Tự theo dõi huyết áp tại nhà đúng cách trong mùa giãn cách

0:00 / 0:00
0:00
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn ra toàn cầu, người bệnh có thể e ngại khi đến bệnh viện , việc chăm sóc tại nhà phải được ưu tiên, đặc biệt những đối tượng có bệnh lý mãn tính như tim mạch, huyết áp.

Đo huyết áp thường xuyên giúp theo dõi mức độ ổn định hoặc giúp nhận biết sớm bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Bài viết này giúp người có bệnh tăng huyết áp biết cách đo huyết áp đúng cách tại nhà.

Tự theo dõi huyết áp tại nhà đúng cách trong mùa giãn cách ảnh 1

Làm thế nào để đo huyết áp tại nhà?

Người bệnh tăng huyết áp cần chuẩn bị cho mình một chiếc máy đo huyết áp tự động để kiểm tra huyết áp mỗi ngày. Mỗi máy đo huyết áp đều có một vòng bít bơm hơi để quấn quanh bắp tay. Sau khi bấm nút, máy sẽ tự động thổi phồng vòng bít và nhẹ nhàng siết chặt vào cánh tay. Vòng bít có một đồng hồ để ghi lại chỉ số huyết áp, nhịp tim.

Máy đo sử dụng đơn vị đo lường là milimet thủy ngân (mmHg) để đo áp suất trong mạch máu.

Huyết áp được thể hiện bằng hai con số: số đầu tiên, được gọi là huyết áp tâm thu, tương ứng với áp lực trong động mạch khi tim co bóp; số thứ hai, được gọi là huyết áp tâm trương, tương ứng với áp lực trong động mạch khi tim nghỉ ngơi (giãn ra). Ngoài ra, trên máy đo huyết áp còn hiển thị nhịp tim.

Tự theo dõi huyết áp tại nhà đúng cách trong mùa giãn cách ảnh 2

Dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tăng huyết áp:

● Tiền tăng huyết áp: huyết áp tâm thu 130-139 mmHg hoặc huyết áp tâm trương 85-89 mmHg

● Tăng huyết áp: huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và/hoặc huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg

Quy trình đo huyết áp đúng cách

Để đo huyết áp chính xác nhất, khi tự kiểm tra tại nhà, bạn hãy tuân thủ danh sách các việc cần làm này:

● Nghỉ ngơi trước khi đo 5 – 10 phút

● Không dùng chất kích thích trước đo 2 giờ (cà phê, thuốc lá, rượu, bia…)

● Không nói chuyện khi đo huyết áp

● Người cao tuổi hoặc mắc đái tháo đường nên đo thêm huyết áp tư thế đứng

● Ngồi trên một chiếc ghế thoải mái có tựa lưng ít nhất 5 phút trước khi đo.

● Đặt cả hai chân bằng phẳng trên mặt đất và không bắt chéo chân.

● Đặt vòng bít vào bắp tay, và để cánh tay trên bàn cao ngang ngực.

● Đảm bảo rằng vòng bít huyết áp vừa khít nhưng không quá chặt. Vòng bít phải áp vào da, không trùm lên quần áo.

● Lần đo đầu tiên, cần đo huyết áp ở cả 2 cánh tay, tay nào có chỉ số huyết áp cao hơn sẽ dùng để theo dõi về sau.

● Sử dụng nhật ký huyết áp để ghi lại số đo huyết áp mỗi ngày.

● Đo huyết áp vào cùng một thời điểm mỗi ngày.

● Thực hiện ít nhất hai lần đo, cách nhau 1 hoặc 2 phút.

● Nếu số đo huyết áp giữa 2 lần đo chênh nhau trên 10 mmHg, cần đo lại một vài lần sau khi đã nghỉ trên 5 phút

● Giá trị huyết áp ghi nhận là trung bình của 2 lần đo cuối cùng

Những yếu tố ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp?

Có nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến kết quả đo huyết áp, bao gồm:

● Nếu bạn hút thuốc, uống rượu, caffeine, hoặc tập thể dục trong vòng 30 phút trước khi đo huyết áp, chỉ số huyết áp có thể cao hơn.

● Tư thế ngồi đo huyết áp: Bắt chéo chân và để cánh tay buông thõng bên hông thay vì đặt trên bàn cao ngang ngực có thể khiến huyết áp của bạn tăng lên.

Điều quan trọng là phải đo huyết áp chính xác để có hình ảnh rõ ràng hơn về nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Kết quả đo huyết áp thấp hơn thực tế có thể mang lại cảm giác an toàn sai về sức khỏe.

Cách kiểm soát huyết áp hiệu quả hơn tại nhà:

Tự theo dõi huyết áp tại nhà đúng cách trong mùa giãn cách ảnh 3

Biến chứng của tăng huyết áp rất nguy hiểm vì vậy cần kiểm soát huyết áp thật hiệu quả. Ảnh: Internet

Ngoài việc dùng thuốc để kiểm soát huyết áp, người có bệnh tăng huyết áp có thể thực hiện các bước sau để duy trì mức huyết áp khỏe mạnh:

● Hoạt động thể chất là một trong những điều tốt nhất để duy trì sức khỏe. Hoạt động thể chất giúp tim và mạch máu khỏe mạnh và duy trì cân nặng hợp lý.

● Không hút thuốc. Hút thuốc làm hỏng mạch máu và làm tăng đáng kể nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim, và đột quỵ.

● Chế độ ăn cân bằng, ít muối, đảm bảo ăn nhiều trái cây tươi và rau quả.

● Giữ cân nặng hợp lý: giúp giảm căng thẳng cho tim và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe về các bệnh không lây nhiễm thường gặp như tăng huyết áp nằm trong chương trình Chăm Sóc Sức Khỏe Việt.

Tự theo dõi huyết áp tại nhà đúng cách trong mùa giãn cách ảnh 4

Ảnh: ADCREW

Chăm Sóc Sức Khỏe Việt là dự án nằm trong chương trình phòng chống các bệnh không lây nhiễm (BKLN), do Cục Y Tế Dự Phòng - Bộ Y Tế và công ty Davipharm (https://davipharm.info/vi/) phối hợp thực hiện, nhằm góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về dự phòng, phát hiện sớm nguy cơ mắc một số BKLN phổ biến cũng như chẩn đoán sớm và kiểm soát tốt BKLN. Phòng, chống BKLN hiệu quả sẽ hạn chế số người mắc bệnh, ngăn chặn tàn tật, tử vong sớm và giảm quá tải y tế, cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống cho người Việt Nam đặc biệt trong đại dịch toàn cầu Covid-19. Đây là mục tiêu đầy tính nhân văn của chương trình. Kết nối với chương trình qua Fanpage (https://www.facebook.com/ChamSocSucKhoeVietBKLN) để có những thông tin hữu ích.

Bài viết chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị.

MỚI - NÓNG