Tự đạp đổ thương hiệu Hương Tràm suốt 10 năm?

TPO - Bất ngờ trở lại với sản phẩm mới, Hương Tràm cũng chính thức đổi nghệ danh thành Charmy Pham. Song, hướng đi này chưa thực sự thuyết phục với nhiều khán giả.

Sau 4 năm vắng bóng để học ở Mỹ, Hương Tràm bất ngờ quay lại làng nhạc Việt với MV LALALA cùng EP (đĩa mở rộng) cùng tên, gồm các ca khúc do cô tự sáng tác.

Bên cạnh việc chuyển hướng sang dòng nhạc Latin nóng bỏng, Hương Tràm còn gây chú ý khi quyết định đổi nghệ danh hoàn toàn mới: Charmy Pham.

Điều này đồng nghĩa với việc cô đã tự đạp đổ thương hiệu Hương Tràm gây dựng suốt 10 năm qua.

Lý do Hương Tràm đổi nghệ danh

Thực tế, nghệ danh Charmy Pham được Hương Tràm úp mở từ năm 2021. Theo nữ ca sĩ sinh năm 1995, Charmy là tên cô dùng để giao tiếp với mọi người tại Mỹ vì họ không phát âm được thanh dấu tiếng Việt.

Chữ “Tràm” thường bị phát âm thành chữ “charm” nên cô quyết định đổi thành Charmy cho dễ đọc, ghép với họ Phạm thành Charmy Pham.

Tự đạp đổ thương hiệu Hương Tràm suốt 10 năm? ảnh 1

Hương Tràm trở lại với hình ảnh nóng bỏng và nghệ danh mới Charmy Pham.

Nhưng Hương Tràm quyết liệt hơn với nghệ danh mới khi trở lại làng nhạc. Thay vì dùng tên cũ, cô để Charmy Pham ngay trên bìa EP lẫn các hình ảnh quảng bá sản phẩm mới.

Trên các nền tảng số như Spotify hay Zing MP3, cái tên Hương Tràm cũng hoàn toàn biến mất, thay bằng Charmy Pham. Tất nhiên, việc cập nhật vẫn còn thời gian. Một số nơi ê-kíp vẫn để nghệ danh Charmy Pham với chú thích là Hương Tràm hoặc ngược lại.

Dẫu vậy, quyết định của Hương Tràm vẫn gây thắc mắc khi cái tên Hương Tràm gần như đã thành thương hiệu suốt 10 năm qua. Đổi nghệ danh đồng nghĩa với việc nữ ca sĩ phải nỗ lực để hình ảnh Charmy Pham trở nên phổ biến hơn. Bởi lẽ đến hiện tại, nhiều khán giả vẫn chưa biết Charmy Pham là ai, ở đâu và có gì đặc biệt.

Được, mất khi đổi nghệ danh

Trước Hương Tràm, nhiều ca sĩ cũng từng đổi nghệ danh để làm mới bản thân nhưng không phải lúc nào cũng thành công.

Năm 2020, Hoài Lâm bất ngờ trở lại làng nhạc với ca khúc Hoa nở không màu. Sau đó, nam ca sĩ đổi nghệ danh thành Young Luuli khi góp giọng trong một bản rap với các nghệ sĩ Underground. Một thời gian sau, anh lại tiếp tục dùng nghệ danh Yun Tulo trong một vài sản phẩm.

Kết quả thì ai cũng nhận ra, Hoa nở không màu trở thành bản hit lớn trong sự nghiệp của Hoài Lâm. Trong khi đó, chẳng mấy người nhớ được nghệ danh Young Luuli hay Yun Tulo.

Tự đạp đổ thương hiệu Hương Tràm suốt 10 năm? ảnh 2

Hoài Lâm từng 2 lần đổi nghệ danh nhưng không nhiều người biết.

Một vài trường hợp an toàn hơn, đơn cử là Soobin Hoàng Sơn. Giống Hương Tràm, anh trở lại làng nhạc bằng cách tung EP The Playah cuối năm 2020. Đồng thời, nam ca sĩ cũng thông báo đổi nghệ danh thành Soobin cho ngắn gọn, thay vì dùng cả tên thật như trước.

Trường hợp ngược lại là Sơn Tùng M-TP. Trước khi gia nhập công ty của nhạc sĩ Huy Tuấn vào năm 2012, anh chọn nghệ danh là M-TP, viết tắt của “music”, “tài năng” và “phong cách”. Sau đó, nam ca sĩ thêm tên thật vào thành Sơn Tùng M-TP cho dễ nhớ và dễ tiếp cận khán giả.

S.T Sơn Thạnh – thành viên của nhóm 365 – cũng có hướng đi tương tự. Sau khi nhóm tan rã, nam ca sĩ đổi nghệ danh để tiếp tục phát triển sự nghiệp solo. Vì cho rằng S.T sẽ trùng với một nghệ sĩ khác là Sơn Tùng, anh quyết định đưa tên thật vào, trở thành S.T Sơn Thạch.

Có nên đổi nghệ danh?

Về cơ bản, Soobin hay Sơn Tùng, Sơn Thạch vẫn là những cái tên quen thuộc, gắn liền với các nghệ sĩ trước đó. Thế nên dù họ có đổi nghệ danh thì khán giả vẫn dễ dàng chấp nhận.

Trái lại, Hương Tràm hay Hoài Lâm vốn đã là những thương hiệu lớn của làng nhạc, là những tên tuổi có sự nghiệp khiến nhiều người phải mơ ước. Do đó, họ có đổi tên thành gì thì chắc chắn sẽ gây tranh cãi.

Khi Hương Tràm trở lại với nghệ danh và hình ảnh mới, lập tức tạo ra luồng tranh luận dữ dội trên mạng xã hội.

Tự đạp đổ thương hiệu Hương Tràm suốt 10 năm? ảnh 3

Hương Tràm nhận được phản đối nhiều hơn ủng hộ khi đổi nghệ danh.

Nhiều khán giả bày tỏ sự tiếc nuối trước hướng đi của nữ ca sĩ gốc Nghệ An. Phần lớn đánh giá nghệ danh Charmy Pham không gần gũi với khán giả Việt.

Chưa kể, hình ảnh quyến rũ cũng không phù hợp với chiều cao 1,59 m của cô. Phong cách âm nhạc và bài hát thì chưa tôn được chất giọng mạnh mẽ, nhiều nội lực.

Trong thập niên 1990-2000, khán giả gần như chỉ quen với những ca sĩ có nghệ danh thuần Việt. Các nghệ danh tiếng nước ngoài trở nên xa lạ, khó nhớ. Nhưng theo thời gian, quan điểm về nghệ danh cũng cởi mở hơn.

Nhiều ca sĩ trẻ bắt đầu học theo các thị trường K-Pop, C-Pop để dùng nghệ danh tiếng nước ngoài. Khán giả cũng dần quen với những cái tên như Hòa Minzy, Hoàng Yến Chibi, Juun Đăng Dũng,…

Nghệ danh gắn liền với phong cách, góp phần xây dựng hình ảnh và tạo nên thành công cho ca sĩ. Đến nay, ít ai nhớ được tên thật của Amee là Trần Huyền My hay Erik là Lê Trung Thành. Nếu có, cũng chỉ là những người hâm mộ lâu năm.

Thế nên, đổi nghệ danh thực sự là một hướng đi chưa thuyết phục của Hương Tràm. Có lẽ cô chỉ đang muốn dạo chơi với nghệ danh mới. Hoặc đơn giản, đây là cách để cô thu hút sự chú ý trước khi thực sự trở lại với cái tên Hương Tràm.

Tin liên quan