Nguồn cảm hứng từ doanh nghiệp xã hội
Nghiên cứu tiêu biểu của TS Phan Tấn Lực - Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Kinh tế tài chính, trường ĐH Thủ Dầu Một: “A Systematic Literature Review on Social Entrepreneurial Intention” (Tổng quan hệ thống về ý định khởi sự kinh doanh xã hội) được đánh giá là nền tảng lý thuyết quan trọng trong lĩnh vực này. TS Lực cho biết, nguồn cảm hứng để lựa chọn chủ đề này xuất phát từ mô hình kinh doanh xã hội và sự phát triển bền vững mà doanh nghiệp xã hội mang lại.
TS Phan Tấn Lực - Giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, trường Kinh tế tài chính, trường ĐH Thủ Dầu Một. Ảnh: NVCC |
Khác với các doanh nghiệp truyền thống, doanh nghiệp xã hội không chỉ đặt mục tiêu lợi nhuận mà còn tập trung giải quyết các vấn đề cấp bách như xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và cải thiện công bằng xã hội. TS Phan Tấn Lực nhận định: “Kinh doanh xã hội định nghĩa lại thành công, không chỉ dựa trên báo cáo tài chính mà còn ở những tác động tích cực, lâu dài với cộng đồng”.
Theo TS Phan Tấn Lực, chính sự cân bằng giữa lợi ích kinh tế và trách nhiệm xã hội đã truyền cảm hứng cho anh khám phá sâu hơn về những yếu tố ảnh hưởng đến ý định khởi sự kinh doanh xã hội. Việc áp dụng các ý tưởng kinh doanh sáng tạo để giải quyết những thách thức xã hội là hành trình đầy thử thách nhưng cũng vô cùng ý nghĩa, khi các doanh nhân xã hội không ngừng đổi mới và kiên trì để tạo ra giá trị bền vững.
Những phát hiện quan trọng và đóng góp nghiên cứu
Nghiên cứu của TS Phan Tấn Lực làm rõ các xu hướng nghiên cứu chính trong lĩnh vực này. Đó là việc mở rộng các mô hình lý thuyết truyền thống, nghiên cứu tác động của các yếu tố cá nhân như tính cách, giáo dục, vai trò của môi trường văn hóa, chính sách và quá trình chuyển từ ý định khởi nghiệp sang hành động thực tế, vốn là giai đoạn thường gặp nhiều rào cản như tài chính và thiếu hỗ trợ xã hội.
TS Phan Tấn Lực trên giảng đường. Ảnh: NVCC |
“Khởi sự kinh doanh xã hội là một lĩnh vực mới mẻ, chính vì vậy, nó vẫn tồn tại nhiều khoảng trống cần được nghiên cứu sâu hơn”, TS Phan Tấn Lực nhận định. Các yếu tố như tác động của chính sách, văn hóa, hay các chương trình giáo dục hỗ trợ đều cần được hiểu rõ hơn để thúc đẩy sự hình thành và phát triển của doanh nghiệp xã hội.
Đóng góp lớn của nghiên cứu là việc tổng hợp, phân loại các công trình trước đó, từ đó đề xuất những hướng nghiên cứu mới. TS Phan Tấn Lực tin rằng, việc hiểu rõ động lực và rào cản đối với ý định khởi sự kinh doanh xã hội không chỉ giúp các nhà nghiên cứu có cơ sở lý thuyết vững chắc, mà còn hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách xây dựng các chương trình hiệu quả hơn.
Vai trò của giáo dục và chính sách
Giáo dục đóng vai trò then chốt trong việc khuyến khích giới trẻ tham gia vào hoạt động kinh doanh xã hội. TS Phan Tấn Lực nhấn mạnh: “Giáo dục không chỉ trang bị kiến thức mà còn truyền cảm hứng, định hình tư duy trách nhiệm xã hội cho thế hệ trẻ”. Qua các chương trình đào tạo, sinh viên được tiếp cận với cách kết hợp giữa lợi nhuận và giá trị xã hội, học cách giải quyết các vấn đề như bất bình đẳng, ô nhiễm môi trường một cách sáng tạo và bền vững.
Trước khi nhận Giải thưởng 'Khuê Văn Các' năm 2024, do T.Ư Đoàn trao tặng, TS Phan Tấn Lực từng được nhận Giải thưởng 'Nhà giáo trẻ tiêu biểu năm 2022',
Bên cạnh đó, chính sách và môi trường hỗ trợ cũng đóng vai trò không nhỏ. TS Phan Tấn Lực cho rằng, các nhà hoạch định chính sách cần xây dựng chiến lược khuyến khích như hỗ trợ tài chính, tăng cường nhận thức cộng đồng và thiết lập hệ thống luật pháp thuận lợi để tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp xã hội.
“Ở những quốc gia có nguồn lực hạn chế, doanh nghiệp xã hội chính là cầu nối giúp phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống của người dân”, TS Phan Tấn Lực chia sẻ.
TS Phan Tấn Lực thường xuyên tham gia các hoạt động xã hội. Ảnh: NVCC |
Với nhà khoa học trẻ Phan Tấn Lực, việc nhận Giải thưởng ‘Khuê Văn Các’ không chỉ là niềm tự hào mà còn là động lực để anh tiếp tục nghiên cứu và lan tỏa đam mê khoa học. Anh mong muốn sử dụng những phát hiện của mình để hỗ trợ các nhà giáo dục, nhà hoạch định chính sách và các doanh nhân trẻ trong việc thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.
“Nghiên cứu là hành trình không ngơi nghỉ, nơi mỗi thành tựu nhỏ là bước đệm để tôi tiến xa hơn”, TS Phan Tấn Lực chia sẻ. Với sự tận tâm và những đóng góp của mình, anh tin rằng các doanh nghiệp xã hội sẽ không chỉ là giải pháp kinh tế, mà còn là động lực thay đổi xã hội theo hướng tốt đẹp hơn.