Từ con số 0 đến chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Khi từ Nhật Bản về nước, tôi bắt đầu bằng con số 0, gần như không có một trang thiết bị nào để nghiên cứu”, GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TPHCM), một trong hai nữ nhà khoa học vừa được vinh danh Giải thưởng Kovalevskaia, ngày 16/5 chia sẻ.

Phát triển thuốc từ thảo mộc

Giải thưởng Kovalevskaia danh giá năm 2021 được trao cho GS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai và GS.TS. NGƯT Nguyễn Minh Thủy (giảng viên cao cấp Bộ môn Công nghệ Thực phẩm, Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ).

Là người mở đường cho hướng nghiên cứu hóa dược và phát triển thuốc của ĐHQG TPHCM, GS Mai cùng cộng sự đã triển khai thành công nhiều nghiên cứu như chiết xuất nano hỗ trợ điều trị bệnh viêm khớp từ cây Cà gai leo. Nghiên cứu thành công hợp chất có khả năng kháng ung thư và phương pháp điều chế hợp chất này.

Đề tài nghiên cứu “Xây dựng quy trình chiết xuất cao định chuẩn từ củ Ngải bún và đánh giá tác dụng dược lý theo định hướng sử dụng hỗ trợ điều trị bệnh viêm loét dạ dày” của bà và cộng sự đã tạo ra được sản phẩm điều trị bệnh viêm loét dạ dày từ dược liệu trong nước, được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KH&CN trao bằng sáng chế.

Từ con số 0 đến chủ nhân giải thưởng Kovalevskaia ảnh 1

GS.TS. Nguyễn Thị Thanh Mai (thứ hai từ trái sang) và GS.TS NGƯT Nguyễn Minh Thủy (ngoài cùng bên phải) nhận giải thưởng Kovalevskaia sáng 16/5

GS Mai cùng cộng sự cũng được biết đến rộng rãi với “Nghiên cứu phân lập các hoạt chất từ nguồn cây cỏ Việt Nam định hướng tác dụng ức chế enzyme a -glucosidase, xanthine oxidase và tyrosinase”. Từ 19 mẫu dược liệu, nhóm nghiên cứu đã phân lập và xác định cấu trúc của 228 hợp chất, trong đó có 51 hợp chất mới lần đầu tiên được phát hiện trên thế giới.

Bà sở hữu bảng thành tích nghiên cứu “khủng” như chủ trì và hoàn thành 14 đề tài NCKH các cấp, công bố 75 bài báo khoa học trên tạp chí quốc tế. Bà kể: “Khi tôi về Việt Nam, gần như không có nền tảng gì, không có trang thiết bị nào để nghiên cứu, tôi mất 5 năm để bắt đầu”.

Biến cây mọc dại thành hàng hóa giá trị

GS Nguyễn Minh Thủy phát triển sự nghiệp nghiên cứu theo hướng ứng dụng các kỹ thuật xử lý, tồn trữ và chế biến đa dạng sản phẩm thực phẩm có giá trị chất lượng cao và an toàn từ các loại nông sản nhiệt đới sau thu hoạch. Nhiều thực vật bản địa, qua nghiên cứu của bà, trở thành các sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao.

GS Thủy tâm sự, nghiên cứu tâm đắc nhất của bà là công nghệ sản xuất rượu vang sim rừng. Quả sim rừng mọc dại khắp Phú Quốc và Măng Đen (Kon Tum) qua công nghệ của bà đã trở thành một loại rượu có giá trị kinh tế cao.

Con đường nghiên cứu của GS Thủy cũng gặp nhiều khó khăn. Bà nhớ lại: “Lúc ra nước ngoài học tiến sĩ nhiều trang thiết bị hiện đại quá, ở Việt Nam chưa từng thấy bao giờ. Mà học tiến sĩ là phải tự thân, không làm được thì về nước”.

MỚI - NÓNG