Dương Nguyễn Bảo Thy. |
Thành tích ấn tượng của Bảo Thy
- Đạt chứng chỉ 7.5 IELTS.
- Chứng chỉ tiếng Đức C1.
- Đồng sáng lập tổ chức phi chính phủ Vietnamese for ASEAN.
- Phó Chủ tịch chương trình Global Volunteer, thuộc Tổ chức lãnh đạo trẻ AIESEC Germany ở Karlsruhe (Đức).
Lạc lõng giữa lớp chuyên Anh
Dương Nguyễn Bảo Thy bắt đầu học tiếng Anh từ lớp 3 và đến năm lớp 6, cô đủ điểm đỗ vào lớp chuyên Anh. Thế nhưng, Thy dường như bị bỏ lại rất xa so với bạn bè đồng trang lứa trên hành trình chinh phục tiếng Anh.
Vào lớp học, Thy tiếp xúc với các bạn giỏi tiếng Anh, nghe các bạn học trao đổi về kiến thức tiếng Anh, Thy chưa hiểu và mặc cảm. Bạn bè có lúc trêu Thy rằng, học đến giờ vẫn không biết những thứ đơn giản như “dangerous là tính từ của danger”.
“Những năm THCS, mình không có nhiều điều kiện để có thể tiếp xúc với tiếng Anh. Thế nên, chẳng giống như mọi người thường nghĩ, mình không có một môi trường tốt để phát triển ngôn ngữ này. Đa phần là mình tự học từ sách và học trên lớp", Thy nói.
Những năm THPT, Bảo Thy (thứ ba, từ phải sang) luôn có thành tích tốt trong học tập. |
Bảo Thy cảm thấy đôi chút thất vọng về bản thân, khi là một học sinh Khá, Giỏi nhưng lại nằm trong nhóm "không nổi trội" môn học này. Dẫu vậy, cô nàng biến sự tự ti ấy thành động lực để chinh phục môn Tiếng Anh. Thy nhận thấy, muốn giỏi tiếng Anh phải có lộ trình học cụ thể và phương pháp phù hợp với bản thân.
Chuỗi ngày “làm bạn” với tiếng Anh
Bảo Thy đã tự xốc lại tinh thần, bắt đầu bớt quan tâm lời nói của người khác, quan sát sự giỏi của các bạn làm động lực rồi tự học. Thời còn học THCS, nhà Thy thậm chí không có Internet, nên chủ yếu cô tự học tiếng Anh qua sách vở - hiệu quả, đơn giản và chi phí thấp.
“Đầu tiên, mình được học kèm với một gia sư tiếng Anh. Khi đó, thầy hướng dẫn mình học lại kiến thức với những sách tiếng Anh Mai Lan Hương. Mỗi ngày, mình dành thời gian làm hết những bài tập trong cuốn sách và nhờ thầy chỉnh sửa, giải thích ngữ nghĩa. Mưa dầm thấm lâu, tình yêu với tiếng Anh càng ngày càng lớn và mình đã chủ động tiếp nhận nó chứ không hề giữ cảm giác 'bị học' như trước nữa", Thy cho biết.
Bên cạnh đó, dù biết được rằng ngữ pháp chính là nền tảng để phát triển ngôn ngữ, nhưng Thy vẫn tập trung hơn vào phần luyện nói, ngữ điệu và cách phát âm bằng cách xem video YouTube, podcast… để hướng tới cách nói chuyện thoải mái, tự nhiên và có phản xạ hơn.
Bảo Thy (ngoài cùng bên trái) chụp ảnh với bạn bè khi tham gia một cuộc thi tại Mỹ. |
Tuy nhiên, Thy nhấn mạnh chúng ta không được bỏ ngữ pháp, từ vựng qua một bên mà chỉ chăm chăm vào học nói. Như vậy chẳng khác gì việc xây một ngôi nhà mà không có nền móng và ngôi nhà đó sẽ bị gió quật bay bất kỳ thi nào.
“Suy cho cùng, khi học tiếng Anh qua sách vở, bạn dung nạp vào não một cách tự nhiên rất nhiều kiến thức ngữ pháp, từ cách dùng thì, đến giới từ, chia động từ... và quan trọng nhất là học được cách sắp xếp từ ngữ sao cho đúng, chuẩn và tự nhiên. Việc thực hành đều đặn hàng ngày cùng sự kiên trì là chìa khóa để chinh phục tiếng Anh thành công. Có lẽ, bàn đạp vững chắc từ những năm tháng học tiếng Anh cùng sách Mai Lan Hương đã góp một phần vào sự tự tin, năng nổ và đầy nhiệt huyết của bạn bây giờ”, Thy 'bật mí' bí quyết.
Bảo Thy thích tìm hiểu đặc trưng văn hóa, xã hội của các nước châu Âu, khi đang là du học sinh tại Đức. |
Thấy được sự nỗ lực của Bảo Thy, cùng với đó là sự phát triển vượt bậc trong việc học ngôn ngữ này, thầy cô ở trường đã tạo điều kiện cho cô bạn nhiều cơ hội đi tham dự những cuộc thi tiếng Anh để cọ xát và học hỏi. Dù chỉ để cọ xát, song cô nàng cũng gặt hái được kha khá những giải thưởng. Bảo Thy cũng chia sẻ thêm: “Không có MLH (sách Mai Lan Hương - PV) thì mình không vô nổi tuyển Anh hồi xưa, rồi còn cả vốn từ để ôn IELTS, TOEIC nữa”.
Trải nghiệm cuộc sống ở Đức
Hiểu rõ tầm quan trọng của việc học ngoại ngữ, Bảo Thy luôn nỗ lực tự học và gặt hái được quả ngọt với bảng điểm IELTS 7.5 (tháng 3/2020). Việc giỏi tiếng Anh là công cụ kết nối giúp Thy giành học bổng du học Đức và có cơ hội đặt chân đến các quốc gia khác: Thái Lan, Nga hay Thổ Nhĩ Kỳ…
Sau khi may mắn nhận học bổng ngành Quan hệ quốc tế, tại trường ĐH Quốc tế Karlshochschule, Thy đã trải qua cuộc sống gần 3 năm học tập ở thành phố Karlsruhe (Tây Nam Đức). Tại đây, Thy học hỏi nhiều kiến thức mới, cách sống, lối suy nghĩ. Chính những điều đó đã giúp cô bạn ngày càng hoàn thiện bản thân và trưởng thành hơn.
Bảo Thy chia sẻ: “Ngoài việc học tốt tiếng Anh, mình biết bản thân không giỏi tiếng Đức nên dành thời gian tự học để giỏi hơn, bằng chứng là, mình vừa đậu bằng C1 tiếng Đức của viện Goethe vào tháng 10/2022. Thời điểm dịch bệnh khiến mọi thứ đóng cửa, khi ra đường, mình hay bị gọi “Corona” hay “China”. Mình biết rằng, phân biệt chủng tộc xuất phát từ định kiến xã hội của một số người, vì vậy, khi đi tàu điện ngầm hay đến những nơi công cộng, mình chọn cách không nghe, không biết để không ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân”, Thy tâm sự.
Bảo Thy là thế hệ trẻ với năng lượng tích cực trong các hoạt động học tập lẫn cộng đồng. |
Cũng theo Thy, mặt khác, các bạn sinh viên ở trường đại học rất tôn trọng lẫn nhau. Ngoài ra, thầy cô và nhân viên trường rất thân thiện, cư xử bình đẳng. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm, treo poster về nạn phân biệt chủng tộc…
Vốn nổi tiếng là một quốc gia kỷ luật, cuộc sống tại Đức đã giúp cô biết cách chú trọng hơn về vấn đề thời gian. “Ở Đức, văn hóa không làm việc và không làm phiền người khác vào Chủ Nhật. Ban đầu, mình chưa biết nên đôi khi làm phiền bạn bè vào cuối tuần và nhận câu trả lời từ chối từ họ. Sau này, khi làm việc thường xuyên với các bạn ở Đức, mình linh hoạt xử lý công việc trong tuần và không còn sốc văn hóa nữa, thay vào đó, mình được khen là nhạy bén và biết sắp xếp công việc”, Thy nói.
Bên cạnh học tập, Thy còn tham gia các hoạt động cộng đồng. Nổi bật, Thy là “co-founder” của tổ chức Vietnamese for ASEAN. Khi đấy, Thy cùng những người bạn ở Hà Nội thực hiện các số podcast, khai thác câu chuyện du học của sinh viên ở Thái Lan, Campuchia, Việt Nam… Thy cho biết, một điều đáng quan tâm là, nhiều bạn trẻ Việt còn định kiến với việc du học ASEAN. Một câu chuyện điển hình mà Thy từng nghe, đó là, con trai du học Thái Lan thì có vấn đề giới tính hay không mà sang đấy? Thông qua những hoạt động chia sẻ, Thy và nhóm mong muốn những định kiến vô hình hay hữu hình còn tồn tại trong mỗi người sẽ được cởi mở và dần xóa bỏ.
Bảo Thy (hàng đầu, từ hai từ trái sang) giao lưu cùng bạn bè quốc tế. |
Mỗi hoạt động học tập lẫn cộng đồng giúp Thy có thêm một bài học khác nhau về các kỹ năng trong cuộc sống. Từ cách sắp xếp thời gian, kỹ năng giao tiếp với mọi người, dự trù kinh phí cũng như kỹ năng xử lý những tình huống bất ngờ khác cũng theo đó mà dần được hoàn thiện.
Hiện tại, Thy đang dành thời gian trau dồi thêm các kỹ năng, học tập thật tốt và tìm hiểu thêm về các khía cạnh văn hóa, xã hội đặc trưng tại các quốc gia châu Âu. Sắp tới, Thy sẽ sang Budapest để thực tập và cô bạn dự định sẽ tiếp tục chương trình học thạc sĩ ở Đức.