TT-Huế chờ cơ chế đặc thù để bứt phá

0:00 / 0:00
0:00
Quỹ bảo tồn di sản Huế trở thành một cơ chế đặc thù cấp quốc gia giúp cho việc kêu gọi các nguồn lực được đẩy mạnh hơn, đẩy nhanh tiến trình bảo tồn di sản. Ảnh: Ngọc Văn
Quỹ bảo tồn di sản Huế trở thành một cơ chế đặc thù cấp quốc gia giúp cho việc kêu gọi các nguồn lực được đẩy mạnh hơn, đẩy nhanh tiến trình bảo tồn di sản. Ảnh: Ngọc Văn
TP - Những ngày gần đây, khi câu chuyện về cơ chế, chính sách đặc thù cho các địa phương, trong đó có TT-Huế được đưa ra bàn tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, người dân Huế kỳ vọng về một “cơ hội vàng” để bứt phá, phát triển hơn nữa trong tương lai.

Lâu nay từng tồn tại một thực tế, có một số tỉnh, thành ngỏ ý mong muốn được hỗ trợ kinh phí cho TT-Huế thực hiện về công tác trùng tu di tích, nhằm phát huy giá trị di sản Huế. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Ngân sách, việc dùng ngân sách cấp mình quản lý để hỗ trợ cho ngân sách tỉnh khác là không được phép. Do đó, một trong các cơ chế, chính sách đặc thù dành cho TT-Huế được xây dựng để trình Quốc hội thông qua lần này là thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế.

Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, cho rằng, việc thành lập Quỹ bảo tồn di sản Huế xuất phát từ thực tiễn. Lâu nay, Trung tâm đã kêu gọi nguồn lực từ những cá nhân, tổ chức để hỗ trợ cho việc bảo tồn, trùng tu di tích. Tuy nhiên, về lâu dài, theo ông Trung, cần hình thành một quỹ chính thống, quản lý bài bản, có quy mô quốc gia, hoạt động theo luật định, trong đó, cơ bản nhất là có thể dùng ngân sách của các địa phương hỗ trợ cho TT-Huế để trùng tu, phát huy giá trị di sản.

6 cơ chế, chính sách đặc thù cho TT-Huế

Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh TT-Huế Lê Trường Lưu cho biết, tỉnh đã làm việc với các ban, bộ ngành Trung ương để trình Quốc hội, Chính phủ xem xét thông qua nghị quyết với 6 cơ chế. Cụ thể: Cho phép tỉnh TT-Huế để lại nguồn thu từ khai thác di tích để phục vụ trùng tu di tích; Thành lập Quỹ bảo tồn di sản huy động từ nguồn xã hội phục vụ công tác trùng tu và bảo tồn di sản; Nâng mức trần vay lên 40% để giúp cho tỉnh có nguồn lực trong xây dựng và phát triển đô thị; Nâng định mức chi thường xuyên lên 45% so với các địa phương khác để tạo nguồn lực; Ngân sách tỉnh được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Cho phép tỉnh để lại 70% thuế xuất nhập khẩu vượt chỉ tiêu giao.

“Hệ thống di sản của Huế rất đồ sộ, gồm cả di sản vật thể và phi vật thể, di sản thế giới, di tích quốc gia… Nhu cầu kinh phí trùng tu di tích rất lớn, nhưng khả năng cân đối nguồn lực của TT-Huế còn khó. Khi có nguồn lực từ Quỹ bảo tồn di sản Huế, địa phương sẽ chủ động hơn trong việc trùng tu, bảo tồn di sản. Đặc biệt là xử lý được các tình huống khẩn cấp đối với các công trình di tích diện nguy cấp”, ông Hoàng Việt Trung nêu ý kiến.

Đề cập đến di sản văn hóa Huế, ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy Huế cho rằng, đó còn là di sản của Việt Nam và thế giới. Theo ông Định, trong công cuộc bảo tồn di sản Huế nhiều năm qua, ngoài nguồn lực từ ngân sách còn có nhiều nguồn lực khác đã được huy động. “Việc chính thức hóa và nâng tầm công tác này thành một cơ chế đặc thù cấp quốc gia sẽ giúp cho việc kêu gọi nguồn lực đóng góp trong và ngoài nước được đẩy mạnh hơn, đẩy nhanh tiến trình bảo tồn di sản Huế. Hiện nay, lãnh đạo tỉnh này đang cùng với các cơ quan Trung ương chuẩn bị để gấp rút tiến hành các thủ tục ban hành quy định về hình thành và hoạt động Quỹ bảo tồn di sản Huế, song song với việc lập ra danh mục các công trình, hạng mục cần được bảo tồn để phê duyệt, công khai kêu gọi các nguồn lực xã hội hóa. Tôi tin, quỹ này sẽ thu hút được rất nhiều nguồn lực đóng góp từ người dân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong thời gian tới”, ông Phan Thiên Định nói.

MỚI - NÓNG