Khi trường đại học nằm trong khu vực cách ly hoặc giãn cách xã hội thì nhà trường sẽ hỗ trợ sinh viên bằng cách nào? Có nhiều cách, trong đó có phong trào thầy cô quyên góp ủng hộ sinh viên đang ở trong ký túc xá. Khi phong trào được phát động có một số ý kiến phản đối: Sinh viên chắc gì đã cảm thấy thoải mái khi nhận được hàng cứu trợ từ thầy cô vì hầu hết họ vẫn đang tự lo được cuộc sống và ngoài xã hội còn biết bao nhiêu đối tượng khó khăn hơn đang cần những hỗ trợ như thế. Thực tế là sau đó nhiều sinh viên đã lên tiếng muốn nhường sự quan tâm đến những bác sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch hoặc những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, nhiều bạn còn tình nguyện tham gia vào các đoàn chống dịch, họ muốn chung tay cùng các tổ chức xã hội chống dịch. Tôi nghĩ đây cũng là tinh thần chung của sinh viên, tuổi trẻ hiện nay.
Thực ra những thầy cô muốn quyên góp ủng hộ sinh viên chẳng có lỗi gì cả bởi việc họ làm xuất phát từ trái tim của phụ huynh, họ coi sinh viên như con em mình và hành động đầu tiên thể hiện sự quan tâm yêu quý chính là đồ ăn, thức uống hằng ngày... Một số sinh viên cũng muốn được quan tâm kiểu này. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi thì cái mà sinh viên cần hơn lúc này là cách hướng dẫn để chung sống và vượt qua khó khăn, họ cần chiếc cần câu hơn là con cá. COVID-19 là một bài test “nặng đô” cho quãng đường tương lai đầy chông gai sắp tới của các bạn sinh viên. Một tân cử nhân không biết tự lo cho bản thân mình thì làm sao hoàn thành được công việc của công ty, của cơ quan?
Khi vào trường đời, các tân cử nhân sẽ có lúc gặp nhiều khó khăn khó vượt qua hơn cả COVID-19, lúc đó chẳng có ai quyên góp giúp các bạn ấy đâu. Trường học tốt phải là nơi giúp sinh viên gần với trường đời nhất có thể. Tôi tin là như thế.