Tự sát: Từ phim ảnh tới đời thực

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 10/9 mới đây là tròn 20 năm Ngày Thế giới phòng, chống tự tử kể từ lần đầu tiên năm 2003. Mỗi năm trên thế giới có gần 800.000 người chết vì tự sát, còn tại Mỹ, tự sát đứng thứ 12 trong số những nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất. Mặc dù đã nhiều nghiên cứu về điều này, tuy nhiên nó vẫn là một điều bí ẩn lớn, và luôn khiến những người ở lại ám ảnh với câu hỏi “tại sao?”

Tồn tại, hay không tồn tại: đó mới là câu hỏi” (Hamlet, Hồi 3, Cảnh 1). Một câu hỏi tràn đầy tính hiện sinh khi nhân vật của Shakespeare suy tư về sự tồn tại của loài người nói chung và của bản thân nói riêng: Liệu rằng ta nên sống hay chết? Đây cũng chính là câu hỏi luôn nhức nhối.

Những màn tự sát kinh điển trên phim ảnh

Tự sát từ lâu đã trở thành một trong những nền tảng của triết học, như Albert Camus từng thốt lên: “Chỉ có duy nhất một vấn đề triết học nghiêm trọng, đó chính là tự sát. Quyết định xem cuộc đời này có đáng sống hay không thực chất là câu hỏi nền tảng của triết học”.

Là cái quyết định sinh tồn quá đặc biệt trong việc định nghĩa thế nào là con người và cuộc sống, nên đề tài tự sát luôn được khám phá rộng rãi trong các tác phẩm nghệ thuật, và phim ảnh không phải ngoại lệ.

Taste of Cherry (Hương vị anh đào, 1997) của đạo diễn huyền thoại người Iran Abbas Kiarostami đưa đến cho khán giả cảm giác về một cuộc dạo bộ chậm rãi giữa người xem và nhân vật chính, để cùng nhau bàn về ý nghĩa của sự tồn tại và tự sát. Bộ phim kể về một người đàn ông quá tuổi trung niên Badii lái xe khắp những đồi núi ở Tehran để tìm người giúp ông một việc nhỏ với khoản thù lao hậu hĩnh. Dần dần ông tiết lộ rằng ông sắp tự sát tại một chiếc hố nằm dưới gốc cây. Và ông cần tìm người đến chiếc hố đó vào đúng 6h sáng hôm sau để gọi ông dậy, nếu không thấy ông trả lời thì hãy lấp đất lên chiếc hố đó để chôn xác ông. Badii đã có một kế hoạch tự sát cụ thể và rõ ràng về mặt thời gian, nơi chốn lẫn cách thức, tuy nhiên lí do khiến ông chọn cách tự kết liễu bản thân vẫn còn là điều bí ẩn từ đầu đến cuối bộ phim. Badii cho rằng lí do tự sát của ông không quan trọng, bởi vì dù có kể ra đi chăng nữa thì cũng không thể thay đổi quyết định của bản thân. Đối với ông, mỗi một người trên cuộc đời này đều có những hoàn cảnh và nỗi đau riêng, nên cho dù có tâm sự nỗi đau của ta với người khác thì họ cũng không thể cảm nhận được chính nỗi đau đó.

Hay như bộ phim Christine (2016) của đạo diễn Antonio Campos dựa trên câu chuyện có thật về Christine Chubbuck, một nữ phóng viên tại Florida đã tự sát ngay trên sóng truyền hình vào ngày 15/7/1974. Ngày hôm đó, trên một bản tin thời sự của đài WXLT-TV, Christine đã nói: “Nhằm hưởng ứng chính sách mới của Đài 40 về việc đem đến cho quý vị khán giả những tin tức máu me nhất và sống động nhất, quý vị sẽ sắp được xem một loại tin tức đầu tiên được chiếu lên truyền hình: một cảnh tự sát”. Nói xong, cô rút từ dưới bàn một khẩu súng ngắn và tự kết liễu bản thân.

Trong một bài phỏng vấn, mẹ Christine cho biết “Không có bạn bè thân thiết, không có gắn bó tình cảm với ai. Con bé vẫn độc thân ở độ tuổi 29 và điều này khiến nó buồn lòng. Không ai có thể thấu hiểu con bé. Chính điều đó đã dẫn đến việc này”. Bề ngoài, Christine là một người phụ nữ đáng ngưỡng mộ, một nữ phóng viên đầy tham vọng và đam mê dành cho nghề, cũng là người nhạy cảm và luôn cảm thấy đồng cảm với người khác. Tuy nhiên không ai có thể nhìn thấu được nỗi đau bên trong cùng với sự cô độc mà Christine phải đối mặt hàng ngày, ngay cả bác sĩ tâm thần của cô cũng xem nhẹ căn bệnh trầm cảm và nỗi “khao khát” tự sát mà cô phải chịu đựng.

Phản ứng đầu tiên của hầu hết mọi người khi nghe tin một người mình quen biết tự sát là sự bất ngờ kèm theo câu cảm thán “không ngờ là nó lại chọn cách tự sát, trông nó vui vẻ/bình thường thế kia mà”. Trong khi những người có khuynh hướng tự sát, dù vô tình hay cố ý, cũng đều luôn bộc lộ những dấu hiện ra bên ngoài như một cách để giải tỏa hay cầu cứu. Vì thế phản ứng bất ngờ của nhiều người khi nghe tin về nạn nhân tự sát là minh chứng cho sự thờ ơ không chủ đích về sự nghiêm trọng của các vấn đề tâm lý đang ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại và hậu quả của chúng.

Tự sát một cách “hợp lý”?!

Tự sát: Từ phim ảnh tới đời thực ảnh 1

Nhân vật Badii (thủ vai bởi Homayoun Ershadi) trong Taste of Cherry.Ảnh: Liên hoan Phim London BFI.

Có vô vàn lý do để một người chọn cách tự sát và những lý do này thực chất không có gì khó hiểu hay lạ lẫm với chúng ta. Câu hỏi cần đặt ra ở đây là trong trường hợp nào tự sát được xem là một “lựa chọn hợp lý”? Thực tế, trong một số trường hợp, tự sát là lựa chọn có suy tính từ trước và có tính hợp lý khó thể tranh cãi và người đưa ra lựa chọn đó đang trong trạng thái minh mẫn. Ngày 11/6/1963, Hòa thượng Thích Quảng Đức đã chọn cách tự thiêu nhằm phản đối sự đàn áp Phật giáo của chính quyền thời ấy, gây chấn động toàn cầu. Ai dám nói sự hi sinh bản thân này là một hành vi điên rồ và phi lý?

Song, phần lớn chúng ta không phải là các nhân vật lịch sử, mà chỉ là những con người nhỏ bé, bình thường đang cố sống cuộc sống bình thường của mình. Quay lại với bộ phim Taste of Cherry, mặc dù nhân vật Badii không chia sẻ nguyên nhân dẫn đến lựa chọn tự sát của mình, ông vẫn đưa ra lời phản biện để chứng minh sự lựa chọn của ông không hề phi lý đối với bản thân. “Tôi biết rằng tự sát là một đại tội. Nhưng bất hạnh cũng là một tội lỗi mà. Khi ta bất hạnh, ta làm tổn thương người khác. Đó không phải là tội lỗi ư? Tổn thương gia đình, bạn bè hay chính bản thân ta. Đó không phải là tội lỗi à? Nếu tôi làm tổn thương cậu thì đó không phải là một tội lỗi nhưng nếu tôi tự kết liễu bản thân tôi thì tôi lại mắc tội à?”.

Tự sát: Từ phim ảnh tới đời thực ảnh 2

Diễn viên Rebecca Hall hóa thân vào Christine Chubbuck trong phim Christine. Ảnh: The Criterion Collection

Việc bàn về tính “hợp lý” của hành vi tự sát vẫn luôn là điều khá kiêng kỵ, nhất là với xã hội Á Đông. Nhưng tôi nghĩ vấn đề không phải là tự sát có “hợp lý” hay không, mà là liệu ta có thể cảm thông và thấu hiểu cho những nạn nhân của tự sát? Liệu ta có thể bỏ qua mọi định kiến của bản thân để thấu cảm và sẵn sàng quan sát, lắng nghe tâm sự về những khó khăn và suy nghĩ về tự sát của những người xung quanh mình, tìm cách hỗ trợ họ lúc họ cần? Ngược lại, khá nhiều vụ tự sát, nạn nhân đã qua đời tức tưởi, nhưng họ vẫn phải nhận không ít lời bình luận lạnh lùng vô cảm, thậm chí còn cho là “đáng đời”!? Và cũng là dịp để truyền thông, báo chí tìm cách câu view...

Không giống như những bộ phim có thể kết thúc bằng chữ “The End” và chuyển sang màn hình tối đen, còn chúng ta vẫn phải kể tiếp câu chuyện đời mình. Dù tháng nhận thức về phòng, chống tự sát năm 2023 với chủ đề “Tạo niềm hy vọng thông qua hành động” rồi sẽ qua, nhưng công cuộc phòng, chống tự sát của loài người sẽ không bao giờ kết thúc.

Ta nên luôn nhận thức sự thật rằng không có người nào là hoàn toàn tách xa khỏi trạng thái sẵn sàng dùng một thanh gươm hay thuốc độc để tự chấm dứt sự tồn tại của bản thân”. Lời nhắc nhở ấy của triết gia Arthur Schopenhauer thể hiện rằng hành vi tự sát luôn ở gần bên ta hơn ta tưởng, để cần phải luôn để tâm đến mọi dấu hiệu bất thường của những người xung quanh mình.

MỚI - NÓNG