Truyền lửa khát vọng cống hiến:

Truyền lửa khát vọng cống hiến - Bài 14: Chinh phục bầu trời

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với tổng số hơn 600 giờ bay tích lũy trong các nhiệm vụ, Đại úy Lê Văn Tùng (SN 1993) là một trong những phi công giỏi của Không quân nhân dân Việt Nam hiện nay. Anh là một trong 20 đề cử Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.

Vượt qua ngưỡng cửa khó khăn

Tiếp bước truyền thống gia đình khi cả ông nội và ông ngoại đều là lính trận trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Lê Văn Tùng đăng ký khám tuyển phi công quân sự ở tuổi 18. Trải qua các vòng khám kỹ lưỡng với những yêu cầu khắt khe, chàng trai quê Nam Trực, Nam Định, trở thành chiến binh trên bầu trời Tổ quốc. Anh hiện là Đại úy, Phó Phi đội trưởng Phi đội 2 thuộc Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370 (Quân chủng Phòng không - Không quân).

Truyền lửa khát vọng cống hiến - Bài 14: Chinh phục bầu trời ảnh 1

Đại úy Lê Văn Tùng, Trung đoàn Không quân 937, trong một lần thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị.

Nhớ lại quãng thời gian 4 năm văn ôn, võ luyện tại Trường Sĩ quan Không quân, Đại úy Tùng kể: Trong 2 năm đầu, nội dung khó nhất và ấn tượng nhất với anh là nhảy dù huấn luyện. Do tính chất nguy hiểm, nên học viên phi công phải được học kỹ lý thuyết và tập điều khiển dù, xử lý tình huống trên không thật chắc chắn.

“Để thực hiện tốt nhiệm vụ canh giữ bầu trời đất nước, tôi xác định bản thân phải có ý chí quyết tâm cao, luôn chủ động học tập nâng cao trình độ và rèn luyện thể lực tốt để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bài bay, khoa mục bay”.

Đại úy LÊ VĂN TÙNG - Trung đoàn Không quân 937

Các học viên phải có bản lĩnh và tư tưởng tốt thì mới dám nhảy ra khỏi máy bay từ độ cao hàng nghìn mét trong lần đầu tiên thực hành. Bởi ở độ cao này, cơ thể phải chịu áp lực rất lớn từ dòng khí và bị xoay, lộn rất nhiều vòng. Khi dù bung ra phải nhanh chóng ổn định để lái, điều khiển tiếp đất.

“Sau 2 năm học lý thuyết, chúng tôi tiếp tục ra Viện Y học hàng không để giám định sức khỏe, nếu đủ điều kiện mới được bước sang giai đoạn thực hành bay trên dòng máy bay IAK-52. Đây là ngưỡng cửa khó khăn nhất, quyết định có trở thành phi công hay không. Tôi nhớ mãi hai chuyến bay xem địa hình (chuyến bay đầu tiên) và bay đơn đầu tiên (không có giáo viên bay kèm). Vượt qua thử thách này, năm 2015, tôi được chuyển sang chinh phục loại máy bay L-39”, Đại úy Tùng chia sẻ.

Sau ngày tốt nghiệp, anh Tùng được phân công về công tác tại Trung đoàn 937, Sư đoàn Không quân 370. Đây là đơn vị không quân chiến đấu được trang bị dòng phản lực siêu âm SU-22M4, nên đòi hỏi rất cao về sức khỏe, kỹ thuật lái dẫn đường. Năm 2021, anh được phong danh hiệu phi công cấp 3 và được bổ nhiệm làm Biên đội trưởng thuộc Phi đội 2. Một năm sau, anh được bổ nhiệm là Phó Phi đội trưởng, Tham mưu trưởng Phi đội 2.

Cú bổ nhào ấn tượng tại trường bắn

Một trong rất nhiều nhiệm vụ được Đại úy Tùng hoàn thành xuất sắc là cú bổ nhào cắt bom chuẩn xác ở trường bắn Như Xuân (Thanh Hóa) vào tháng 7/2023, tại Hội thao dẫn đường lực lượng Không quân toàn quân và diễn tập bắn ném bom, đạn thật. Đại úy Tùng là một trong 4 phi công được Trung đoàn 937 lựa chọn đi tham gia hội thao, trong vai trò phi công buồng trước với số hiệu 437. Bay cùng với anh là Phó Phi đội trưởng Phi đội 1 Trần Văn Bách (số hiệu 415) trong vai trò phi công buồng sau.

Sáng hôm diễn tập, ban bay của Đại úy Tùng được triển khai trong điều kiện khí tượng không thuận lợi, trời nhiều mây và tầm nhìn hạn chế, đặc biệt là bay tại một trường bắn lạ chưa quen thuộc địa hình. Tập trung cao độ vào việc quan sát mục tiêu chính, Đại úy Tùng giữ tốt số liệu và tăng cường quan sát địa tiêu thẳng đứng để xác định vị trí của mình, giữ tốt được các vị trí và vệt bay theo quy định. Sau một lúc quan sát, anh tiến hành bổ nhào từ độ cao 2.500m…

“Bổ nhào ném bom là ném bom trong điều kiện máy bay lao xuống với góc xuống lớn, tốc độ tăng nhanh và độ cao mất nhanh. Thời gian ngắm bắn chỉ từ 10 đến 15 giây, sau khi ném bom nếu không thoát ly kịp thời thì sẽ bị sát thương bởi chính mảnh văng quả bom mình ném ra. Đến độ cao 1.500m, xác định góc bổ nhào hơi nhỏ nên trong đầu tôi tính toán phải lấy độ cao để bù vào, chính vì vậy cần phải cắt bom ở độ cao thấp hơn. Khi thời cơ đến, tôi tiến hành cắt bom rồi thoát ly về sân bay, hạ cánh an toàn”, Đại úy Tùng nhớ lại.

Không chỉ xuất sắc trong các nhiệm vụ bay, Đại úy Lê Văn Tùng còn tích cực tham gia nghiên cứu khoa học. Anh cùng nhóm tác giả ở Trường Sĩ quan Không quân đã cho ra đời sáng kiến “Thiết kế và chế tạo mô hình hệ thống dẫn đường quán tính không giá”. Sáng kiến đã giành giải Ba Giải thưởng Tuổi trẻ sáng tạo trong Quân đội lần thứ 23 và được đưa vào giảng dạy cho các học viên phi công quân sự.

Với những thành tích trong quá trình công tác, năm 2023, Đại úy Lê Văn Tùng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen; T.Ư Đoàn tặng danh hiệu Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác năm 2023.

MỚI - NÓNG
Anh Thạo bên mộc bản. Ảnh: Nguyễn Thắng
Kỳ nhân khắc mộc bản ở Bắc Ninh
TPO - Anh Nguyễn Văn Thạo (xã Đình Tổ, thị xã Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) được xem là một kỳ nhân khắc mộc bản vùng đất Kinh Bắc. Nhiều năm qua, anh chuyên tâm với niềm đam mê khắc mộc bản, với mong muốn giữ lại những giá trị người xưa để lại.