tay, đồ bảo hộ, nhiệt kế không tiếp xúc, dung dịch sát khuẩn, trường còn tăng cường quạt thông gió tại các phòng, lắp đặt camera giám sát thực hiện và hỗ trợ truy vết F0, F1 (nếu có) tại các vị trí làm việc, học tập. Bố trí phòng cách ly nếu giáo viên, học sinh có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc tại đơn vị.

“Nếu xét theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch tại các cơ sở giáo dục thì trường đạt 9/10 tiêu chí”, ông Đảo nói và cho biết thêm, tính đến thời điểm hiện tại, trường có hơn 97% học sinh đã tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19, số còn lại chưa tiêm vì đã từng là F0, một số em vẫn còn kẹt ở tỉnh, vài em bị bệnh nền...

Về phương án khi đón học sinh trở lại trường, ông Đảo cho biết, trường sẽ tiến hành tách lớp ra làm đôi để đảm bảo giãn cách. Một lớp tách ra làm đôi sẽ được xếp học tại hai phòng liền kề nhau. Giáo viên giảng bài ở phòng này thì sẽ được kết nối trên màn hình tivi ở phòng kế bên để học sinh có thể xem, nghe được. Phương án này đã được trường thực hiện từ đợt dịch lần trước nên không có gì bỡ ngỡ.

Ông Phan Hồ Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Gò Vấp cho biết, trường đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện, tình huống để đón học sinh trở lại vào giữa tháng 12 tới. Theo ông Hải, thời điểm này, học sinh trong độ tuổi 12-17 ở TPHCM đã được tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 và đến giữa tháng 12 là đủ 14 ngày kể từ mũi tiêm thứ 2 nên đây là tiền đề tốt để học sinh trở lại trường.

Về công tác chuẩn bị, ông Hải cho hay, trường đã đặt thêm nước rửa tay, vệ sinh, khử khuẩn khuôn viên trường học, phân luồng, đo nhiệt độ khi học sinh vào trường… “Đây là những việc quen thuộc trong 2 năm qua nên nhà trường và học sinh đã rất quen thuộc, vấn đề mới trong lần mở lại cửa trường ở lần này là xây dựng phương án xử lý khi trường có F0", ông Hải nói.

Theo kịch bản của Trường THPT Nguyễn Công Trứ, nếu có F0 là giáo viên, học sinh đang ở trường thì sẽ cách ly và báo cho cơ sở y tế tại địa phương trong thời gian nhanh nhất. Những học sinh trong lớp của F0 cũng được cho về nghỉ. Trường hợp phụ huynh chưa thể đón ngay, các em sẽ được bố trí ở phòng cách ly. Phòng cách ly đã được trường sắp xếp ở gần nhà vệ sinh nên khi cần, học sinh có thể tạm cách ly, phong tỏa cả phòng chờ và nhà vệ sinh…

Bên cạnh việc cân nhắc chia nhỏ, phân ca lớp học để thực hiện giãn cách, Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1) cũng lên các kịch bản khi có F0 xuất hiện. Bà Vũ Thị Ngọc Dung-Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có thể cho cả lớp nghỉ nếu có học sinh trong lớp bị F0, F1 và tiếp tục học online để theo dõi sức khỏe.

Các lớp khác vẫn học bình thường. Tuy nhiên, bà Dung cũng bày tỏ băn khoăn nếu trường hợp có nhiều F0 ở các lớp khác nhau thì chưa biết xử lý thế nào và liệu có đóng cửa trường, chuyển sang học online hết hay không.

Mở trường theo cấp độ dịch

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TPHCM, việc mở lại cửa và đón học sinh đến trường học tập trực tiếp tùy thuộc vào cấp độ dịch của địa phương nơi trường trú đóng.

Cụ thể, với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1 (nguy cơ thấp) được tổ chức dạy học trực tiếp nhưng không quá 30 tiết/tuần, còn lại thực hiện trên Internet. Đối với cấp độ 2 (nguy cơ trung bình) được tổ chức dạy học trực tiếp, thời lượng, số lượng học sinh đi học, quy định một số hoạt động theo cấp học. Đối với cấp độ 3 (nguy cơ cao) được tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình. Đối với cơ sở giáo dục ở địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) tổ chức hình thức dạy học trực tuyến, trên truyền hình và giao bài cho học sinh tự học.

Để chuẩn bị cho việc đón học sinh trở lại trường, ngày 6/12, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức cuộc họp trực tuyến với sự tham gia của đại diện UBND TPHCM và các quận huyện, lãnh đạo các phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, trường nhiều cấp học,…

Tiếp đến, ngày 10/12, các cơ sở giáo dục tổ chức sinh hoạt, hướng dẫn các công tác an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho học sinh khi trở lại trường học trực tiếp. Kịp thời báo cáo các vấn đề phát sinh trong dạy học trực tiếp liên quan đến công tác phòng chống dịch COVID-19 về Ban chỉ đạo phòng chống dịch của địa phương và Sở GD&ĐT…

Trước đó, ngày 1/12, UBND TPHCM chính thức cho phép các trường thí điểm dạy học trực tiếp đối với lớp 1, 9, 12 từ ngày 13/12. Sau đó 1 tuần là trẻ mầm non. Sau 2 tuần thí điểm, các Sở, ban ngành sẽ tổ chức họp để đánh giá và rút kinh nghiệm, từ đó đi đến quyết định cho học sinh đi học đồng loạt trở lại từ tháng 1/2022.

MỚI - NÓNG