Tự tìm đường ra biển

Tự tìm đường ra biển
TP - “Em phải đến Harvard...” không chỉ là tựa của một cuốn sách dịch của Trung Quốc ăn khách cách đây mấy năm mà còn là hiện thực của nhiều cựu học sinh trường THPT Hà Nội - Amsterdam.

Từ nhiều năm qua, tự tìm học bổng du học là một phong trào sôi nổi của học sinh ở ngôi trường danh giá nhất Thủ đô này.

Giấc mơ chinh phục ĐH Mỹ

So với bạn bè cùng lớp 12 Anh 2 năm học 2010 – 2011, Hạnh Nga là một học sinh chịu nhiều thiệt thòi. Bố em mất sớm, mẹ em tần tảo nuôi các con ăn học, kinh tế gia đình không lấy gì làm khá giả.

Cô Đặng Ngọc Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Anh 2 kể: “Có lần Hạnh Nga tâm sự với tôi, em muốn đi học ở Mỹ nhưng nhà em khó khăn. Em chỉ còn một cách là cố gắng để có học bổng”.

Quyết tâm của Hạnh Nga đã giúp em chạm được vào ước mơ. Giờ đây học sinh cả trường Ams biết tên Hạnh Nga bởi em sắp trở thành sinh viên của trường ĐH danh giá nhất thế giới - ĐH Harvard.

Hạnh Nga không phải là học sinh trường Ams đầu tiên được nhận học bổng toàn phần của ĐH Harvard. Năm ngoái, cùng một lúc trường Harvard nhận cấp học bổng toàn phần cho hai học sinh quốc tịch Việt Nam, và cả hai đều có bước khởi đầu từ trường Ams: Trịnh Đức Minh, Phan Đức Toàn.

Cả hai đều trúng tuyển vào lớp 10 trường Ams năm học 2006 - 2007. Học xong lớp 10, cả hai đều được học bổng học du học cấp THPT, nhưng người thì đi Mỹ, người đến Singapore. Tháng 9-2010, cả hai lại gặp nhau ở Harvard.

Ngoài ra, học sinh trường Ams trước Minh và Toàn có các chị Nguyễn Bích Ngọc (học Ams năm học 2003 - 2004), chị Hồng Nhung (2000 - 2003)... cũng đã và đang là sinh viên Harvard.

Tuy nhiên, với học sinh trường Ams, Harvard không phải là đỉnh cao duy nhất trong giấc mơ chinh phục các trường ĐH danh tiếng trên thế giới. Ngoài Harvard, có rất nhiều tên tuổi lớn như Yale, Princeton, Stanford, Brown... của giáo dục ĐH Mỹ đã và đang là mục tiêu cho hàng chục thế hệ học sinh trường Ams vươn tới.

Những trường này không chỉ “đỉnh” bởi chất lượng đào tạo mà còn được tiếng “rộng rãi” trong việc cấp học bổng cho sinh viên do nguồn lực kinh tế dồi dào. Thông thường một suất học bổng toàn phần những trường “giấc mơ” khoảng trên dưới 230.000 USD/ khoá học 4 năm.

Trong con đường tìm học bổng du học của học sinh trường Ams, thành công rực rỡ cho đến nay là Nguyễn Hồng Hạnh, học sinh lớp 12 Anh 1 năm học 2008 - 2009.

Cùng một thời điểm, Hạnh được 11 trường ĐH của Mỹ đồng ý cấp học bổng toàn phần, trong đó có nhiều trường thuộc top 15 trường hàng đầu nước Mỹ: Stanford, Yale, Princeton, Brown, Dartmouth College, Williams, Swarthmore, Oberlin, Mount Holyoke College, Georgetown University.

Trong khi các bạn đồng trang lứa ở Việt Nam đang vùi đầu dùi mài kinh sử chuẩn bị ứng thí cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thì Hạnh đau đầu vì không biết chọn trường nào để học! Sau nhiều đắn đo, Hạnh quyết định chọn trường Stanford.

Trần Thu Quỳnh (ngoài cùng bên phải), đang trao đổi với các bạn cùng lớp
Trần Thu Quỳnh (ngoài cùng bên phải), đang trao đổi với các bạn cùng lớp.

Cạnh tranh căng thẳng hơn

Theo thầy Đỗ Bá Khôi, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội – Amsterdam, phong trào tự tìm học bổng du học của học sinh nhà trường trở nên mạnh mẽ từ khoảng hơn chục năm nay, cùng với sự phát triển Internet. Tự học sinh vào trang web của các trường ĐH để tìm hiểu tiêu chí tuyển sinh, khả năng cấp học bổng..., đối chiếu với trình độ và nguồn lực tài chính của bản thân để nộp hồ sơ xin học.

Ngoài ra, các em tìm hiểu thông tin từ các anh chị đi trước, từ bạn bè đang học ở nước ngoài. Năm học nào, lớp nào cũng đều có rất nhiều học sinh nhận được học bổng du học.

“Các trường ĐH nước ngoài đánh giá rất cao tính tự chủ, độc lập của học sinh trong học tập, nghiên cứu. Quá trình tìm hiểu thông tin về các trường cũng như chuẩn bị hồ sơ xin học là một cơ hội cho các em thể hiện sự tự chủ đó”, thầy Khôi nhận xét.

Dù là Phó Hiệu trưởng nhưng thầy Khôi vẫn làm giáo viên chủ nhiệm đến năm 2005. Thông thường ở những lớp chuyên toán do thầy chủ nhiệm, khoảng 1/3 học sinh trong lớp du học trong quá trình học hoặc khi vừa nhận bằng tốt nghiệp THPT xong.

Gần 2/3 học sinh học ĐH trong nước một vài năm rồi mới đi. Mỗi lớp chỉ khoảng dăm em học ĐH trong nước. Tuy nhiên, phong trào tìm học bổng du học của các em đặc biệt sôi nổi ở những lớp chuyên Anh. Có lớp Anh 2 có 54 học sinh thì đến khi thi tốt nghiệp THPT chỉ còn 27 em.

Theo nhiều học sinh trường Ams, tâm thế chuẩn bị các điều kiện và tìm kiếm thông tin du học ngay từ khi bước chân vào trường đã thành truyền thống. Hồng Hoa, lớp trưởng lớp 12 Anh 2 năm học 2010 - 2011 cho biết: “Vào lớp 10 lớp em có 50 bạn thì khoảng một nửa lớp đi học tiếng Anh để thi Toefl, chuẩn bị cho kế hoạch đi Mỹ. Một số bạn khác muốn đi Nhật, đi Singapore thì học để thi IELTS. Trong ba năm học vừa qua, dù đã được bổ sung thêm học sinh nhưng hiện nay lớp em chỉ còn 43 bạn do một số bạn đã đi du học cấp THPT”.

Được biết, lớp 12 Anh 2 có khoảng nửa lớp làm hồ sơ xin học bổng của các trường ĐH ở nước ngoài và đến nay khoảng 15 - 16 bạn được toại nguyện. Tuy nhiên, đa số chỉ đạt mức học bổng 50%.

Lớp 12 Toán tuy chỉ có 7 bạn nộp hồ sơ nhưng cả 7 người đều toại nguyện, trong đó có 3 bạn được học bổng toàn phần của những trường danh tiếng: Ngọc Linh, Hải Châu, Thu Quỳnh. Thu Quỳnh, người sắp nhận học bổng toàn phần của ĐH Brown chia sẻ: “Những lứa học sinh về sau có lợi thế bởi nhiều thông tin hơn, có sự chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, vì các suất học bổng dành cho học sinh Việt Nam của các trường ĐH là có hạn, số lượng người muốn du học ngày càng nhiều nên sự cạnh tranh cũng căng thẳng hơn”.

“Theo tôi nên khuyến khích học sinh tự tìm các nguồn tài chính để theo học đại học ở các nước có nền giáo dục đào tạo phát triển. Nhiều người e ngại các em sẽ không trở về nhưng theo quan sát của tôi, lo lắng này không có căn cứ. Cách đây ít lâu, tôi vừa dự buổi họp lớp của khoá học sinh ra trường cách đây 9 năm. Lớp có 30 em, cả 30 em đều du học. Điểm danh lại, chỉ có 2 em vẫn đang làm việc ở nước ngoài, còn lại đều trở về làm việc, đầu tư trong nước” - Thầy Đỗ Bá Khôi, nguyên Phó Hiệu trưởng trường THPT Hà Nội - Amsterdam

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG